Trước thềm cuộc đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine bày tỏ sẵn sàng kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Cùng lúc, tờ The Times của Anh đã công bố một phóng sự đặc biệt về việc Roman Abramovich, một nhà tài phiệt người Nga sống ở Anh, đã cố gắng làm trung gian cho đàm phán như thế nào.

Roman Abramovich
Nhà tài phiệt Roman Abramovich, cựu chủ sở hữu câu lạc bộ Chelsea (Nguồn: Brian Minkoff-London Pixels / CC BY-SA 4.0).

Theo The Times ngày 28/3, sáng thứ Tư (23/3) có một chiếc máy bay Hawker 800XP tư nhân đã cất cánh từ sân bay Ataturk ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ bay về phía đông qua Biển Đen và qua Sochi đi vào không phận của Nga. Ngay sau đó, vùng gần Mineralnye Vody đã tắt thiết bị theo dõi chuyến bay. Cũng chiếc máy bay này đã rời sân bay Vnukovo của Moscow vào tối hôm đó và quay trở lại Istanbul. Trên máy bay có Abramovich, nhà tài phiệt và là cựu chủ sở hữu câu lạc bộ Chelsea, người từng là đặc phái viên không chính thức của Tổng thống Nga Putin về các cuộc đàm phán với Ukraine.

Tại Moscow, Abramovich đã gặp Putin và cho ông ta xem bức thư viết tay của Zelensky nêu rõ các điều kiện mà Ukraine đang cân nhắc để đồng ý chấm dứt cuộc chiến kéo dài một tháng. Phản ứng ban đầu của ông Putin là rõ ràng: “Hãy nói với anh ta là tôi sẽ toàn lực tấn công”.

Trở lại Istanbul, Abramović đã gặp người Tatar ở Crimea, một nghị viên quốc hội Ukraine là Rustem Umerov để thảo luận về cuộc gặp với ông Putin. The Times lý giải rằng Umerov là một cựu doanh nhân nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng nói được tiếng Nga, là đại diện của Kyiv trong các cuộc đàm phán. Dưới điều phối của người phát ngôn Ibrahim Kalin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, những người đàn ông đã tổ chức một loạt các cuộc họp tại các khách sạn 5 sao ở Istanbul.

Bất chấp phản ứng của ông Putin đối với công hàm của Tổng thống Zelensky, các cuộc đàm phán được cho là đang đạt được tiến triển mang lại hy vọng về một thỏa thuận hòa bình đang lung lay ở Ukraine và một thắng lợi ngoại giao lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các đại diện Ukraine và Nga sẽ tiếp tục trong tuần này tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối tuần qua, Kalin nói với tờ Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ rằng hai bên đã “gần đạt được thỏa thuận” về các vấn đề chính, bao gồm đảm bảo rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO, phi quân sự hóa và tình trạng bảo hộ của ngôn ngữ Nga. Điểm mấu chốt là số phận của Crimea được Nga sáp nhập vào năm 2014 và khu vực phía đông Ukraine được gọi là Donbass.

Kalin, 50 tuổi, một trong những nhân vật chính sách đối ngoại có ảnh hưởng và kinh nghiệm nhất trong Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia vào việc soạn thảo đề xuất rằng Crimea và Donbass nên được Moscow nắm giữ theo hợp đồng thuê dài hạn, tương tự như việc Anh kiểm soát Hồng Kông từ 1898 đến 1997, tương lai của nó sẽ được quyết định sau đó. Trước cuộc cách mạng năm 2014, Ukraine đã cho Nga thuê căn cứ hải quân Sevastopol ở Biển Đen.

Ông Putin đang xem xét đề xuất này, nhưng sự tức giận của ông ta trước những thất bại quân sự ở Ukraine cũng như sự tức giận của cá nhân ông ta đối với Zelensky – điều đã được thể hiện trong cuộc gặp gần đây nhất của ông ta với tài phiệt Abramovich, có khả năng khiến ông ta trở thành một bên hay thay đổi trong bất kỳ thỏa thuận nào.

