10 năm sau vụ tai nạn máy bay MH370 của Malaysia Airlines, người thân của các hành khách trên chuyến bay đã bày tỏ sự tiếc thương và đau buồn đối với người thân, bạn bè mất tích của họ. Ngày 3/3, Malaysia tuyên bố sẵn sàng khởi động lại hoạt động tìm kiếm chuyến bay MH370 bị rơi, thu hút sự chú ý từ ngoại giới.

MH370
Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines “biến mất” trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào tháng 3/2014. Đây vẫn là vụ án hàng không chưa được giải quyết lớn nhất trong lịch sử hàng không toàn cầu. (Ảnh: Getty Images)

Tháng 3/2014, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines “biến mất” một cách bí ẩn trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Đây vẫn là vụ án hàng không chưa được giải quyết lớn nhất trong lịch sử hàng không toàn cầu.

“Chúng tôi muốn biết sự thật”, người thân, bạn bè rơi nước mắt khi nhớ lại chuyến bay của Malaysia Airlines.

“Con ơi, đã 10 năm rồi. Ba mẹ đến đây để đưa con về nhà”, ông Lật Nhị Hữu và vợ là bà Lưu Song Phong đến từ tỉnh Hà Bắc nói với China Press rằng vào ngày 8/3 của 10 năm trước, con trai họ, Lật Diên Lâm, đã đáp chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines từ Kuala Lumpur trở về Bắc Kinh theo lịch trình.

Thật không may, anh lại trở thành một trong những hành khách trên chuyến bay MH370. 10 năm qua, họ chưa bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm sự thật, thậm chí còn dành hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ VNĐ) cho nỗ lực này.

“Chúng tôi đã tới 15 quốc gia ở bờ biển phía đông châu Phi, để tìm kiếm những nơi máy bay có thể hạ cánh. Chúng tôi sẽ không dừng lại hay bỏ cuộc.”

Theo báo chí nước ngoài đưa tin trước đó, từ nhỏ, Lật Diên Lâm đã là niềm tự hào của gia đình. Anh có thành tích học tập xuất sắc, và là một trong số ít sinh viên đại học trong làng.

Lật Diên Lâm xuất thân từ một vùng nông thôn ở Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Thời điểm thịnh vượng nhất của gia đình là vào năm 2014, khi có tin anh nhận được cơ hội làm việc ở nước ngoài. Anh là đứa trẻ đầu tiên trong làng ra nước ngoài. Năm đó chuyện này đã “gây chấn động” cho cả làng.

Tuy nhiên, đối với gia đình và bạn bè, thật khó có thể che giấu nỗi buồn khi nhớ lại nỗi đau mất đi người thân.

Grace Nathan, luật sư 36 tuổi người Malaysia, cũng nói với AFP, rằng 10 năm qua đối với cô giống như một chuyến tàu lượn siêu tốc, và cô không thể bình tĩnh trở lại.

Mẹ cô, bà Anne Daisy, 56 tuổi là hành khách trên chuyến bay MH370. Dù cuộc sống vẫn còn tiếp diễn, nhưng cô không bao giờ nguôi ngoai nỗi đau mất mẹ.  Nathan phát biểu trước đám đông, và kêu gọi Chính phủ Malaysia bắt đầu cuộc tìm kiếm mới vì MH370 không phải là lịch sử.

Con trai 28 tuổi Lý Ngạn Lâm của bà Lưu Song Phương (Liu Shuangfong), 67 tuổi, đến từ tỉnh Hà Bắc và cũng có mặt trên chuyến bay. Bà cho biết, chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines đã mất tích nhiều năm như vậy: “Máy bay này đang ở đâu?” Bà sẽ tiếp tục tìm kiếm.

Cuộc tìm kiếm được khởi động lại nhân kỷ niệm 10 năm vụ tai nạn

Ngày 8/3/2014, chuyến bay MH370 từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh đã biến mất bí ẩn chưa đầy một giờ sau khi cất cánh. Trên máy bay có 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, trong đó có 154 hành khách Trung Quốc.

Trong quá trình bay, máy bay MH370 đột ngột quay đầu ngược với đường bay dự kiến, ​​rồi bay trở lại bán đảo Malaysia và eo biển Malacca, sau đó biến mất.

Nhà chức trách Malaysia tuyên bố, MH370 tiếp tục bay sau khi mất liên lạc và thời gian bay kéo dài hơn 6 giờ. Hệ thống liên lạc của máy bay cũng bị ai đó ngắt như một “hành động cố ý”.

Ngày 29/1/2015, 10 tháng sau khi máy bay được thông báo mất tích, Cục Hàng không Dân dụng Malaysia chính thức xác nhận máy bay bị rơi, và toàn bộ 239 người trên máy bay đều mất tích.

Sau nhiều nỗ lực không có kết quả, công tác tìm kiếm đã bị dừng lại vào tháng 1/2017.

Tháng 11/2022, một ngư dân của đảo quốc Ấn Độ Dương Madagascar đã phát hiện mảnh vỡ của càng hạ cánh máy bay MH370. Mảnh vỡ cho thấy, cơ trưởng đã hạ bộ càng trước khi máy bay lao xuống biển. Điều này càng củng cố giả thuyết cho rằng máy bay có thể đã bị rơi một cách cố ý.

Mảnh vỡ này là một phần của chiếc Boeing 777, còn được gọi là cửa trunnion, đã trở thành bằng chứng vật lý đầu tiên cho thấy cơ trưởng có thể đã cố tình cho máy bay rơi.

Tờ Daily Telegraph ngày 12/12/2022 đưa tin, trong một báo cáo, chuyên gia hàng không Blaine Gibson của Mỹ và Richard Godfrey của Anh cho biết: “Việc hạ càng hạ cánh cho thấy vấn đề hành động chủ ý của phi công, cũng nhằm để máy bay chìm nhanh nhất có thể sau khi va chạm”.

Theo báo cáo của “China Press” của Malaysia, khi cuộc mất tích của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines bước sang năm thứ 10, Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia, ông Anthony Loke, đã nói với gia đình các nạn nhân khi tham dự lễ kỷ niệm 10 năm MH370 vào ngày 3/3, rằng Chính phủ Malaysia sẽ tìm ra sự thật về bí ẩn lớn nhất lịch sử hàng không này.

Ông đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải một lần nữa mời Công ty thám hiểm vô cực Đại dương của Mỹ tới Malaysia, để bắt đầu lại hoạt động tìm kiếm MH370. Ông cũng cho biết, sẽ nỗ lực ký thỏa thuận không tìm thấy, không mất phí với bên kia, hiện thỏa thuận này đang chờ thời gian họp quyết định.

Bình Minh (t/h)