Chu Dục Sâm (Yusen Zhou), nhà khoa học quân sự thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nộp bằng sáng chế vắc-xin COVID-19 trước khi bùng phát đại dịch trên toàn cầu. Điều đáng nói là, người này đã thiệt mạng một cách đầy bí ẩn vào tháng 5/2020, tức chưa đầy 3 tháng sau khi nộp bằng sáng chế.

COVID-19
Viện Virus học Vũ Hán. (Ảnh cắt từ video)

Chu Dục Sâm, người từng làm việc cho PLA, đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế vắc-xin thay mặt cho Viện Quân y thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc vào ngày 24/2/2020, theo tờ The Australian.

Động thái này được thực hiện chỉ 5 tuần sau khi Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận sự lây truyền virus corona (gây ra COVID-19) từ người sang người.

Chu Dục Sâm cũng được cho là đã “hợp tác chặt chẽ” với các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV), trong đó có Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) – phó giám đốc phòng thí nghiệm, người nổi tiếng với nghiên cứu về virus corona ở dơi.

Mối quan hệ của họ có khả năng củng cố suy đoán rằng virus corona đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm và rằng Trung Quốc từ lâu đã biết được việc loại virus này lây lan từ người sang người, trước khi họ báo động cho cộng đồng quốc tế.

Chu Dục Sâm đã thiệt mạng một cách đầy bí ẩn chưa đầy 3 tháng sau khi ông nộp bằng sáng chế vắc-xin COVID-19. Tờ New York Post tuyên bố rằng cái chết của ông chỉ được đưa tin trong một báo cáo của truyền thông Trung Quốc, bất chấp việc ông là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất của quốc gia này.

Chu Dục Sâm trước đây từng làm công việc nghiên cứu liên quan đến các tổ chức của Mỹ, bao gồm Đại học Minnesota và Trung tâm Huyết học New York.

Trong những tuần gần đây, nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới đã thúc đẩy việc xác định xem liệu virus có bị rò rỉ từ WIV hay không.

Ban đầu, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm đã bị nhiều người thuộc giới truyền thông và học thuật bác bỏ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo tiến hành cuộc điều tra để xác định xem rốt cuộc COVID-19 có phải sản phẩm nhân tạo hay không.

Hơn một chục Phòng thí nghiệm quốc gia do Bộ Năng lượng điều hành đã được lệnh hỗ trợ cộng đồng tình báo trong 90 ngày để xác định nguồn gốc của virus.

Ông Biden cũng đang thúc giục các cơ quan tình báo của Mỹ và các đồng minh tìm kiếm thông tin mới có thể giúp làm sáng tỏ liệu Trung Quốc có che đậy vụ rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm hay không.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton (đảng viên Cộng hòa, tiểu bang Arkansas) cho biết phản ứng của chính quyền Tổng thống Biden là “muộn còn hơn không, nhưng còn lâu mới đủ”.

“Cộng đồng tình báo của chúng tôi đã xem xét vấn đề này được 15 tháng. Họ đã làm rất tốt điều đó, nhưng cuối cùng câu trả lời lại nằm trong tay Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải những người làm việc cho các cơ quan tình báo Mỹ”, ông cho hay.

Ông Cotton nói rằng các quan chức ở Bắc Kinh chưa thông báo về việc đại dịch COVID-19 bắt đầu như thế nào. Ông cho biết: “Chúng tôi nên nhấn mạnh rằng họ phải thành thật, cung cấp cho chúng tôi một cái nhìn rõ ràng và thẳng thắn về những gì đang xảy ra trong phòng thí nghiệm Vũ Hán”.

Các bằng chứng gián tiếp từ lâu đã đặt ra những nghi vấn về Viện Virus học Vũ Hán, nơi các nhà nghiên cứu được biết đến là đang tiến hành những thí nghiệm trên các chủng virus corona ở dơi tương tự như chủng gây ra COVID-19.

Trước đó, Trung Quốc thường xuyên khẳng định rằng virus không bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đồng thời tuyên bố rằng sự lây truyền sang người đã xảy ra tại một khu “chợ ẩm ướt” tại Vũ Hán chuyên bán động vật sống.

Có lẽ do bị thúc đẩy bởi sự thù địch đối với cựu Tổng thống Donald Trump (người đã tán thành với giả thuyết virus corona rò rỉ trong phòng thí nghiệm từ rất sớm), các phương tiện truyền thông dòng chính của Mỹ và các học giả đã coi thường khả năng này, thậm chí còn gọi đó là một thuyết âm mưu không có gì đáng bàn đến.

Nhưng các bằng chứng mới, bao gồm những báo cáo về 3 nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán bị bệnh nặng với các triệu chứng giống như COVID-19 vào tháng 11/2019, đã buộc những người tỏ thái độ hoài nghi trước đó phải nhìn nhận lại vấn đề một cách lý trí.

Sự thất vọng với Trung Quốc đã gia tăng trong tuần này sau khi Bắc Kinh nói rằng họ sẽ không tham gia vào thêm bất kỳ cuộc điều tra nào của Tổ chức Y tế Thế giới.

Ông Biden đã bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc trong thông báo của mình, trong đó kêu gọi các đồng minh giúp đỡ việc “thúc giục Trung Quốc tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch, dựa trên các bằng chứng và cung cấp quyền tiếp cận vào tất cả các dữ liệu và bằng chứng có liên quan”.

Theo Daily Mail,

Phan Anh

Xem thêm: