Chính quyền Biden hôm thứ Sáu (16/4) đã thay đổi lập luận đối với các cuộc thảo luận đang diễn ra với Mexico, Guatemala và Honduras, thừa nhận rằng không có thỏa thuận chính thức nào đạt được về việc các quốc gia này xây dựng lực lượng tại biên giới của họ.

Embed from Getty Images

Ông Tyler Moran, trợ lý đặc biệt của tổng thống về vấn đề nhập cư của Hội đồng Chính sách Nội địa, phát biểu trên MSNBC hôm 12/4 cho biết, chính quyền “đã đảm bảo các thỏa thuận để họ đưa thêm quân đến biên giới của mình”. Ông còn nói thêm rằng, “Tất cả các bên Mexico, Honduras và Guatemala đều đồng ý tiến hành điều này.”

Theo thỏa thuận, Mexico tiếp tục duy trì 10.000 quân ở vùng biên giới phía Nam nước này. Guatemala sẽ gửi 1.500 quân đến vùng biên giới với Honduras, đồng thời thiết lập 12 trạm kiểm soát dọc theo tuyến đường mà di dân đi lại. Còn Honduras sẽ tăng 7.000 cảnh sát và quân nhân để giải tán các nhóm di dân đi thành đoàn.

Nhưng mới đây, ngày 16/4, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên ở Washington rằng không có “thỏa thuận chính thức” nào.

“Chúng tôi chưa bao giờ mô tả đó là một tuyên bố chính thức hay một thỏa thuận chính thức, đơn thuần là các bước bổ sung mà họ đang thực hiện để tăng cường nhân sự ở biên giới,” bà nói thêm.

Hồi đầu tuần, bà Psaki nhận định, công bằng mà nói thì các thỏa thuận với ba nước đã được ký kết gần đây, trong vài tuần qua.

“Đã có một loạt các cuộc thảo luận song phương giữa lãnh đạo của chúng tôi và các chính phủ của Mexico, Honduras và Guatemala. Thông qua các cuộc thảo luận đó, đã có một cam kết, như quý vị đã đề cập, về việc tăng cường an ninh biên giới,” bà nói với một phóng viên tại Nhà Trắng.

Phía Guatemala thông báo với người dân rằng “không có văn bản nào được ký kết” với Hoa Kỳ, và họ đã đưa 1.500 nhân viên (mà bà Psaki đề cập) đến biên giới của mình ngay từ hồi tháng 1. Các quan chức Mexico cũng khẳng định, ngay từ cuối tháng 3 họ đã tăng quân số ở biên giới của mình, trong khi giới chức Honduras tuyên bố “không có cam kết” về việc điều động thêm binh lính để nhằm ngăn chặn việc di cư.

Tuyên bố của các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dường như mâu thuẫn với những người khác trong chính quyền Biden, ngay cả trong phiên điều trần quốc hội hôm 14/4.

“Không, không có thỏa thuận nào được ký kết với các chính phủ về an ninh biên giới,” ông Ricardo Zuniga, đặc phái viên về tam giác phía Bắc, nói với dân biểu Dân chủ Joaquin Castro (tiểu bang Texas).

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cũng nói với The Washington Free Beacon rằng “không có thỏa thuận nào được thiết lập”.

Dân biểu Cộng hòa Darrell Issa (tiểu bang California) nhấn mạnh trong một tweet rằng Nhà Trắng “cần phải làm rõ về điều này”.

“Đây là một loạt những lời nói dối trắng trợn,” ông Issa nói thêm với Free Beacon. “[Chính quyền Biden] đã cố tình nói những điều không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại…”

Làn sóng di cư trái phép và xin tị nạn gia tăng ở biên giới Mỹ – Mexico hiện đang trở thành trở ngại lớn đối với chính quyền Biden. Ông từng cam kết theo đuổi chính sách nhân đạo đối với người xin tị nạn, và điều này khiến chính phủ Hoa Kỳ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dòng người nhập cư đổ xô tới khu vực biên giới.

Trong khi đó, ý tưởng yêu cầu các nước Nam Mỹ triển khai quân đội để ngăn người di cư trước khi họ tới biên giới Mỹ là trọng tâm chính sách ngăn chặn di cư cứng rắn của cựu tổng thống Donald Trump.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: