Gần đây, vì phản ứng thờ ơ của lãnh đạo trường đại học Harvard đối với cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel, ông Idan Ofer – một trong những người Israel giàu nhất và là chủ tàu lớn – đã cùng vợ từ chức thành viên Hội đồng quản trị của Harvard, đồng thời bỏ kế hoạch quyên góp trị giá hàng triệu USD cho Harvard.

shutterstock 1076325026
Nhà hát Sanders và Nhà tưởng niệm trong khuôn viên Đại học Harvard (Ảnh: Agent Wolf / Shutterstock)

Theo tờ Business Insider (Mỹ), ông Idan Ofer hiện đứng thứ 81 trong danh sách những người giàu nhất thế giới là chủ sở hữu công ty cổ phần Quantum Pacific Group, là ông trùm ngành vận tải biển và hóa chất. Chỉ số tỷ phú Bloomberg ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 19,9 tỷ USD, khiến ông trở thành doanh nhân giàu nhất Israel.

Do vợ chồng ông Ofers là thành viên ban điều hành của Trường Harvard Kennedy nhằm cấp học bổng cho sinh viên Israel và Palestine theo học tại trường này, vào năm 2017 trường Harvard đã mở một tòa nhà mang tên họ.

Khi tuyên bố từ chức vào ngày 12/10, họ cho biết về việc nhóm sinh viên Harvard khởi xướng ký tên chung lên án Israel và ủng hộ Hamas, phản ứng chậm trễ mà Hiệu trưởng Claudine Gay của Harvard đưa ra là đáng kinh ngạc và thiếu nhạy cảm, khiến họ quyết định từ chức để phản đối.

Sau khi Hamas tấn công Israel hôm 7/10, ngay hôm sau có hơn 30 nhóm sinh viên Harvard ủng hộ người Hồi giáo và Palestine (bao gồm các tổ chức như “Giải phóng người Do Thái Harvard” và “Phản kháng của người Mỹ gốc Phi”…) đã ký một tuyên bố chung cho hay “Chế độ Israel chịu hoàn toàn trách nhiệm về tất cả bạo lực đang diễn ra”, cáo buộc “Hệ thống phân biệt chủng tộc” của Israel là nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột. Bức thư cũng gọi hành động quân sự của Israel tại Gaza là “trả thù của thực dân”.

Tính đến nay, các quan chức Israel cho biết khoảng 1.400 người đã thiệt mạng, còn phía Palestine cho biết 3.000 người đã chết vì cuộc trả thù của Israel.

Sau tuyên bố của sinh viên, Hiệu trưởng Gay nói với hội sinh viên rằng trường đại học không chấp nhận chủ nghĩa khủng bố, nhưng cũng không chấp nhận hành vi quấy rối và đe dọa vì khác biệt tín ngưỡng. Bà cam kết rằng sinh viên sẽ có quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả “những quan điểm mà nhiều người trong chúng ta thấy phản cảm, thậm chí là thái quá”.

Bà Gay nói, “Chúng tôi không trừng phạt hay xử phạt những người bày tỏ quan điểm như vậy…, nhưng tán thành họ thì càng không thể”.

Tuyên bố của bà đã bị nhiều cựu sinh viên lên án. Một số người cho rằng Harvard nên có hành động thích đáng đối với những sinh viên đã ký tuyên bố.

Trong một tuyên bố với CNN và các cơ quan truyền thông khác, vợ chồng ông Ofers cho biết quyết định rời khỏi hội đồng quản trị Harvard của họ “là do lãnh đạo Harvard thiếu ủng hộ mạnh mẽ cho người dân Israel sau sự kiện bi thảm trong tuần qua, họ thiếu rõ ràng để sẵn sàng thừa nhận những hành động khủng bố của Hamas. Niềm tin của chúng tôi vào lãnh đạo của Harvard đã tan vỡ, chúng tôi không thể tiếp tục ủng hộ Harvard và hội đồng trường một cách chân thành”.

Nhà quản lý quỹ phòng hộ là tỷ phú Bill Ackman đã kêu gọi Harvard công bố tên của các sinh viên là thành viên của nhóm ký tên chung, qua đó nhằm ngăn chặn trong tương lai các công ty “vô tình” tuyển dụng họ – kêu gọi đã được nhiều CEO và nhà đầu tư hưởng ứng.

Thực tế có rất nhiều chủ doanh nghiệp Do Thái nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành công nghệ. Ví dụ: người sáng lập Amazon là Jeff Bezos, người sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin, hay như cha nuôi của người sáng lập Apple là Steve Jobs…

Ngoài ra còn có nhiều chủ sở hữu Do Thái trong ngành giải trí và truyền thông, như Walt Disney – người sáng lập Disney, Carl Laemmle – người sáng lập Universal Pictures, và Michael Bloomberg – người sáng lập Bloomberg.

Có quan điểm cho rằng những ông chủ lớn người Do Thái khó có thể tuyển mộ những sinh viên có vấn đề đó dù họ tốt nghiệp Harvard. Dưới áp lực và cáo buộc của nhiều bên, ít nhất 5 nhóm sinh viên ban đầu tham gia ký tên chung ủng hộ Hamas đã rút lại tham gia.