Abramovich (55 tuổi) và Nghị viên Umerov (39 tuổi) đã cùng nhau đến thăm Kyiv, nơi nhà tài phiệt này gặp Tổng thống Zelensky. Máy bay phản lực riêng của Abramović đã đi qua thủ đô Warsaw của Ba Lan. Vì máy bay riêng của ông ta phải chịu lệnh trừng phạt của EU nên ông ta đã bay trên một chiếc máy bay được đăng ký với một công ty Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù ông ta đã bị Vương quốc Anh và EU trừng phạt, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã không áp đặt bất kỳ hành động riêng nào. Nguồn tin cho biết, kể từ khi chứng kiến ​​những ảnh hưởng của cuộc chiến ở Kyiv, ông ta thực sự quyết tâm giúp chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người và khiến các thành phố của Ukraine rơi vào đống đổ nát. Mẹ của Abramovich là Irina sinh ra ở Ukraine, và con gái ông ta là Sofia đã lên tiếng phản đối cuộc xâm lược của Nga.

Abramovich kiếm được khoảng 5,5 tỷ bảng Anh trong làn sóng tư nhân hóa thời hậu Xô Viết và là Thống đốc của tỉnh Chukotka ở Viễn Đông từ năm 2000 đến năm 2008, nơi ban đầu ông tỏ ra không quan tâm đến tư lợi. Bởi vì các nhà tài phiệt của Nga đang ở trong vị thế bấp bênh, họ nhận thức rõ của cải và tự do của mình phụ thuộc vào ý chí của ông Putin.

Cuộc đàm phán bí mật giữa Abramovich và Umerov diễn ra song song với một hội nghị thượng đỉnh khác do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức: vào ngày 10/3, hai Ngoại trưởng Nga và Ukraine là Sergey Lavrov và Dmytro Kuleba đã có cuộc gặp cấp cao được tổ chức tại Antalya dưới sự giám sát của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Tuy nhiên, cuộc họp không đạt được tiến triển nào và nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò hòa giải dường như đã thất bại.

Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO nhưng có quan hệ chặt chẽ với Nga, trọng tâm là mối quan hệ cá nhân của ông Erdogan với ông Putin. Họ đã trở nên thân thiết hơn trong 5 năm qua khi mối quan hệ của ông Erdogan với các đồng minh phương Tây bị cản trở bởi tranh cãi.

Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào năm 2017 trước sự ngạc nhiên của Mỹ, và vào năm 2020 một đường ống dẫn khí đốt mới giữa hai nước đã được khai trương. Tuy nhiên trong các cuộc xung đột ở Syria, Libya và Caucasus thì Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là những bên ủng hộ các phe đối lập nhau, ngoài ra họ cũng là những đối thủ lịch sử ở khu vực Biển Đen. Ông Putin trước đó đã gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ thông qua lệnh cấm vận nhập khẩu nông sản và cấm các chuyến bay thuê từ các khu nghỉ dưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ khiến nước này rơi vào thế bấp bênh và do dự trong việc tiến hành các bước tiếp theo chống lại Moscow.

Tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Kyiv và cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine máy bay không người lái Bayraktar TB2, mặc dù họ không muốn cung cấp thêm vũ khí trang bị khác. Các lợi ích chính của Ankara ở Ukraine là người Tatars ở Crimea có quan hệ ngôn ngữ và văn hóa với Thổ Nhĩ Kỳ và có quan hệ chặt chẽ với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ. Người Tatars là một trong những nhóm người phản đối gay gắt nhất việc ông Putin sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Kể từ đó, hàng chục người đã bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) giam giữ tại Crimea. Nga cáo buộc họ có quan hệ với các nhóm Hồi giáo bị cấm, mặc dù hầu hết dường như là vì chống đối ông Putin mà trở thành mục tiêu thanh trừng. 

Xung đột đã tạo cơ hội cho Erdogan củng cố mối quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu, đồng thời đưa ông vào vị trí ngoại giao nổi bật sau nhiều năm cô lập. Tuy nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tuần trước, ông đã không có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Biden như đồn đãi. Cho đến nay, Mỹ cũng không trừng phạt Abramovich, có thể vì vai trò của ông ta trong các cuộc đàm phán. Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Tổng thống Zelensky đã yêu cầu Tổng thống Biden trì hoãn việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Abramovich.