Ngày 25/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự luật đoàn kết quốc tế Đài Loan” (Taiwan International Solidarity Act), nhằm bổ sung vào Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã có những lỗ hổng trong vấn đề Đài Loan.

A1 2
Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Ảnh: Li Chen / Epoch Times)

Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố động thái của Mỹ là hành động cụ thể chống lại hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cố ý bóp méo Nghị quyết 2758 của LHQ, trong khi đó giới lập pháp Mỹ cho biết dự luật này nhằm giúp Đài Loan thuận lợi hơn trong tham gia vào các tổ chức quốc tế.

Theo Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), hôm 25/7 Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự luật đoàn kết quốc tế Đài Loan”. Trước đó vào ngày 16/5, dự luật này đã được Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện thông qua mà không bị phản đối, từ cuối tháng 2 dự luật được 8 thành viên của Hạ viện Mỹ cùng đề xuất, nhằm sửa đổi “Đạo luật Sáng kiến ​​Tăng cường và Bảo vệ Hữu nghị Quốc tế Đài Loan” (gọi tắt là TAIPEI Act) có hiệu lực vào tháng 3/2020, để chống lại việc ĐCSTQ cản trở Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế.

Dự luật nêu rõ rằng Nghị quyết [2758] công nhận Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại LHQ, nhưng không đề cập đến vấn đề quyền đại diện của Đài Loan và người dân Đài Loan tại LHQ hoặc bất kỳ tổ chức liên quan nào, cũng không đưa ra lập trường nào về mối quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan, hoặc có bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến chủ quyền của Đài Loan.

Dự luật nhấn mạnh Mỹ phản đối mọi sáng kiến ​​nhằm thay đổi tình trạng của Đài Loan mà không có sự đồng ý của người dân Đài Loan. Dự luật cũng yêu cầu các đại diện của Mỹ tại các tổ chức quốc tế khác nhau hãy thông qua việc bày tỏ quan điểm, bỏ phiếu và gây ảnh hưởng để kêu gọi các tổ chức này chống lại nỗ lực của ĐCSTQ nhằm bóp méo các nghị quyết, văn bản, chính sách hoặc thủ tục liên quan đến Đài Loan.

Sau khi dự luật được Hạ viện thông qua sẽ được gửi đến Thượng viện để xem xét. Theo quy tắc lập pháp của Mỹ, sau khi hai viện của Quốc hội thông qua một phiên bản dự luật, nó có thể được đệ trình lên tổng thống để ký và có hiệu lực thành luật.

Người phát ngôn Lưu Vĩnh Kiên (Liu Yongjian) của Bộ Ngoại giao Đài Loan cho hay, nhiều thập niên qua ĐCSTQ đã mở rộng và giải thích sai một cách ác ý Nghị quyết 2758 của LHQ chỉ đề cập đến “quyền đại diện của Trung Quốc”, sử dụng nghị quyết này để ngăn chặn sự tham gia của Đài Loan vào các hệ thống quốc tế và ngăn cản cống hiến của Đài Loan trên quốc tế, thậm chí biến thành cơ sở của luật pháp quốc tế cho “nguyên tắc một Trung Quốc” méo mó của họ, trong nhiều trường hợp đã tuyên bố sai sự thật rằng nghị quyết chứng minh chủ quyền của Bắc Kinh đối với Đài Loan.

Ông cho biết “Dự luật đoàn kết quốc tế Đài Loan” là hành động cụ thể của Quốc hội Mỹ nhằm chống lại hành vi của ĐCSTQ cố ý bóp méo Nghị quyết 2758 của LHQ. Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ chân thành cảm ơn những người bạn trong Quốc hội Mỹ dù bất kể đảng phái nào cũng luôn thể hiện ủng hộ vững chắc đối với sự tham gia quốc tế của Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nhấn mạnh, với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các nước có cùng chí hướng khác để tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và đóng góp vào những thách thức mà thế giới phải đối mặt.

Nhà lập pháp Vương Định Vũ (Wang Dingyu) của DPP Đài Loan nói rằng từ cựu đại sứ của thời Tổng thống Mỹ Trump tại LHQ đến đại sứ của chính quyền Tổng thống Biden đương nhiệm tại LHQ, cho đến việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này, đã làm rõ cho thế giới tự do và dân chủ rằng Nghị quyết 2758 đã bỏ qua vấn đề quyền đại diện có chủ quyền của người dân Đài Loan. Ông Vương cho hay đây là bước quan trọng cho sự tương tác của Đài Loan với các nước khác và sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế, cũng là bước quan trọng để Đài Loan hợp tác với cộng đồng quốc tế và tương tác với các nước bè bạn.

Tăng cường khẳng định tình trạng quốc tế của Đài Loan

Thời báo Tự do (Liberty Times) của Đài Loan đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn, thành viên Triệu Thiên Lân (Zhao Tianlin) của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Viện Lập pháp Đài Loan cho biết rằng, động thái của Hạ viện Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều cho Đài Loan, việc thông qua dự luật cũng quan trọng như Thỏa thuận “Sáng kiến ​​Thương mại Đài Loan-Mỹ thế kỷ 21” được Viện Lập pháp Đài Loan thông qua hôm 26/7, đây là Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Đài Loan.

Ông Triệu chỉ ra, bằng cách thông qua nghị quyết lần này cho thấy giới lập pháp Mỹ đã tiến thêm một bước trong quyết định tình trạng của Đài Loan tại LHQ – vấn đề trước đây còn những trì trệ sơ xuất, việc nghị quyết như vậy được thông qua tại Hạ viện Mỹ là chưa từng có.

Ông cho rằng tầm quan trọng của vấn đề này nằm ở việc thảo luận về tình trạng của Đài Loan tại LHQ, đồng thời đề cập đến sự khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc cũng như sự cần thiết phải nghiêm túc đối mặt và giải quyết tình trạng quốc tế của Đài Loan. Bước tiếp theo vẫn còn các thủ tục khác như phải thông qua Thượng viện, cần chữ ký của Tổng thống. Với tư cách là thành viên của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Hội đồng Lập pháp, ông xin bày tỏ lòng biết ơn tới Hạ viện Mỹ.

Một doanh nhân Đài Loan là ứng viên lập pháp Cao Hùng là ông Cao Hùng Lập (Guo Beihong) cũng nói rằng việc thông qua dự luật là bước đột phá lớn, dựa vào nỗ lực, Đài Loan đã cho thế giới thấy sự tồn tại của chúng tôi. Về việc Mỹ cố gắng ngăn chặn ĐCSTQ đàn áp Đài Loan trong các tổ chức quốc tế, nhà lập pháp Đài Loan này cho rằng bối cảnh bầu cử tổng thống của Đài Loan đang đến gần, các ứng viên tổng thống của tất cả các bên có thể kêu gọi các tổ chức quốc tế chống lại nỗ lực của ĐCSTQ nhằm bóp méo tình hình về Đài Loan.