Sự xâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào hệ thống giáo dục của Hoa Kỳ, đặc biệt là vào các trường công lập, đã gây ra sự phẫn nộ từ các thị trấn nhỏ cho đến Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ). Hôm thứ Ba (19/9), bà Nicole Neily, chủ tịch tổ chức Phụ huynh Bảo vệ Giáo dục (PDE), đã phát biểu trước Ủy ban Giáo dục Hạ viện Mỹ về vấn đề đáng báo động này. Bà đã trình bày công việc điều tra của PDE nhằm vạch trần các hành động xâm nhập của ĐCSTQ.

Tổ chức Phụ huynh Bảo vệ Giáo dục đã đi đầu và liên tục tìm ra bằng chứng cho thấy sự can thiệp của Trung Quốc vào hệ thống giáo dục công của Mỹ. Bà Neily kêu gọi các nhà lập pháp quốc hội hành động ngay lập tức bởi vì bà cho rằng mối đe dọa này cũng là vấn đề an ninh quốc gia.

Ảnh hưởng của ĐCSTQ trong các lớp học ở Mỹ đã lan rộng và ăn sâu. Mối liên hệ của chính phủ Trung Quốc với các trường K-12 ở Hoa Kỳ được hiện thực hóa dưới hình thức tài trợ, trao đổi giáo viên, và đặc biệt là chương trình giảng dạy ủng hộ cộng sản.

Những chương trình như vậy thường được trình bày dưới chiêu bài trao đổi văn hóa hoặc cơ hội học ngôn ngữ, khiến chúng có vẻ vô hại. Tuy nhiên, mục đích thực sự của các chương trình này là thúc đẩy chương trình nghị sự của ĐCSTQ và truyền bá tư tưởng của họ cho học sinh/sinh viên Mỹ.

Các chương trình được gọi là Viện Khổng Tử hoặc Lớp học Khổng Tử là một trong những phương tiện chính để ĐCSTQ xâm nhập vào các trường học ở Mỹ. Các chương trình này, được chính phủ Trung Quốc tài trợ, hoạt động ở cả giáo dục trung học và đại học với mục đích dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng chúng là công cụ để truyền bá tuyên truyền của ĐCSTQ và hạn chế tự do học thuật.

Bà Neily đã chỉ ra bản chất đáng lo ngại của các chương trình Khổng Tử trong lời chứng của mình trước Ủy ban Giáo dục Hạ viện. Bà nói:

Tuy nhiên, điều này trông như thế nào trong thực tế, đang gây lo ngại: Trong bộ phim tài liệu ‘Nhân danh Khổng Tử’ năm 2017, một sinh viên ở Đại học Michigan hát một vở opera tại một buổi hòa nhạc của Viện Khổng Tử về cách Chủ tịch Mao [Trạch Đông] ‘nuôi dưỡng người dân trên vùng đất này’, một cái tát không nhỏ vào mặt của các gia đình với khoảng 23 – 40 triệu công dân Trung Quốc đã chết dưới sự cai trị của [Mao] Trạch Đông trong Nạn đói lớn ở Trung Quốc”. 

Ông Peter Wood, chủ tịch Hiệp hội Học giả Quốc gia Mỹ từ năm 2009, đã nói phóng viên Samantha Aschieris của tờ Daily Signal rằng sau những lời chỉ trích gay gắt đối với nội dung ủng hộ cộng sản trong các chương trình Khổng Tử, Trung Quốc và các học khu ở Mỹ đã bắt đầu đổi tên các chương trình để tránh bị phát hiện.

Nói về các chương trình của Trung Quốc, ông Wood nhận xét: “Các chương trình này có cơ cấu tổ chức khiến chúng khá dễ bị phát hiện”. Đồng thời ông cho biết thêm:

Các lớp học Khổng Tử không có một cái tên duy nhất. Chúng có nhiều tên khác nhau, và các trường có chúng [các lớp học Khổng tử] đều e ngại không muốn cung cấp thông tin về chúng [các lớp học Khổng Tử] là gì và chúng đang làm gì.

Ảnh hưởng của ĐCSTQ không chỉ giới hạn trong các trường công lập “thông thường” mà còn lan sang một số trường trung học khoa học và công nghệ hàng đầu ở Hoa Kỳ.

