Nhân dân Nhật báo hôm thứ Bảy (19/5) đã loan tin rằng Không lực Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thực hiện hoạt động huấn luyện cất và hạ cánh máy bay ném bom H-6K trên biển Đông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai hoạt động của máy bay ném bom chiến lược này trên các đảo tranh chấp. Vậy H-6K mạnh cỡ nào, liệu có thể giúp Bắc Kinh áp chế hơn nữa các nước trong khu vực?

H 6K
H-6K được ví với “pháo đài bay” B-52 của Mỹ. (Ảnh qua VOA Tiếng Việt)

H-6K là phiên bản mới và hiện đại nhất của dòng máy bay ném bom H-6 do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở cải tiến mẫu máy bay ném bom Tupolev Tu-16 của Liên Xô trước đây.

Những chiếc H-6K cải tiến được nâng cấp với động cơ D-30KP-2 mới từ Nga, cho tải trọng lớn hơn, tầm bay xa hơn so với trước đây (H-6 chỉ có tầm bay hơn 1000km). Bên cạnh đó nó còn được trang bị lại hệ thống thiết bị điện tử bao gồm cả hệ thống radar mới và buồng lái hiện đại với màn hình LCD.

H-6K không chỉ mang bom thông thường mà còn có thể mang bom thông minh và tên lửa hành trình. Mỗi chiếc H-6K chở được theo 9 tấn vũ khí các loại với tầm bay tác chiến 1.800km và đạt tốc độ hành trình 750km/h. Nếu được tiếp nhiên liệu trên không, H-6K có thể chiến đấu hiệu quả trong tầm bay lên tới 5.600km.

Nổi trội nhất trong số vũ khí mà H-6K được trang bị là tên lửa hành trình CJ-10 hoặc CJ-20 hoặc tên lửa chống đạn YJ-12. Nó có thể mang theo tới 6 quả tên lửa loại này ở hai bên cánh.

Tên lửa hành trình CJ-10 có tầm bắn 1.500km – 2.400km, được trang bị một đầu đạn thông thường nặng 500kg, hoặc đầu đạn hạt nhân.

Tầm hoạt động và khả năng mang theo khối lượng bom đạn của H-6K không thể sánh bằng “pháo đài bay” B-52 của Mỹ, nhưng giới chuyên gia đánh giá hai mẫu oanh tạc cơ này có chức năng gần như tương đồng.

H-6K cũng không cần thiết phải áp sát mục tiêu khi thực hiện nhiệm vụ. Bởi vì mẫu oanh tạc cơ này có thể phóng tên lửa hành trình từ xa. H-6K đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga nắm công nghệ phóng tên lửa hành trình từ không trung.

Nhược điểm của H-6K là hoạt động hết sức nặng nề, không có khả năng tàng hình, khả năng mang tải trọng bom đạn không lớn và không bay nhanh như Tu-160 của Nga. Vì không bay được nhanh nên H-6K phải cần đến sự yểm trợ của các máy bay chiến đấu trước tên lửa phòng không và tiêm kích đối phương.

Hiện tại, Trung Quốc đang sở hữu 16 chiếc H-6K sử dụng động cơ Nga và có đang kế hoạch chế tạo phiên bản mới dùng động cơ nội địa WS18.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: