Washington bày tỏ lo ngại về mối quan hệ dường như ngày càng thắt chặt giữa Moscow và Bình Nhưỡng, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, sau hội nghị thưởng định Putin-Kim được tổ chức tại vùng Amur, viễn đông của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Matthew Miller cho biết trong cuộc họp báo ngày 13/9: “Chúng tôi vẫn chưa thấy biểu hiện đầy đủ của cuộc họp này. Nhưng khi mọi người thấy, ông Kim Jong Un thề sẽ hỗ trợ đầy đủ, vô điều kiện cho cái gọi là ‘cuộc chiến thiêng liêng’ của Nga để bảo vệ lợi ích an ninh của mình… điều đó thật đáng lo ngại.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 13/9 tại vùng Amur, viễn đông của Nga. Cuộc gặp, được cho là kéo dài 5 giờ đồng hồ, được mô tả là sự thể hiện công khai tình hữu nghị của cả hai bên.

Cả hai vị lãnh đạo đều được tháp tùng bởi các phái đoàn lớn, bao gồm bộ trưởng quốc phòng, bộ ngoại giao và các quan chức cấp cao khác.

Ông Kim cho biết, mối quan hệ với Nga là “ưu tiên hàng đầu” của đất nước ông.

Ông cũng ca ngợi Nga vì đã tiến hành cái mà ông gọi là “cuộc chiến thiêng liêng” để bảo vệ chủ quyền của mình khỏi “các thế lực bá quyền” – tức phương Tây – dàn trận chống lại nước này.

Ông Kim mô tả cuộc gặp với ông Putin là một “cột mốc” trong quá trình “chuyển đổi mối quan hệ có lịch sử thân thiện thành một mối quan hệ hợp tác chiến lược không thể phá vỡ”.

Sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết mối quan hệ song phương giữa hai nước bao gồm “sự tương tác trong các lĩnh vực nhạy cảm, như tương tác quân sự và trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh cấp bách”.

Vào ngày 14 tháng 9, ông Kim được cho là vẫn còn ở Nga, ông dự kiến sẽ đến thăm các thành phố viễn đông Vladivostok và Komsomolsk-on-Amur.

Cùng ngày, Điện Kremlin thông báo ông Putin đã “ân cần chấp nhận” lời mời thăm Triều Tiên của ông Kim.

Điện Kremlin cũng đề cập đến chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Nga, ông Sergey Lavrov tới Bình Nhưỡng “vào khoảng tháng Mười”.

Ông Kim đã đến thăm Nga vào năm 2019 khi gặp ông Putin lần đầu tiên tại Vladivostok, cách biên giới Triều Tiên khoảng 300 dặm về phía Bắc.

Hợp tác chuyển giao vũ khí

Quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Putin-Kim xuất hiện những đồn đoán gây sốt trong giới quan chức và truyền thông Mỹ rằng Nga và Triều Tiên đang tìm cách trao đổi vũ khí và công nghệ.

Vào ngày 4 tháng 9, tờ New York Times dẫn lời “các quan chức Mỹ và đồng minh” khẳng định hội nghị thượng đỉnh Putin-Kim sẽ có các cuộc thảo luận về chuyển giao vũ khí và hợp tác quân sự.

Báo chí dẫn lời các quan chức cho rằng Moscow hy vọng nhận được vũ khí của Triều Tiên để sử dụng ở Ukraine và đổi lại, Triều Tiên nhận được công nghệ tiên tiến của Nga. 

Đầu tháng này, phát ngôn viên Nhà Trắng, ông John Kirby khẳng định rằng các cuộc đàm phán Nga-Triều về việc chuyển giao vũ khí tiềm năng đang “tiến triển tích cực”.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông Jake Sullivan đã cảnh báo Bình Nhưỡng rằng nước này sẽ “phải trả giá” nếu cung cấp cho Nga vũ khí để sử dụng tại chiến trường Ukraine.

Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận sự tồn tại của các thỏa thuận chuyển giao vũ khí, trong khi công khai kêu gọi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự.

Sau hội nghị thượng đỉnh, ông Putin được hỏi liệu vấn đề hợp tác quân sự có được đưa ra thảo luận hay không.

“Có một số hạn chế nhất định,” ông nói, có ý đề cập đến các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.

Ông nói thêm: “Nga tuân thủ tất cả những hạn chế này. Nhưng chắc chắn có những điều chúng ta có thể thảo luận và xem xét.”

Năm 2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt trên diện rộng đối với Triều Tiên sau khi nước này thử tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, năm ngoái, Nga đã cùng Trung Quốc ngăn chặn những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu, nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc lên Bình Nhưỡng.

Washington đang quan sát

Khi được hỏi liệu Moscow có bỏ qua các lệnh trừng phạt hiện có của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên hay không, ông Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, cho biết Nga sẽ tiếp tục “phát triển quan hệ” với Triều Tiên, đồng thời hoàn thành “các cam kết với Liên Hợp Quốc”. 

Tuy nhiên, tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Miller tỏ ra không bị thuyết phục với tuyên bố của phía Nga.

Ông Miller nói trong cuộc họp báo ngày 13/9: “Thật đáng lo ngại khi bạn thấy người Nga nói về việc hợp tác với Triều Tiên trong các chương trình có thể vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà chính Nga đã bỏ phiếu tán thành”.

“Khi bạn thấy những gì có vẻ là hợp tác gia tăng và chuyển giao quân sự… điều đó khá rắc rối và có khả năng vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, ông nói thêm.

Ông Miller khẳng định: “Đối với [việc chuyển giao vũ khí theo] một trong hai hướng, chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ và… không ngần ngại áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu cần thiết và thích hợp”.

Đầu mùa hè này, Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba thực thể mà họ cho rằng có liên quan đến các thỏa thuận vũ khí giữa Nga và Triều Tiên.

Phản ứng của Nga

Ông Anatoly Antonov, đặc phái viên của Moscow tại Washington, đã chỉ trích các quan chức Mỹ mà ông cho rằng đã tìm cách miêu tả mối quan hệ Nga-Triều Tiên là “nhân tố gây ra sự bất ổn”.

“Mỹ không có quyền lên lớp chúng tôi”, ông Antonov nói hôm 14/9 trên kênh Telegram của Đại sứ quán Nga.

Ông nói: “Là cường quốc hạt nhân có trách nhiệm và thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga có thể tự quyết định nên hợp tác với ai”.

Ông Antonov cũng chỉ trích Mỹ đổ vũ khí vào Ukraine trong khi lại coi việc Nga hợp tác quân sự với các nước khác là “bất hợp pháp”.

Ông tiếp tục kêu gọi Washington chấm dứt thông lệ lâu đời về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên những quốc gia mà Mỹ xem là kẻ thù. 

Lặp lại một trong những chủ đề yêu thích của Moscow, nhà ngoại giao này nói thêm, “Sự thống trị đơn cực [của Hoa Kỳ] … không còn khả thi nữa”.