Tờ New York Times đăng một bài báo vào ngày 20/1 cho hay, trong bối cảnh nguy cơ xâm lược từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Đài Loan ngày càng gia tăng thì lo ngại của người Đài Loan trong vấn đề liệu Mỹ có có đủ quyết tâm để bảo vệ Đài Loan không cũng gia tăng – có thể nói vấn đề đã trở thành “thuyết hoài nghi” Mỹ, điều này tiềm ẩn rủi ro cho Đài Loan.

r shutterstock 2244979157
Cử tri phe Quốc Dân Đảng mít tinh trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2024 (Ảnh: wu hsoung / Shutterstock)

Tờ NYT (New York Times) dẫn phân tích về các cuộc thăm dò trước bầu cử của Đài Loan ngày 13/1 cho thấy phần lớn người Đài Loan hy vọng tăng cường quan hệ Đài Loan-Mỹ và ủng hộ Mỹ tăng cường bán vũ khí cho Đài Loan, họ cũng tin rằng chính quyền Tổng thống Biden có quyết tâm bảo vệ Đài Loan, nhưng người Đài Loan cũng thấy Mỹ đang bế tắc trong viện trợ quân sự cho Ukraine khiến họ liên tưởng đến trường hợp nếu Đài Loan gặp khủng hoảng như vậy thì vấn đề sẽ như thế nào, điều đó khiến niềm tin của họ vào Mỹ cũng khó tránh có phần chênh vênh. Dữ liệu thăm dò mới cho thấy chỉ 34% số người được hỏi tin rằng đáng tin cậy vào Mỹ, giảm từ mức 45% vào năm 2021.

Các nghiên cứu gần đây về các cuộc thảo luận trực tuyến đã phát hiện ra xu hướng tương tự: Người Đài Loan ngày càng lo ngại rằng Mỹ thiếu sức mạnh hoặc sự quan tâm để thực sự giúp đỡ Đài Loan. Khi các cử tri được phỏng vấn, họ tự mô tả mình là hành khách và Mỹ là người lái xe khó lường, có thể đưa mọi người đến nơi an toàn hoặc bỏ xe.

Các nhà phân tích ở Đài Loan và Mỹ có quan điểm khác nhau về tác động mà bầu không khí “nghi ngờ Mỹ” có thể gây ra đối với Đài Loan. Một số người tin rằng điều này có thể thúc đẩy Đài Loan nỗ lực hơn về khả năng tự chủ tự vệ. Một số người khác là cho rằng điều đó có thể dẫn đến sự thiếu khẩn cấp trong việc phòng thủ của Đài Loan – vì nếu sự sống còn của Đài Loan phụ thuộc vào Mỹ trong khi lại không chắc chắn liệu quân đội Mỹ có thực sự đến giúp đỡ hay không, thì mọi sự phản kháng đều có ích lợi gì?

Tờ NYT chỉ ra rằng sự mất lòng tin vào Mỹ có thể mang đến rủi ro cho Đài Loan, khiến Đài Loan dễ bị đe dọa thôn tính hơn, gây bất lợi cho cả Đài Loan và Mỹ vốn coi Đài Loan là tuyến phòng thủ đầu tiên trong chuỗi đảo.

Chuyên gia Oriana Skylar Mastro về chính sách an ninh và quân Trung Quốc tại Đại học Stanford cho biết, điều quan trọng là Đài Loan phải tin Mỹ sẽ đến can thiệp, “vì nhiều nghiên cứu cho thấy điều này có thể ảnh hưởng đến tinh thần phản kháng của họ”. Bà nói thêm: “Chúng tôi cần Đài Loan trụ vững đủ lâu để chúng tôi có thể đến kịp thời”.

Tờ NYT dẫn lời những người được phỏng vấn và các nhà phân tích nhắc lại bài học trong quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và Mỹ, theo đó ký ức lịch sử liên quan đến bài học bị bỏ rơi vào năm 1979 đã ảnh hưởng đến quan điểm của người dân Đài Loan đối với Mỹ.

Biên tập viên Jasmine Lee của think tank US-Taiwan Watch, cho biết: “Chủ nghĩa hoài nghi Mỹ nảy sinh ở Đài Loan ngày nay chủ yếu là từ bài học việc Mỹ từ bỏ Đài Loan, điều này là hợp lý vì trước đây Đài Loan đã bị Mỹ bỏ rơi”.

Sau năm 1979, Mỹ chuyển sang áp dụng chính sách “mơ hồ chiến lược” ở eo biển Đài Loan; năm 2021, Mỹ rút quân thảm hại khỏi Afghanistan; khi Nga xâm lược Ukraine, Washington quyết không gửi quân; chuyến thăm Đài Loan vào năm 2022 của bà chủ tịch hạ viện Mỹ khi đó là Nancy Pelosi đã gây ra phản ứng quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc, những sự kiện tin tức này đã tác động rõ ràng đến cách nhìn của công chúng Đài Loan về Mỹ.

