Tại Mỹ, hàng loạt các tiểu bang hiện đã đóng cửa các điểm xét nghiệm, tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 miễn phí nhằm tiết kiệm chi phí trong bối cảnh số ca nhiễm giảm đáng kể trong những tuần qua và hầu hết cuộc sống đã trở lại bình thường. Dẫu vậy, giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng người dân nước này vẫn cần nâng cao cảnh giác. 

vắc-xin ngừa COVID-19
(Ảnh minh họa: Michael Vi/Shutterstock)

Theo tờ New York Times, số ca nhiễm mới vẫn tăng ở một số nơi và Mỹ vẫn chậm hơn nhiều quốc gia khác trong nỗ lực tiêm chủng trên diện rộng. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 65% người dân sống tại Mỹ đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin trong khi có khoảng 1/3 người dân đã tiêm mũi thứ 3.

Các chuyên gia nhận định rằng nếu đại dịch bùng phát trở lại thì nước Mỹ sẽ rất khó có thể nhanh chóng mở lại các điểm xét nghiệm và tiêm chủng hàng loạt đã đóng cửa. Dẫu vậy, giới chức quản lý y tế ở các tiểu bang cho rằng họ chỉ đang chuyển hướng cách thức phòng dịch COVID-19 bởi nhu cầu xét nghiệm và tiêm chủng của người dân đã giảm mạnh. Hiện mỗi ngày cả nước Mỹ chỉ tiêm khoảng 225.000 liều vắc-xin trên tổng số dân số khoảng 330 triệu người.

Tại những nơi nhân viên y tế đến tận nhà tiêm chủng cho người dân hay tặng tiền mặt để khuyến khích người dân tiêm chủng như Chicago, giới chức tại đây cho biết sẽ chính thức dừng các chương trình khuyến khích này kể từ tháng 4/2022.

Chính quyền tiểu bang Texas cũng khẳng định đã đóng cửa các điểm xét nghiệm và tiêm chủng nhằm tiết kiệm nguồn lực bởi số người tới xét nghiệm hay tiêm chủng tại đây đã giảm từ 3.500 người mỗi ngày vào thời điểm mới có vắc-xin xuống còn 50 người mỗi ngày trong tuần vừa qua.

Thêm vào đó, chi phí để vận hành các điểm lớn như vậy khá tốn kém, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách hỗ trợ ứng phó với COVID-19 của chính quyền liên bang đã bắt đầu bị cắt giảm khiến các tiểu bang phải đưa ra các phương thức phòng ngừa đại dịch linh hoạt và đỡ tốn kém hơn, chẳng hạn như chỉ khuyến khích những người chưa tiêm chủng đến tiêm ở ngay ở nơi làm việc của họ.

Ở một diễn biến khác, hôm 29/3 vừa qua, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna để tiêm mũi thứ 4 (sẽ tiêm ít nhất 4 tháng sau liều thứ 3) cho những người trên 50 tuổi trước lo ngại hiệu quả miễn dịch suy giảm của nhóm đối tượng này.

Ngoài ra, FDA cũng cho phép tiêm mũi thứ 4 cho nhóm đối tượng trẻ hơn có hệ miễn dịch bị suy yếu, cụ thể là trên 12 tuổi với vắc-xin của Pfizer/BioNTech và trên 18 tuổi với vắc-xin của Moderna.

Động thái trên diễn ra sau khi các nhà khoa học bày tỏ sự lo ngại trước sự lây lan của dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, vốn là nguyên nhân khiến số ca mắc mới gia tăng tại nhiều nước.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang xem xét và đánh giá về tình trạng bị mất thính giác hiếm gặp và mắc các vấn đề về thính giác khác sau khi tiêm chủng ngừa COVID-19.

Trong một bản tin đăng tải trên trang web của mình, WHO cho hay rằng cơ quan này đã nhận được một số báo cáo ghi nhận các trường hợp gặp các vấn đề về thính giác (đặc biệt là chứng ù tai) có thể liên quan đến vắc-xin ngừa COVID-19. Theo đó, tổ chức này đã ghi nhận 367 trường hợp bị ù tai và 164 ca bị mất thính lực ở những người đã tiêm vắc-xin trên toàn cầu, thường xảy ra trong vòng 1 ngày sau khi tiêm. Các trường hợp này dường như cực kỳ hiếm gặp, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số hơn 11 tỷ liều vắc-xin COVID-19 đã tiêm trên toàn cầu.

Phan Anh (tổng hợp)