Các chuyên gia nguyên tử cho biết, việc Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân của Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về khả năng tiếp cận dữ liệu bức xạ, mặc dù họ nhấn mạnh rằng chưa nhìn thấy nguy cơ phóng xạ tức thời.

Embed from Getty Images

Các lực lượng Nga đã chiếm được nhà máy Zaporizhzhia – nhà máy lớn nhất châu Âu – sau khi tiến hành một cuộc tấn công vào đầu ngày thứ Sáu, đốt cháy một cơ sở huấn luyện 5 tầng liền kề, chính quyền Ukraine cho biết. 

Tuy vậy, Nga lại quy trách nhiệm vụ tấn công nhà máy này là “do những kẻ phá hoại của Ukraine.”

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết không có thiệt hại nào xảy ra đối với các lò phản ứng Zaporozhzhia và các nhân viên Ukraine vẫn tiếp tục vận hành các cơ sở hạt nhân trong khi lực lượng Nga kiểm soát khu vực này. 

Hệ thống giám sát bức xạ tại địa điểm này vẫn hoạt động bình thường và không có sự phát tán chất phóng xạ nào, ông Grossi cho biết.

Park Jong-woon, giáo sư tại khoa năng lượng và kỹ thuật điện của Đại học Dongguk, cho biết ông không nghĩ rằng có một mối đe dọa phóng xạ ngay lập tức do việc chiếm giữ nhà máy, nhưng nói thêm rằng Nga có thể ngăn cản công chúng truy cập dữ liệu bức xạ để gây ra sự hoảng loạn.

Ông Park, người từng làm việc tại các nhà khai thác điện do nhà nước điều hành từ năm 1996 đến 2009 và là người giúp xây dựng các lò phản ứng hạt nhân cho biết: “Chúng có thể khiến mọi người thắc mắc, khiến họ hoảng sợ và lây lan nỗi sợ hãi.”

Vụ hỏa hoạn tại cơ sở Zaporizhzhia đã được dập tắt nhưng nó đã làm dấy lên “mối lo ngại rất thực sự” về khả năng xảy ra thảm họa, Edwin Lyman, giám đốc an toàn điện hạt nhân tại Liên minh các nhà khoa học ở Washington D.C., cho biết.

Ông nói: “Ví dụ, viễn cảnh một đám cháy lan rộng … có thể vô hiệu hóa hệ thống điện của nhà máy và dẫn đến một sự kiện rất giống Fukushima nếu hệ thống làm mát không được khôi phục kịp thời”.

Nói rộng hơn, các chuyên gia bày tỏ lo lắng về khả năng tiếp cận dữ liệu thực để đánh giá tình hình bức xạ trên mặt đất.

Trang web chính thức về các kết quả đo phóng xạ tại địa điểm Zaporizhzhia không thể truy cập ngay vào chiều thứ Sáu.

Theo Kenji Nanba, người đứng đầu Viện phóng xạ môi trường của Đại học Fukushima, kể từ khi lực lượng Nga tiếp quản Chernobyl vào tuần trước, việc giám sát mức độ phóng xạ ở đó đã trở nên khó khăn hơn. 

Ông cho biết một trang web chính thức của Ukraine với các phép đo bức xạ hàng giờ từ khu vực loại trừ của Chernobyl đã ngừng hoạt động trong nhiều ngày và rằng một trang web khác đã dần mất hầu hết các kết quả hiển thị theo thời gian thực.

Ông Nanba nói điều quan trọng đối với các nhà nghiên cứu như ông là phải theo dõi dữ liệu bức xạ để đảm bảo không có thay đổi đột ngột.

Các kết quả đo bức xạ tăng cao đã được ghi lại gần Chernobyl sau khi nó bị lực lượng Nga tiếp quản vào tuần trước, nhưng các chuyên gia cho rằng rất có thể là do hoạt động quân sự đẩy bụi và đất được chiếu xạ vào không khí.

Lò phản ứng thứ tư tại Chernobyl phát nổ vào tháng 4 năm 1986 trong một cuộc thử nghiệm bị lỗi, khiến các đám mây phóng xạ lan cuồn cuộn khắp châu Âu. Các ước tính về số ca tử vong trực tiếp và gián tiếp do thảm họa lên đến 93.000 ca, chủ yếu là do ung thư, trên toàn thế giới.

Xuân Lan (theo Reuters)