Hôm thứ Hai (22/11), tổ chức quốc tế IDEA cho biết, lần đầu tiên Mỹ có tên trong danh sách hàng năm các nền dân chủ “thụt lùi”.

Embed from Getty Images

Theo Viện Quốc tế về Hỗ trợ Dân chủ và Bầu cử (IDEA) có trụ sở tại Stockholm, trên bình diện toàn cầu, trung bình cứ 4 người thì có hơn 1 người sống trong nền dân chủ thụt lùi, và tỷ lệ này còn tăng đến gần 3 người nếu tính cả các chế độ độc tài hay chế độ “hỗn tạp”.

“Năm nay lần đầu tiên chúng tôi định ra rằng [nền dân chủ] nước Mỹ đang thụt lùi, nhưng dữ liệu của chúng tôi cho thấy giai đoạn thụt lùi bắt đầu ít nhất vào năm 2019,” IDEA cho biết trong báo cáo nhan đề Các quốc gia Dân chủ Toàn cầu năm 2021.

“Mỹ là một nền dân chủ hiệu quả cao, và thậm chí đã cải thiện hiệu năng của nó trong chỉ số về chính quyền công bằng trong năm 2020. Tuy nhiên, sự sụt giảm các quyền tự do dân sự và giảm thiểu kiểm soát đối với chính phủ chỉ ra rằng có những vấn đề nghêm trọng với các nguyên tắc nền tảng của dân chủ,” theo Alexander Hudson, một đồng tác giả của báo cáo.

“Bước ngoặt lịch sử xuất hiện vào năm 2020 – 2021 khi cựu tổng thống Donald Trump đặt vấn đề về tính hợp pháp của kết quả bầu cử năm 2020 tại nước Mỹ,” báo cáo cho biết.

Ông Hudson cũng chỉ ra “sự suy giảm về tự do ngôn luận và tự do hội họp trong các cuộc biểu tình mùa hè năm 2020” sau cái chết của George Floyd.

 Viện IDEA quốc tế căn cứ vào những đánh giá về chỉ số dân chủ của họ trong 50 năm tại khoảng 160 nước, chia chúng thành ba loại: các nền dân chủ (bao gồm những nền dân chủ thụt lùi), các chính phủ “hỗn tạp” và các chế độ độc tài.

“Sự xuống cấp rõ ràng của nền dân chủ Mỹ, như được thấy trong việc không thừa nhận tính tin cậy của kết quả bầu cử, những nỗ lực ngăn cản tham gia (vào bầu cử), và sự phân cực dễ dàng…. là một trong những sự phát triển đáng lo ngại nhất,” Tổng thư ký IDEA quốc tế Kevin Casas-Zamora nói.

Số lượng các nền dân chủ thụt lùi đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, hiện chiếm một phần tư dân số thế giới. Bên cạnh Mỹ, danh sách ‘các nền dân chủ thụt lùi’ còn bao gồm các thành viên EU như Hungary, Ba Lan và Slovenia.

Hai nước nằm trong danh sách này vào năm ngoái là Ukraina và Bắc Macedonia đã được gỡ bỏ trong năm nay khi tình hình của họ đã được cải thiện.

Hai nước khác, Mali và Serbia, cũng rời khỏi danh sách vì họ không còn được coi là các nền dân chủ.

Trong khi Myanmar đã chuyển từ một nền dân chủ thành chế độ độc tài, Afganisatan và Mali cũng chuyển từ chính phủ hỗn tạp sang độc tài.

Năm 2020 là năm thứ năm liên tiếp, các nước chuyển đổi sang chủ nghĩa độc tài đông hơn các nước thụ hưởng dân chủ hoá.

IDEA quốc tế dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục với năm 2021.

Theo đánh giá tạm thời của nhóm, năm 2021 thế giới có 98 nền dân chủ (con số thấp nhất trong nhiều năm), 20 chính phủ “hỗn tạp” bao gồm Nga, Morocco và Thổ Nhĩ Kỳ, và 47 chế độ độc tài bao gồm Trung Quốc, Saudi Arabia, Etiopia và Iran.

Báo cáo cũng cho biết chiều hướng xói mòn dân chủ đang “trở nên sâu sắc và đáng lo ngại hơn” kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.

“Một số nước, đặc biệt là Hungary, Ấn Độ và Philippines và Mỹ, đã áp đặt các biện pháp dẫn tới nhiều vi phạm dân chủ. Đó là các biện pháp  không cân xứng, không hợp pháp, không giới hạn hoặc không có liên quan gì tới bản chất của tình trạng khẩn cấp,” báo cáo cho biết.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: