Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã lên án việc quân đội Myanmar giết hại hàng chục thường dân vào đêm Giáng sinh, kêu gọi chấm dứt việc bán vũ khí cho chính quyền đất nước và kêu gọi một phản ứng toàn cầu đối với “hành động tàn bạo” của họ.

266328439 998373654109717 6051556765835806160 n
Hiện trường nơi các xe bị cháy đen (Ảnh: Nhóm Nhân quyền Karenni/ Facebook)

Nhóm cứu trợ quốc tế Save the Children đưa tin, vụ tấn công hôm thứ Sáu (24/12) xảy ra trên đường cao tốc ở bang Kayah, miền đông Myanmar, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng.

Tổ chức từ thiện cho biết hai nhân viên của họ nằm trong số những người thiệt mạng. Theo báo cáo, quân đội Myanmar đã buộc mọi người ra khỏi xe, bắt giữ một số người và giết những người khác, sau đó thiêu xác họ. Trong số này có người già, phụ nữ và trẻ em.

Hôm 28/12, Ngoại trưởng Blinken đã lên án sự tàn bạo của chế độ quân sự và nói rằng “những hành động tàn bạo lan rộng đối với người dân Miến Điện nhấn mạnh sự cấp thiết của việc buộc các thành viên của quân đội phải chịu trách nhiệm.”

Ông Blinken nói thêm: “Cộng đồng quốc tế phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy mục tiêu này và ngăn chặn sự tái diễn của những hành động tàn bạo ở Miến Điện, bao gồm cả việc chấm dứt việc bán vũ khí và công nghệ lưỡng dụng cho quân đội.”

Vào tháng 2, quân đội Myanmar đã tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ của đất nước, đồng thời dập tắt các cuộc biểu tình bằng vũ lực. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, kể từ cuộc đảo chính, quân đội đã giết chết 1.380 người.

Bộ Ngoại giao từ chối bình luận về những quốc gia mà Blinken đang nhắm mục tiêu với lời kêu gọi “dừng bán vũ khí” của mình, nhưng Trung Quốc cho đến nay là nhà cung cấp vũ khí chính lớn nhất của Myanmar, tiếp theo là Ấn Độ và Nga.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, một cơ quan theo dõi doanh số bán vũ khí toàn cầu, Trung Quốc đã cung cấp 48% lượng vũ khí cho Myanmar từ năm 2016 đến năm 2020, so với 16% của Ấn Độ và 15% của Nga.

Sau cuộc đảo chính, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, đã cáo buộc Bắc Kinh và Moscow cản trở phản ứng quốc tế, đồng thời nói rằng Trung Quốc “muốn bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình” tại đất nước Đông Nam Á này.

Vào tháng 6, Trung Quốc và Nga là các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc duy nhất bỏ phiếu trắng trước nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt việc bán vũ khí cho Myanmar.

Trong một bài phát biểu ngày 20/12, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị gọi cuộc đảo chính là “những thay đổi về chính trị trong nước của Myanmar” và nhấn mạnh sự ủng hộ nhất quán của Bắc Kinh đối với đất nước.

Lời kêu gọi của ông Blinken được đưa ra theo sau một số biện pháp trước đó của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm trừng phạt các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar và hạn chế khả năng xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm của các nhà cung cấp Hoa Kỳ – bao gồm cả những mặt hàng có ứng dụng quân sự – sang nước này.

Ông Blinken nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh để buộc quân đội Myanmar phải chịu trách nhiệm về các hành động tàn sát dân thường của mình, đồng thời cũng ủng hộ nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm điều tra các tội ác của chế độ này đối với luật pháp quốc tế.

Lê Vy 

Xem thêm: