Tạp chí Phố Wall đưa tin két tiền của Lầu Năm Góc chỉ còn 5,2 tỷ USD ngân sách cho Ukraine. Reuters báo cáo hôm Thứ Ba (3/10) rằng vấn đề chi thêm tiền cho chiến tranh Ukraine vẫn còn đang “vật lộn” ở Quốc hội Mỹ, miêu tả “tiếng trống chống Ukraine của phe Cộng hòa vẫn còn tiếp diễn”, cứ như thể người Mỹ không chịu chi tiền thì được gọi là “chống Ukraine”.

shutterstock 1210283029
Lầu Năm Góc. (Ảnh: Ivan Cholakov/Shutterstock)

Theo Reuters, tranh cãi chủ yếu ở Hạ viện Mỹ nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số, bởi vì Thượng viện nơi Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden chiếm đa số đã khẳng định lập trường tiếp tục viện trợ cho chính quyền Kiev.

Một thành viên của Đảng Cộng muốn phế truất ông Kevin McCarthy khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện, với cáo buộc ông ta đã có “thỏa thuận bí mật” với ông Biden, điều mà ông McCarthy đã bác bỏ.

Tạp chí Phố Wall (WSJ) đưa tin, Bộ Quốc phòng lên tiếng cảnh báo rằng họ còn 5,2 tỷ đô la ngân sách cho Ukraine.

Reuters dẫn nguồn một quan chức cho hay, tính đến 2/10, Bộ Quốc phòng còn lại 1,6 tỷ đô la trong quỹ thay thế vũ khí gửi đến Ukraine, quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) đã hết, và chỉ còn 5,4 tỷ đô la từ Quyền Rút vốn của Tổng thống.

Reuters: Tiếng trống chống Ukraine của phe Cộng hòa vẫn còn tiếp diễn

Theo Reuters, phần đông trong số phản đối viện trợ cho Ukraine là đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump.

Họ vẫn tiếp tục phản đối viện trợ cho Kiev vào hôm 2/10.

Ông Trump hiện theo đuổi tranh cử tổng thống Mỹ 2024.

Dân biểu Đảng Cộng hòa Matt Gaetz nói ông sẽ cố gắng loại bỏ ông McCarthy khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện trong tuần này. Ông Gaetz đã cáo buộc ông McCarthy hôm Thứ Hai đã đạt được một “thỏa thuận bí mật” với ông Biden về vấn đề viện trợ Ukraine: Ông McCarthy đã đồng ý cho phép Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ Kiev sau khi dự luật chi tiêu được thông qua.

Ông McCarthy đã phủ nhận điều đó. Ông nói muốn chính quyền Biden phải minh bạch cho người Mỹ biết về các khoản viện trợ đã được dùng như thế nào, trước khi có thể tiếp tục các bước tiếp theo.

Ông kêu gọi chính quyền sắp xếp một cuộc họp ngắn cho các thành viên Hạ viện về con đường mà họ thấy có thể chấm dứt xung đột.

Ông nói với các phóng viên: “Các thành viên của chúng tôi có rất nhiều câu hỏi, đặc biệt là các quy định về trách nhiệm giải trình đối với những gì chúng tôi muốn thấy đối với số tiền được gửi.”

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre kêu gọi Quốc hội hành động nhanh chóng.

“Họ không phải đợi 45 ngày để hoàn thành việc này”, cô nói trong cuộc họp báo hàng ngày, và thể hiện tin tưởng rằng viện trợ cho Ukraine vẫn sẽ tiếp tục, khi cô gửi thông điệp cảnh báo cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, “Nếu Putin nghĩ rằng ông ấy có thể cầm cự lâu hơn chúng tôi thì ông ấy đã nhầm. Ông ấy nhầm to rồi.”

“Chúng tôi sẽ sớm có một gói viện trợ khác để thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với những người dân dũng cảm của Ukraine,” cô Jean-Pierre nói.

Kiểm soát viên Bộ Quốc phòng Michael McCord đã gửi thư cho ông McCarthy nói rằng Lầu Năm Góc đã phải giảm tốc độ tiếp tế cho một số binh sĩ.

“Hôm nay, Bộ Quốc phòng đã cạn kiệt gần như toàn bộ nguồn tài trợ hỗ trợ an ninh hiện có cho Ukraine,” ông McCord viết trong bức thư đề ngày 29/9, và bày tỏ lo ngại về việc dự luật ngân sách tạm thời không bao gồm hỗ trợ an ninh cho Ukraine.

Để minh họa về ảnh hưởng tệ hại của vấn đề, lá thư của ông McCord đã chỉ ra phương cách mà các quỹ của Hoa Kỳ đang được dùng để tăng cường việc làm và sản xuất ở Tucson, Arizona, nơi RTX Corp có cơ sở và Lockheed Martin’s, Camden, Arkansas, cơ sở sản xuất tên lửa GMLRS và bệ phóng phòng không Patriot.

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Kiev đang đàm phán với các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội, và kịch tính xung quanh dự luật tạm thời là một “sự cố” nhất thời, chứ không phải là một vấn đề mang tính hệ thống.

Bối cảnh sự việc

Mỹ đã đưa vào Ukraine 114 tỷ đô la theo con đường viện trợ quân sự và phi quân sự kể từ chiến tranh nơi đây bắt đầu từ tháng 2/2022.

Đây là chi tiêu lớn nhất theo hình thức này trong lịch sử Mỹ nếu tính theo cùng quãng thời gian.

Chiến tranh Ukraine đã trở thành chiến tranh lớn nhất Châu Âu kể từ sau Đại Thế chiến II của thế kỷ trước. Các phe tham chiến đều tuyên truyền rằng chết chóc và tàn phá từ cuộc chiến khởi phát do nguyên nhân của phe bên kia, còn phe bên mình là phe chính nghĩa.

Luật ngân sách Chính phủ Mỹ đã không thể được thông qua đúng lịch trình, chính bởi vì tiếng nói của 21 đảng viên Cộng hòa, những người được miêu tả là theo đường lối “cứng rắn”, phản đối dự kiến chi tiêu của chính quyền Biden, gồm các khoản cho chiến tranh Ukraine. Họ lập luận rằng là những người yêu nước, họ muốn chính quyền chú trọng hơn tới các vấn đề nổi bật của dân Mỹ trong nước, ví như vấn đề khủng hoảng biên giới và dân nhập cư.

Một dự luật tạm thời cho ngân sách chính phủ 45 ngày đã được thông qua cuối tuần trước, để tránh “đóng cửa chính phủ”. Nó không có bất kỳ khoản chi nào cho chiến tranh Ukraine.

Cho nên, tranh cãi ở Quốc hội Mỹ vẫn còn tiếp diễn.

Nhật Tân