Trước tình hình khủng hoảng leo thang ở eo biển Đài Loan, truyền thông Nhật Bản tiết lộ, Chính phủ Nhật đã quyết định đưa vào trang bị tên lửa hành trình tầm xa, hiện đang xem xét trang bị hơn 1.000 tên lửa, chủ yếu được bố trí từ quần đảo Tây Nam của Nhật Bản đến Kyushu.

1060px Type 12 AShM firing Japan GSDF
Hình ảnh tên lửa đất đối hạm loại 12. (Nguồn: Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản/ Flickr)

Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin độc quyền rằng một số quan chức Chính phủ Nhật tiết lộ, Chính phủ có ý định mở rộng tầm bắn của “tên lửa đất đối hạm loại 12″, được bố trí trong Lực lượng Phòng vệ Mặt đất từ ​​hơn 100 km hiện tại đến khoảng 1.000 km dọc theo bờ biển của Triều Tiên và Trung Quốc. Ngoài ra, nó cũng sẽ được cải tiến để phóng từ tàu hoặc máy bay chiến đấu.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định rằng thời gian bố trí tên lửa cải tiến phóng từ đất liền sẽ sớm hơn kế hoạch ban đầu khoảng 2 năm, và việc triển khai nhanh nhất sẽ là vào năm 2024. Nó cũng sẽ được sử dụng trong các cuộc tấn công mặt đất trong tương lai.

Vào cuối năm nay, Chính phủ Nhật Bản sẽ sửa đổi 3 văn kiện quốc phòng, trong đó có chiến lược an ninh quốc gia, và dự kiến ​​đề xuất dựa trên mục đích tự vệ, nước này phải có “khả năng phản công” để tự tấn công các căn cứ phóng tên lửa của đối phương. Tên lửa cải tiến sẽ là cốt lõi của “khả năng phản công.” Nếu muốn sớm có hơn 1.000 tên lửa tầm xa, cần phải tăng dây chuyền sản xuất của các công ty tên lửa.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét thiết lập chế độ hỗ trợ đầu tư trang thiết bị của các công ty liên quan, và sẽ đưa các khoản tiền liên quan vào dự toán ngân sách cho năm 2023.

Theo báo cáo, sở dĩ Chính phủ Nhật Bản muốn có một số lượng lớn tên lửa tầm xa, chủ yếu là do khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc là rất lớn so với khả năng tấn công tên lửa mạnh mẽ của ĐCSTQ.

Phương châm của Nhật Bản từ trước đến nay là không có “khả năng tấn công căn cứ của đối phương” (khả năng phản công), vì vậy nước này đã không triển khai các tên lửa tầm xa có thể phát động một cuộc tấn công mặt đất. Mỹ đã ký Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Liên Xô vào năm 1987, trong đó cấm phát triển các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ đất liền có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Hiệp ước này đến tháng 8/2019 mới hết hiệu lực. Mỹ hiện đang phát triển loại tên lửa này, nhưng chưa sở hữu nó.

Phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng ĐCSTQ có khoảng 1.900 tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ đất liền và khoảng 300 tên lửa hành trình tầm trung có tầm bắn bao phủ khắp Nhật Bản.

Triều Tiên cũng đã bố trí hàng trăm tên lửa đạn đạo với tầm bắn có thể tới Nhật Bản. Trung Quốc và Triều Tiên cũng đang phát triển tên lửa siêu thanh có thể thay đổi quỹ đạo và rất khó bị đánh chặn. Nếu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chỉ đánh chặn bằng tên lửa chống thì rất khó đáp trả.

Mộc Vệ, theo CNA