Trường Trung học Khoa học và Công nghệ Thomas Jefferson ở tiểu bang Virginia và Học viện Toán và Khoa học Gatton ở tiểu bang Kentucky đã nhận hàng triệu đô la từ chính phủ Trung Quốc. Các liên kết này cho phép chính phủ Trung Quốc ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy và phương pháp giảng dạy tại các tổ chức giáo dục danh tiếng này.

Bà Neily đã đề cập đến các cuộc phỏng vấn với các cựu quan chức trường học, những người kể lại rằng các nhà tài trợ Trung Quốc đã tìm cách tiếp cận để “điều tra các sơ đồ mặt bằng, giáo án, và các dự án nghiên cứu của sinh viên, một số dự án trong đó đã được hoàn thành cùng với các cơ quan liên bang như Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ và Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến.

Ảnh hưởng của Trung Quốc trong các trường học ở Mỹ có quan hệ chặt chẽ với Sáng kiến Vành Đai và Con đường toàn cầu của ĐCSTQ. Sáng kiến này nhằm mục đích nâng cao ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc thông qua cơ sở hạ tầng chính sách, công nghệ, và tài trợ giáo dục, các khoản vay, và “trao đổi nhân viên”. Các Viện và Lớp học Khổng Tử được ĐCSTQ ca ngợi là các lực lượng quan trọng cho hợp tác quốc tế trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Các chương trình trao đổi giáo viên thông qua “các sáng kiến gây ảnh hưởng” khác nhau của ĐCSTQ nhằm đưa công dân Trung Quốc vào các lớp học ở Mỹ để truyền bá tư tưởng Mao Trạch Đông cho các học sinh/sinh viên Mỹ.

Đây không phải là một lời buộc tội không thực tế hoặc phỏng đoán vô căn cứ. Bắc Kinh đã công khai thừa nhận trong các cuộc hội thảo dành cho giáo viên rằng tất cả công dân Trung Quốc trong các lớp học ở Hoa Kỳ được mong đợi thực hiện quy trình này.

Bà Neily dường như đã gây lo lắng cho các thành viên Ủy ban Giáo dục Hạ viện  với những báo cáo chi tiết về những công dân Trung Quốc đã công khai đưa hệ tư tưởng của ĐCSTQ vào các trường công lập ở các tiểu bang Delaware, Virginia, và Kentucky.

Nghiên cứu của tổ chức Phụ huynh Bảo vệ Giáo dục (PDE), cũng cho thấy ĐCSTQ tập trung nhiều hơn vào việc “trao đổi nhân viên” liên quan đến các công dân Trung Quốc gần các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Bà Neily lưu ý, điều này có thể cho phép ĐCSTQ “truy cập vào dữ liệu về con cái của quân nhân”. 

Bà Neily yêu cầu Quốc hội bắt đầu điều tra ngay lập tức các sáng kiến giáo dục của Trung Quốc ở Mỹ. Bà cho rằng “sẽ hữu ích nếu sử dụng thẩm quyền điều tra của FBI để nghiên cứu ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền giáo dục Mỹ, từ đó có thể thực hiện hành động để giám sát các chương trình vẫn còn tồn tại cũng như xác định mức độ thiệt hại mà các chương trình đã gây ra cho đến nay.

Sau đó bà nói một cách châm biếm:

Đây có vẻ như là cách sử dụng tốt hơn các nguồn lực hữu hạn của cục [điều tra liên bang – FBI] thay vì điều tra các phụ huynh trong các cuộc họp của hội đồng nhà trường, vấn đề mà cho đến ngày nay vẫn là một phần trong phạm vi hoạt động của FBI bởi vì thông báo nội bộ ngày 4/10/2021 của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ [Merrick] Garland về chủ đề đó chưa bao giờ được rút lại, và do đó, vẫn còn hiệu lực.

Trong một thông báo bằng văn bản gửi cho tờ The Daily Signal, bà Neily giải thích lý do tại sao bà tin rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền giáo dục Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia: 

Công việc [điều tra] của PDE về các Lớp học Khổng tử cho thấy mô hình và thực tiễn về sự tham gia của nước ngoài vào hệ thống trường học trên khắp đất nước chúng ta. Chúng tôi tin rằng các cuộc điều tra chính thức về phạm vi và tác động của các chương trình này ở cấp địa phương, tiểu bang, và liên bang là hết sức cần thiết, và chúng tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ có khả năng đối phó với tình hình. Sự cảnh giác và minh bạch là rất quan trọng, và chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và điều tra các bằng chứng được gửi đến nhóm của chúng tôi.