Hôm thứ Sáu (14/4), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã cảnh báo Trung Quốc rằng nếu tình hình quân sự ở eo biển Đài Loan leo thang, có thể xảy ra “viễn cảnh đáng sợ”, qua đó kêu gọi Trung Quốc giải quyết các khác biệt một cách hòa bình.

Annalena Baerbock 42271073582
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Nguồn: stephan-roehl.de/ Wikimedia)

Ngoại trưởng Đức Baerbock có lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc từ ngày 13 – 15/4 và tận dụng chuyến đi này để thể hiện quan tâm đến tình hình eo biển Đài Loan, bà cho biết châu Âu phản đối việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đơn phương thay đổi hiện trạng ở eo biển Đài Loan.

Vào thứ Sáu (14/4), bà Baerbock đã gặp Ngoại trưởng ĐCSTQ Tần Cương tại Bắc Kinh để đối thoại chiến lược. Bà kêu gọi Trung Quốc giải quyết các khác biệt một cách hòa bình để tránh “viễn cảnh đáng sợ” ở eo biển Đài Loan.

Bà nói rằng mỗi ngày có 50% dòng chảy thương mại toàn cầu cần đi qua eo biển Đài Loan, “leo thang của tình hình quân sự ở eo biển Đài Loan là tình huống khủng khiếp cho thế giới”, và toàn châu Âu cũng sẽ không thể tránh khỏi bị tác động.

“Là người châu Âu, chúng tôi không thể chấp nhận thực trạng một bên nào đó đơn phương thay đổi hiện trạng, đặc biệt là dùng bạo lực”, bà Baerbock cảnh báo.

Ngoại trưởng Tần Cương của ĐCSTQ phản ứng rằng “Đài Loan độc lập” không phù hợp với hòa bình, và vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của ĐCSTQ, không thể cho bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp.

Sau cuộc họp, bà Baerbock nói với giới truyền thông rằng bà cũng bày tỏ với Ngoại trưởng Trung Quốc mối quan ngại về tình hình nhân quyền. Bà cho biết, trong hội đàm bà đã đề cập việc Đức lo ngại tại Trung Quốc ngày càng thu hẹp không gian hoạt động cho xã hội dân sự và tình hình nhân quyền tiêu cực hơn.

Hai bên cũng nói về xung đột Nga-Ukraine, vấn đề này bà kêu gọi Bắc Kinh “yêu cầu những kẻ xâm lược Nga ngừng gây chiến tranh ở Ukraine”.

Bà Baerbock nói: “Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Moscow cho thấy không có nước nào khác có ảnh hưởng lớn đối với Nga hơn Trung Quốc. Trung Quốc cho biết muốn tham gia tìm kiếm giải pháp, đó là một điều tốt. Nhưng tôi phải nói rõ ràng, tôi tự hỏi tại sao cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa yêu cầu kẻ xâm lược Nga ngừng chiến tranh”.

Lập trường của bà Baerbock được người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU là Josep Borrell ủng hộ. Ban đầu ông Borrell được lên kế hoạch công du Trung Quốc cùng bà Baerbock, nhưng đã bị hoãn lại do chẩn đoán bị COVID-19.

Chìa khóa của lòng tin giữa châu Âu và Trung Quốc

Vào thứ Sáu, ông Borrell đã đăng trên mạng xã hội nội dung của một bài phát biểu  vốn trước đó được lên kế hoạch cho một sự kiện của ‘think tank’ ở Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan và liệu Trung Quốc có hợp tác để chấm dứt hành động xâm lược gây hấn của Nga hay không, là chìa khóa giúp EU khôi phục lòng tin đối với Trung Quốc.

“Nhưng niềm tin đó sẽ chỉ được khôi phục khi chúng ta có thể hiểu nhau về các vấn đề chính trị quốc tế lớn, và đạt được tiến bộ hướng tới giải quyết xung đột một cách hòa bình”, ông Borrell nói trong một tuyên bố, “Lập trường của EU (về vấn đề Đài Loan) là nhất quán và rõ ràng… Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều không thể chấp nhận được”.

Ông Borrell cũng cho rằng tương lai mối quan hệ của châu Âu với Trung Quốc còn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có cố gắng tìm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine hay không. Nếu Trung Quốc không góp phần chấm dứt xung đột – cố gắng đưa Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine, thì EU sẽ “cực kỳ khó khăn, để duy trì mối quan hệ tin cậy với Trung Quốc”.

Ông nhấn mạnh không thể giữ thái độ trung lập trước những hành vi vi phạm “Luật quốc tế”, qua đó kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ nhân đạo nhiều hơn cho người dân Ukraine.