Vào thứ Năm (19/10), Bộ Quốc phòng Mỹ đã đệ trình Quốc hội báo cáo thường niên “Báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc” (CMPR), cảnh báo việc mở rộng quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và vấn đề cưỡng bức quân sự đối với nước khác.

Dai Loan
Trực thăng quân sự của Trung Quốc bay qua đảo Bình Đàm, một trong những điểm gần Đài Loan nhất của Trung Quốc Đại lục, ở tỉnh Phúc Kiến vào ngày 4/8/2022, trước cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ngoài khơi Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo tự trị này. (Ảnh: HECTOR RETAMAL/AFP qua Getty Images)

Trong giới thiệu, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết “Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc” giải thích lý do tại sao Chiến lược quốc phòng năm 2022 của Mỹ xác định ĐCSTQ và quân đội của nước này là thách thức hàng đầu của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, ngoài việc tiếp tục theo dõi ĐCSTQ về chiến lược quân sự, học thuyết và sự phát triển lực lượng, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác tiếp tục thúc giục Trung Quốc minh bạch hơn về các kế hoạch hiện đại hóa quân sự của họ.

Báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ ra những tiến bộ mới nhất trong chiến lược quốc gia, kinh tế và quân sự của ĐCSTQ, đồng thời đưa ra phân tích chuyên sâu về chiến lược, sức mạnh quân sự và các hoạt động của ĐCSTQ và mục tiêu hiện đại hóa trong tương lai của họ.

Thiếu kinh nghiệm thực chiến

Một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (19/10) rằng báo cáo thường niên trước Quốc hội dựa trên Chiến lược Quốc phòng Mỹ, trong đó tuyên bố rằng Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ “là đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định, sẵn sàng và khả năng định hình lại trật tự quốc tế.”

Quan chức quốc phòng Mỹ lưu ý rằng ĐCSTQ không ngừng thúc đẩy lật đổ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đang xây dựng một quân đội ngày càng hùng mạnh vì mục tiêu đó.

Báo cáo viết: “Vào năm 2022, ĐCSTQ tiếp tục kêu gọi chuẩn bị cho một môi trường quốc tế ngày càng biến động”. Trong bối cảnh đó, chính sách quốc phòng của ĐCSTQ hướng tới “duy trì chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển”, nhưng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đóng một vai trò toàn cầu lớn hơn.

Về hành động cụ thể, ĐCSTQ đã áp dụng chiến lược “chống can thiệp” (counter-intervention); tìm cách hạn chế sức mạnh quân sự của Mỹ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Nhưng đồng thời ĐCSTQ cũng đang tăng cường khả năng quân sự ở sâu trong Thái Bình Dương và trong vùng của họ.

Báo cáo đề cập, vào năm 2022 ông Tập Cận Bình đã ra lệnh đến năm 2027 quân đội của ĐCSTQ sẽ đạt được mục tiêu 100 năm.

Báo cáo cảnh báo: “Nếu đạt được mục tiêu đó, quân đội của ĐCSTQ sẽ có khả năng quân sự đáng tin cậy hơn trong tham vọng thống nhất Đài Loan của họ”.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ nhấn mạnh một lỗ hổng chí mạng đối với quân đội Trung Quốc, đó là kể từ năm 1979 đến nay chưa tham gia bất kỳ cuộc chiến thực tế nào. Ông nói: “Đây thực sự là một thiếu sót lớn mà Trung Quốc đã nhấn mạnh và tóm tắt trong nhiều báo cáo tự đánh giá của họ”.

Những vấn đề mà quân đội ĐCSTQ tự đánh giá

Phần cuối cùng của báo cáo liệt kê riêng những vấn đề Quân đội ĐCSTQ tự đánh giá. Báo cáo đề cập, chính các phương tiện truyền thông quân sự của ĐCSTQ đã kết luận có “5 vấn đề” đối với nhiều chỉ huy quân đội của họ: vấn đề phân tích và phán đoán tình hình, vấn đề hiểu được ý định của cấp trên, vấn đề đưa ra quyết định chiến đấu, vấn đề bài binh bố trận, và vấn đề xử lý các trường hợp khẩn cấp.

Báo cáo dẫn lời phân tích của một chuyên gia bên ngoài cho rằng điều này có thể cho thấy quân đội Trung Quốc không thể tự tin vào khả năng thực hiện các kế hoạch tác chiến.

Ngoài ra, tuyên truyền quân sự của ĐCSTQ cũng chỉ ra hai “lỗ hổng lớn”, tức là trình độ hiện đại hóa quân đội của ĐCSTQ còn kém xa so với nhu cầu an ninh quốc gia và kém xa trình độ quân sự tiên tiến của thế giới.

