Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm Thứ Ba (10/10), bùng nổ bạo lực giữa người Palestine và Israel cho thấy sự thất bại của chính sách Mỹ ở Trung Đông, theo Reuters đưa tin. Người phát ngôn Điện Kremlin nói Moskva đang nỗ lực đóng vai trò hòa giải nói chuyện với cả 2 bên tham chiến, nhưng ông không đưa ra chi tiết cụ thể.

Vladimir Putin
Ảnh Tổng thống Nga Putin hôm 12/9/2023. (Nguồn ảnh: Contributor/Getty Images)

“Tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng đây là một ví dụ sinh động về sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông,” ông Putin nói với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani khi đang thăm Iraq.

Theo miêu tả của Tổng thống Putin, những năm qua Hoa Kỳ vẫn luôn tìm cách “độc quyền” các nỗ lực quốc tế nhằm xây dựng hòa bình, và ông cáo buộc Washington đã bỏ qua những thỏa hiệp có thể được cả hai bên chấp nhận. Hoa Kỳ đã phớt lờ lợi ích của người Palestine, bao gồm cả nhu cầu có một nhà nước Palestine độc ​​lập của riêng họ, ông Putin phân tích.

Ông không đề cập đến vai trò của chính Nga trong tiến trình hòa bình Trung Đông những năm qua. Cùng với Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc, và Liên minh Châu Âu, kỳ thực kể từ năm 2002, Liên bang Nga là một phần của “bộ tứ” quyền lực có nhiệm vụ giúp hòa giải, theo Reuters chỉ ra.

Hiện nay, Israel đang chà đạp Gaza bằng các cuộc không kích kinh khủng nhất trong lịch sử 75 năm xung đột với người Palestine, với danh nghĩa trả đũa đợt tấn công chết người của Hamas vào Israel vào Thứ Bảy (7/10) tuần trước.

Moskva bày tỏ lo ngại bạo lực có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng mới nhất nổ ra, Điện Kremlin đã tỏ ra bình đẳng, nhấn mạnh sức mạnh của mình khi có mối quan hệ với cả hai bên tham chiến, theo nhận định của Reuters.

Moskva có mối quan hệ lâu dài với người Palestine, bao gồm cả Hamas. Lần cuối gặp mặt cấp cao với tổ chức Hamas này là vào tháng 3 năm nay, khi họ cử một phái đoàn cấp cao tới đàm phán tại Moskva.

Đồng thời, Moskva cũng có “nhiều điểm chung” với Israel, bao gồm cả việc nhiều người Israel từng là công dân Nga, theo phân tích của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

“Do đó, chúng tôi duy trì mối quan hệ với cả hai bên trong cuộc xung đột này. Chúng tôi tiến hành liên lạc và tham gia vào tất cả các hình thức, tiếc là còn ít, và đang tìm kiếm điểm chung để giải quyết — điều mà chưa phát huy hiệu quả, như thấy được qua thực tế gần đây,” ông Peskov nói. “Tuy nhiên, chúng tôi dự định vẫn tiếp tục nỗ lực và đóng vai trò của mình trong việc cung cấp hỗ trợ để tìm cách giải quyết.”

Ông Peskov cho biết Điện Kremlin đang cố gắng xác định xem có người Nga nào trong số hàng chục con tin bị Hamas bắt giữ hay không.

“Các liên hệ cần thiết đang được thực hiện để tìm hiểu xem điều này có đúng hay không và số phận tương lai của những người này sẽ ra sao,” ông nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhân dịp này đã có những phát biểu liên quan đến xung đột Israel-Palestine, với thiên hướng đứng về phía Israel, đồng thời cáo buộc Nga tham dự vào phe đối lập, và rằng Nga đang làm suy yếu an ninh toàn cầu.

Ông Peskov bác bỏ những nhận định của ông Zelensky về Nga, và gọi đó là “hoàn toàn không có cơ sở.”

“Đây là một cuộc xung đột lâu đời, xung đột Palestine-Israel, có nguồn gốc rất sâu xa, nhiều mâu thuẫn sâu sắc. Nhiều người biết cốt truyện nhưng nó sâu sắc đến mức không phải ai cũng biết rõ tới từng sắc thái,” ông nói.

Động thái của ông Zelensky —một người từng là diễn viên trước khi làm tổng thống, và hiện nay đang trông chờ viện trợ của phương Tây— bị hiềm nghi là sự tranh thủ để bản thân được có mặt trên các phương tiện truyền thông, hơn là có tác dụng gì mang ý nghĩa thiết thực.

Nhật Tân