Thứ Hai vừa qua đánh dấu kỷ niệm 22 năm vụ khủng bố 11/9, gần 3.000 người nhà các nạn nhân đã tập trung tại New York, Pennsylvania và Washington, D.C. để tham gia các hoạt động tưởng niệm. Tổng thống, Đệ nhất phu nhân và Phó Tổng thống Mỹ đã tham dự các sự kiện kỷ niệm ở nhiều địa điểm khác nhau. Tổng thống Biden đã tham dự sự kiện kỷ niệm tại Anchorage, tiểu bang Alaska, sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

GettyImages 1243135580
(Từ trái sang) Đại tướng Mark Milley, Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tham gia lễ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Lầu Năm Góc Quốc gia năm 2022 về vụ khủng bố 11/9 ở Washington, D.C., tưởng nhớ 184 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố vào Lầu Năm Góc vào ngày 11/9/2001. (Nguồn ảnh: ROBERTO SCHMIDT/AFP qua Getty Images)

Đệ nhất phu nhân Jill Biden đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Lầu Năm Góc ở Arlington, tiểu bang Virginia. Vào ngày 11/9/2001, những kẻ không tặc đã buộc chuyến bay 77 của American Airlines đâm vào Lầu Năm Góc, khiến 184 người thiệt mạng.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin chủ trì buổi lễ tại Đài tưởng niệm Lầu Năm Góc ngày 11/9 ở Arlington. Ông nói: “Ngày 11/9 đã khiến nước Mỹ rơi vào trạng thái quốc gia có chiến tranh, với hàng trăm ngàn người mặc quân trang đứng lên phục vụ đất nước chúng ta.”

Ông nói: “Tôi biết thật đau đớn khi nhớ lại cột mốc quan trọng này năm này qua năm khác… Các nam nữ nhân viên của Bộ Quốc phòng mãi mãi ghi nhớ ngày này.”

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tham dự lễ kỷ niệm thường niên ngày 11/9 tại Đài tưởng niệm và Bảo tàng Quốc gia 11/9 ở Lower Manhattan, New York.

Vào ngày 11/9/2001, những kẻ khủng bố đã cướp chuyến bay số 11 của American Airlines và chuyến bay 175 của United Airlines, buộc các máy bay này đâm vào Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, khiến 2.763 người thiệt mạng.

Lễ tưởng niệm cũng sẽ được tổ chức vào cùng ngày tại Shanksville, tiểu bang Pennsylvania. Năm đó, những kẻ khủng bố đã cướp chuyến bay 93 của United Airlines. Mục tiêu cuối cùng của bọn không tặc là Tòa nhà Quốc hội Mỹ hoặc Nhà Trắng, nhưng chiếc máy bay cuối cùng đã bị rơi gần Shanksville sau khi hành khách trên máy bay vật lộn với bọn không tặc. Toàn bộ 40 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay đều thiệt mạng.

Những kẻ khủng bố đã giết chết gần 3.000 người tại 3 địa điểm trong năm đó: Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và Shanksville.

Tổng thống Biden đã không tham gia lễ tưởng niệm tại bất kỳ địa điểm nào trong 3 địa điểm trong năm nay. Trên đường trở về Washington sau chuyến đi Ấn Độ và Việt Nam, ông dừng lại ở Anchorage, tiểu bang Alaska, để tham dự một sự kiện kỷ niệm tại một căn cứ quân sự ở đó. Động thái của ông nhằm nhắc nhở mọi người rằng tác động của sự cố 11/9 đã lan rộng khắp mọi ngóc ngách của nước Mỹ, dù ở xa đến đâu.

Joe Biden in Alaska
Tại Căn cứ Elmendorf-Richardson ở Anchorage, Alaska hôm 11/9/2023, Tổng thống Joe Biden cúi đầu trong buổi tưởng niệm 22 năm ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9. (Nguồn ảnh: SAUL LOEB/AFP via Getty Images)

Mặc dù thứ Hai, ngày 11/9 năm nay đánh dấu kỷ niệm hiếm hoi ngày 11/9 mà không có tổng thống có mặt tại địa điểm xảy ra vụ tấn công ở New York, Pennsylvania hay Lầu Năm Góc, nhưng việc này không phải là không có tiền lệ.

Tổng thống Bush tổ chức lễ tưởng niệm trên bãi cỏ Nhà Trắng năm 2005; Sau khi tham dự nghi thức mặc niệm tại Nhà Trắng vào năm 2015, Tổng thống Obama đã tới Fort Meade, Maryland để tham dự một sự kiện tưởng nhớ quân đội.

Theo hãng tin AP, Edward Edelman cho biết khi đến Ground Zero tại địa điểm Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York để tưởng nhớ anh rể Daniel McGinley, người đã thiệt mạng trong vụ 11/9, “Đối với chúng tôi, đối với những người đã mất đi những người thân yêu, ngày đó vẫn đang diễn ra.”

Giám đốc Cứu hỏa Eddie Ferguson của quận Goochland, tiểu bang Virginia, nói rằng vào ngày hôm đó, “Chúng ta là một quốc gia, một dân tộc, đúng như lẽ ra phải thế. Đó là một cảm giác: Mỗi một người đều đoàn kết lại với nhau, cố gắng giúp đỡ bằng mọi cách có thể tại bất cứ nơi đâu.”

Ngày 11/9 được chính quyền liên bang chỉ định là “Ngày Tưởng niệm và Phục vụ Quốc gia” (National Day of Service and Remembrance), mục đích là biến ngày bi thảm này thành ngày phục vụ công chúng nhằm tôn vinh các nạn nhân và những người ứng cứu khẩn cấp đã thiệt mạng.

Trí Đạt (t/h)