Trong bối cảnh chiến tranh Nga xâm lược Ukraine mới bước sang năm thứ ba, Thủ tướng Slovakia cho biết một số nước phương Tây đang cân nhắc đưa quân tới Ukraine thông qua các thỏa thuận song phương, Tổng thống Pháp Macron cũng khẳng định không loại trừ khả năng này. Đáp lại, Điện Kremlin cảnh báo Nga chắc chắn sẽ xung đột với NATO nếu xảy ra trường hợp đó.

NATO Ukraine
(Ảnh minh họa: Vitalii Vodolazskyi/Shutterstock)

Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa Nga và phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, trước đó Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo về mối nguy hiểm của xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga.

Reuters đưa tin, ngày 27/2 chính quyền Moscow cảnh báo nếu các thành viên châu Âu của NATO gửi quân tới Ukraine, xung đột giữa Nga và NATO do Mỹ dẫn đầu sẽ khó tránh khỏi. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Thảo luận về khả năng gửi một số quân từ các thành viên NATO tới Ukraine tự nó là một yếu tố mới rất quan trọng trong tình hình đang thay đổi”.

Khi được phóng viên hỏi về rủi ro khi các thành viên NATO gửi quân tới Ukraine, ông Peskov trả lời: “Trong trường hợp này, điều chúng ta cần thảo luận không phải là khả năng xảy ra mà là tính tất yếu (xung đột quân sự trực tiếp)”.

Ông Peskov cho biết phương Tây nên tự hỏi liệu tình trạng này có mang lại lợi ích cho đất nước và người dân của họ hay không.

Vào ngày 27/2, Thủ tướng Đức Scholz bác bỏ ý kiến ​​cho rằng các nước châu Âu và thành viên NATO sẽ gửi quân tới Ukraine. Ông nói: “không có quân đội, không có binh lính trên đất Ukraine mà do các quốc gia châu Âu hoặc NATO gửi tới đó” trong tương lai.

Ông Scholz cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu hiện có xu hướng mua vũ khí từ các nước thứ ba ngoài châu Âu để cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Ngày 26/2, trước khi tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris, Thủ tướng Robert Fico của Slovakia cho biết, một số nước thành viên NATO và EU đang xem xét gửi quân tới Ukraine trên cơ sở song phương. Ông lường được nguy cơ leo thang đáng kể của cuộc chiến Nga – Ukraine và không thể tiết lộ thêm thông tin trước công luận.

Thủ tướng Slovakia nói: “Tôi không thể nói mục đích của họ là gì và họ nên làm gì. Slovakia là thành viên của Liên minh châu Âu và NATO, sẽ không gửi quân đến Ukraine”.

Ông Fico cho rằng cuộc gặp của các nhà lãnh đạo châu Âu tổ chức tại Paris đã cho thấy sự thất bại chiến lược của phương Tây liên quan cuộc chiến Nga – Ukraine, dù chủ đề được thảo luận tại cuộc họp khiến ông “rùng mình”, nhưng vẫn tham gia với tinh thần xây dựng.

Khi được hỏi về những bình luận này của Thủ tướng Slovakia Fico, Thủ tướng Séc Petr Fiala nói: “Séc chắc chắn không sẵn sàng gửi bất kỳ binh sĩ nào đến Ukraine, không ai phải lo lắng về điều này”.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Macron mở cửa về khả năng các nước châu Âu đưa quân tới Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng chưa có sự đồng thuận ở giai đoạn này.

Ông Macron cho biết, trong bối cảnh phương Tây đang tìm kiếm chiến lược đối đầu với Nga – nước đang kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine được cộng đồng quốc tế công nhận – thì không nên loại trừ bất kỳ lựa chọn nào. Vào giai đoạn này, chưa có sự đồng thuận… để gửi quân đội tới thực địa. [Nhưng] không điều gì nên bị loại trừ. Chúng ta sẽ làm mọi thứ mà chúng ta phải làm để Nga không thể thắng”, ông Macron tuyên bố.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, một quan chức Nhà Trắng Mỹ tuyên bố rằng Mỹ không có kế hoạch gửi quân tới chiến đấu ở Ukraine, cũng như không có kế hoạch gửi quân NATO tới chiến đấu ở Ukraine.

Đối với các nhà lãnh đạo và người dân các nước phương Tây, xảy ra chiến tranh giữa Nga và NATO là cơn ác mộng. Như vậy, 32 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, tình hình giữa phương Tây và một nước Nga đang hồi sinh lại leo thang xấu đi một cách nguy hiểm.

Nga và Mỹ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo xung đột quân sự giữa Nga và NATO có thể gây ra Thế chiến thứ ba.