Chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch gây áp lực lên Hà Lan vào tuần tới, để ngăn chặn nhà sản xuất thiết bị chip hàng đầu ASML của nước này cung cấp một số dịch vụ gia công ở Trung Quốc.

r shutterstock 2337261283
Văn phòng của ASML tại Thung lũng Silicon, San Jose, California, Mỹ. Ảnh chụp ngày 8/6/2023. (Ảnh: JHVEPhoto / Shutterstock)

Hôm 5/4 Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết, nhằm đối phó với Trung Quốc, Mỹ đang thúc giục Hà Lan có động thái đối với công ty ASML. Người đứng đầu chính sách xuất khẩu của Mỹ Alan Estevez dự kiến ​​vào thứ Hai tuần sau gặp các quan chức của Chính phủ Hà Lan và ASML (ASML.AS) tại Hà Lan, nguồn tin cho biết để thảo luận về hợp đồng dịch vụ ASML.

Trong cuộc thảo luận này, Washington có thể tìm cách bổ sung các nhà máy sản xuất chip của Trung Quốc vào danh sách bị cấm nhận thiết bị của Hà Lan.

Bộ Ngoại giao Hà Lan xác nhận cuộc gặp sắp tới nhưng không nêu chi tiết các chủ đề trong chương trình nghị sự.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết, Bắc Kinh phản đối việc Mỹ “mở rộng quá mức” khái niệm an ninh quốc gia, đồng thời dùng “các lý do ép buộc các nước khác tham gia phong tỏa công nghệ chống lại Trung Quốc”.

Bộ Thương mại Mỹ và ASML (cổ phiếu giảm nhanh sau tin tức này) từ chối bình luận.

Cuộc họp là động thái mới nhất của Washington nhằm thuyết phục các đồng minh tham gia cùng Mỹ hạn chế hơn nữa khả năng Trung Quốc sản xuất được chip tiên tiến.

Năm ngoái, ‘gã khổng lồ’ viễn thông Trung Quốc Huawei (bị Mỹ áp lệnh trừng phạt) đã gây chú ý khi tung ra một chiếc điện thoại mới được trang bị chip tiên tiến. Huawei Mate 60 Pro được coi là biểu tượng cho thời kỳ phục hưng công nghệ của Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực không ngừng của Washington nhằm làm suy yếu khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc.

Việc xuất khẩu các thiết bị dịch vụ liên quan đến sản xuất chip sang Trung Quốc là rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này. Ông Tập Cận Bình đã phàn nàn với ông Biden qua điện đàm trong tuần này, về những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận được một số công nghệ, bao gồm cả chất bán dẫn tiên tiến, nói rằng điều đó đang cản trở sự phát triển của Trung Quốc. Vì các máy ASML cần phải được bảo trì liên tục, nhất là các công cụ lớn và đắt tiền, nên việc hạn chế những thứ liên quan sẽ gây ra khó khăn cho phía Trung Quốc. Nước này hiện là thị trường lớn thứ hai của ASML tính theo doanh số năm ngoái (29%), sau Đài Loan.

Vì lý do an ninh quốc gia, năm ngoái Nhật Bản và Hà Lan đã cùng với Mỹ cấm Trung Quốc tiếp cận một số công nghệ sản xuất chip. Theo ASML, Chính phủ Hà Lan đã hạn chế khách hàng Trung Quốc được sử dụng một số thiết bị tia cực tím sâu (DUV) nhất định, theo đó thu hồi một phần giấy phép gây ảnh hưởng đến một số ít khách hàng Trung Quốc.

Ngày 1/1 năm nay, ASML đã thông báo bị thu hồi một phần giấy phép xuất khẩu thiết bị sản xuất vi mạch điện tử sang Trung Quốc. Công ty đã phát đi thông cáo cho biết, Chính phủ Hà Lan gần đây đã thu hồi một phần giấy phép xuất hàng của hệ thống in ảnh NXT:2050i và NXT:2100i được cấp trong năm 2023, ảnh hưởng đến một số khách hàng Trung Quốc.

Ngoài ra theo Bloomberg, ban đầu ASML đã được cấp phép xuất khẩu 3 máy máy quang khắc DUV hàng đầu sang Trung Quốc, nhưng cơ quan chức năng Mỹ đã liên lạc với ASML yêu cầu họ ngừng xuất hàng.

Nhưng các hạn chế của Hà Lan vẫn chưa đáp ứng được các quy định của Mỹ. Ông Estevez công khai tuyên bố Mỹ đang yêu cầu các đồng minh ngăn chặn các công ty của họ cung cấp một số công cụ sản xuất chip cho khách hàng Trung Quốc. Ông phát biểu tại một hội nghị kiểm soát xuất khẩu vào tuần trước: “Chúng tôi đang làm việc với các đồng minh của mình để xác định dịch vụ nào là quan trọng và dịch vụ nào không”.

Tháng Mười năm ngoái, Mỹ đã ban hành quy định nhằm hạn chế máy DUV của ASML đối với một số nhà máy sản xuất chip Trung Quốc, vì các thành phần của Mỹ trong công cụ này trao cho Washington quyền điều chỉnh hoạt động xuất khẩu ra nước ngoài của họ. Một trong những nguồn tin cho biết, tại cuộc họp vào thứ Hai các quan chức có thể sẽ nêu vấn đề mở rộng danh sách các nhà máy Trung Quốc.

Tuần trước, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình đã cảnh báo việc dựng lên các rào cản thương mại.

Theo ông Rutte, các biện pháp hạn chế của Hà Lan được thúc đẩy trên cơ sở gây ít can nhiễu nhất có thể cho hoạt động kinh doanh. Nhưng Rutte cho biết hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga là trở ngại lớn cho mối quan hệ giữa hai nước, vì Nga là nước Hà Lan coi là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất. Tín hiệu này cho thấy việc xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng có tiềm năng ứng dụng quân sự sẽ bị Hà Lan giám sát chặt chẽ.

Reuters nhận định Rutte là ứng cử viên được ưa chuộng cho vị trí tổng thư ký tiếp theo của NATO.

Mộc Vệ (t/h)