Quân đội của ĐCSTQ tự nhận thấy khả năng yếu kém trong chiến tranh hiện đại. Trong khi đó bản thân lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình cũng không tự tin về những vấn đề như: khả năng quân đội luôn nhất quán theo chỉ đạo của Đảng, khả năng có thể chiến thắng trong thực chiến, và liệu chỉ huy các cấp có thể lãnh đạo quân đội và chỉ đạo chiến tranh hay không.

Đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc gia tăng nhanh hơn Mỹ dự đoán

Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính tính đến tháng 5/2023, Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng chiến đấu, vượt xa dự đoán trước đó của Mỹ. Báo cáo cũng ước tính đến năm 2030 Trung Quốc có thể có hơn 1000 đầu đạn hạt nhân.

Các báo cáo trước đây của Lầu Năm Góc ước tính vào năm 2021 Trung Quốc có hơn 400 đầu đạn hạt nhân.

Báo cáo cũng đề cập rằng ĐCSTQ có thể đang phát triển một hệ thống tên lửa xuyên lục địa cho phép họ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu ở Mỹ.

Báo cáo cũng cho biết thêm Hải quân Trung Quốc có hơn 370 tàu chiến và tàu ngầm, tăng so với con số vào năm ngoái là 340. Phát triển hải quân là cốt lõi trong chính sách “hiện đại hóa quân đội” của ông Tập Cận Bình.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã thúc giục đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng ĐCSTQ đã từ chối với lý do kho vũ khí hạt nhân của họ ít hơn của Mỹ và Nga.

Tăng cường dùng quân sự chèn ép nước ngoài

Báo cáo cho biết, trong năm qua ĐCSTQ đã không ngừng mở rộng sức mạnh quân sự của họ, đồng thời tăng cường dùng quân sự chèn ép nước ngoài.

Từ mùa thu năm 2021 đến mùa thu năm 2023, Mỹ đã ghi nhận hơn 180 vụ việc quân đội Trung Quốc đánh chặn nguy hiểm trên không đối với máy bay quân sự Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong cùng thời gian, quân đội Trung Quốc cũng có khoảng 100 hoạt động nguy hiểm chống lại các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Vấn đề được cộng đồng quốc tế chú ý là những động thái của ĐCSTQ áp lực lên Đài Loan. Năm 2022, quân đội của họ đã gia tăng các hành động khiêu khích và gây mất ổn định ở eo biển Đài Loan và các khu vực lân cận, cụ thể như: tên lửa đạn đạo bay qua không phận Đài Loan, tăng cường bay máy bay đến vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, triển khai các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn.

Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, “Tôi nghĩ họ đang cố gắng bằng cách làm cho việc huấn luyện và diễn tập trở nên gần gũi hơn với thực tế… để giải quyết vấn đề khả năng thực chiến của họ”.

Quan hệ Trung-Nga và cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine

Báo cáo cũng đề cập rằng ĐCSTQ đang làm sâu sắc thêm mối quan hệ Trung-Nga.

Báo cáo cho biết: “Bắc Kinh coi mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ với Nga là không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển. Bắc Kinh cố gắng một cách thận trọng cung cấp hỗ trợ vật chất cho Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine”.

Một ngày trước khi báo cáo được công bố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Nga Putin tại Bắc Kinh khi Putin đến tham dự lễ kỷ niệm 10 năm sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Quan chức Mỹ cho biết, ĐCSTQ coi liên minh của họ với Nga có quan hệ chặt chẽ với sự trỗi dậy trở thành cường quốc của Trung Quốc. Trong nhiều năm các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã nghiên cứu các cuộc xung đột quân sự liên quan đến quân đội Mỹ, quân đội Nga, đó là những nguồn quan trọng giúp họ hiểu rõ hơn về cách họ cần chuẩn bị cho các hoạt động chiến đấu trong tương lai. Tất nhiên, họ đang hết sức chú ý đến cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine.

Liên lạc quân sự Mỹ-Trung gián đoạn suốt năm 2022

Liên lạc quân sự cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ đã bị gián đoạn trong hơn hai năm, báo cáo cho biết ĐCSTQ tiếp tục tẩy chay trao đổi quân sự với Mỹ.

“Từ năm 2022 – 2023, quân đội của ĐCSTQ về cơ bản đã từ chối, hủy bỏ và phớt lờ các yêu cầu liên tục từ Mỹ về liên lạc quân sự song phương Mỹ – Trung Quốc cũng như liên lạc ở các cấp độ khác nhau trong Bộ Quốc phòng.”

Báo cáo nhắc lại: “Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết duy trì các kênh liên lạc mở với Trung Quốc để đảm bảo cạnh tranh không phát triển thành xung đột… Việc Trung Quốc từ chối liên lạc quân sự với Mỹ, thêm vào hành vi quân sự ngày càng hung hăng của phía Trung Quốc làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm có thể diễn biến thành khủng hoảng hoặc xung đột”.