Chuyên gia Mastro làm rõ rằng, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận của Đài Loan cho thấy Mỹ không thể có hành động nhiều hơn về vấn đề Ukraine dẫn đến sự nghi ngờ ngày càng tăng của Đài Loan đối với Mỹ, nhưng lý do khiến Mỹ dè dặt về Ukraine là “để chúng tôi luôn sẵn sàng để bảo vệ Đài Loan”.

Về dư luận hoài nghi Mỹ trong cuộc bầu cử ở Đài Loan, tuần trước chủ tịch Laura Rosenberger của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) đã được hỏi tại cuộc họp báo ở Đài Bắc, bà nói rằng Đài Loan là một xã hội dân chủ sôi động nên dịp bầu cử xảy ra tranh luận cởi mở như vậy là tất nhiên, chuyện hợp tác Đài Loan-Mỹ là liên đảng, Mỹ sẽ duy trì hợp tác với tất cả các đảng phái chính trị ở Đài Loan để cùng nhau đảm bảo an ninh của Đài Loan và Mỹ cũng như hòa bình và ổn định eo biển Đài Loan.

Trong cuộc họp, bà Rosenberg cũng nhắc lại rằng Mỹ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc của Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba Thông cáo và Sáu Bảo đảm, đồng thời tuyên bố thẳng thắn vấn đề không ủng hộ Đài Loan độc lập, thay vào là ủng hộ đối thoại xuyên eo biển và mong muốn giải quyết những khác biệt giữa hai bờ eo biển bằng các biện pháp hòa bình.

Về việc ĐCSTQ liên tục sử dụng máy bay và tàu để đe dọa Đài Loan, Học viện Quốc phòng Quốc gia Đài Loan đã công bố một cuộc thăm dò dư luận vào năm ngoái. Phân tích nội dung thăm dò, trợ lý nghiên cứu Li Guan Cheng tại “Viện Khái niệm Chính trị, Quân sự và Tác chiến của ĐCSTQ” đã có báo cáo tiêu đề “Cuộc thăm dò cho thấy quân đội Đài Loan chống chiến tranh tâm lý của ĐCSTQ là có hiệu quả”. Ông chỉ ra rằng các hoạt động tâm lý chiến của ĐCSTQ nhắm vào Đài Loan rất đa dạng và có nhiều tác động đến an ninh quốc gia, về mặt quốc phòng các hoạt động tâm lý chiến của ĐCSTQ có ba mục đích chính.

– Đầu tiên là dùng thông tin sai lệch để làm mọi cách có thể nhằm làm mất uy tín của quân đội Đài Loan, lừa mị làm cho người dân Đài Loan coi thường quân đội và không ủng hộ chính sách quốc phòng;

– Thứ hai, lợi dụng cơ hội hợp tác quân sự hoặc bán vũ khí giữa Đài Loan và Mỹ để kích động tâm lý nghi ngờ Mỹ, làm sâu sắc thêm tâm lý người dân Đài Loan về vấn đề “người ngoài không đáng tin cậy”;

– Thứ ba là kích động nỗi sợ hãi chung về “nguy hiểm chiến tranh” trên eo biển Đài Loan, bằng cách khuếch đại tâm lý bi quan của người dân về chiến tranh nhằm làm nhụt ý chí tham chiến của người Đài Loan, đồng thời dẫn dụ họ hướng tới những hy vọng một nền hòa bình viển vông.

Liên quan đến thuyết hoài nghi “Mỹ hỗ trợ quân sự cho Đài Loan sẽ đẩy Đài Loan vào chiến tranh”, trong một cuộc thăm dò vào tháng 8 năm ngoái, khoảng 57% số người được hỏi không đồng tình (không đồng ý và rất không đồng ý) với nhận định này, nghĩa là cho thấy mọi người không hoàn toàn rơi vào bẫy tâm lý chiến của ĐCSTQ để nghi ngờ về Mỹ.

Ngoài ra, theo báo cáo “Nguồn gốc của Nghi ngờ về Mỹ và chúng” do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Thông tin Đài Loan (IORG) công bố năm ngoái chỉ ra, những chủ đề chính trong tuyên truyền của ĐCSTQ chống lại Đài Loan là nhấn mạnh vào [giới chức Đài Loan] “phản bội nhân dân” “tìm kiếm lợi ích cá nhân”, theo đó trong 84 luận điệu nghi ngờ Mỹ có 70 luận điệu được cho là do ĐCSTQ khởi xướng hoặc can thiệp, chiếm 83%.

Theo phân tích của báo cáo, hơn một nửa số luận điệu nghi ngờ Mỹ đến từ Đài Loan, bao gồm các thuyết tương tự như thuyết âm mưu, thuyết hỗn loạn gây lo lắng về chiến tranh, và thuyết từ bỏ Đài Loan cho rằng Mỹ sẽ bỏ rơi Đài Loan, phần nào cũng cho thấy điểm yếu tâm lý tập thể xã hội Đài Loan cũng có thể bị thao túng.

Chuyên gia Mastro cho rằng, điều mà ĐCSTQ thúc đẩy nhiều nhất là “thuyết thông đồng” của giới tinh hoa ở Đài Loan và Mỹ bóc lột người Đài Loan, thật trùng hợp khi đây cũng là vấn đề các chính đảng Đài Loan thảo luận nhiều nhất, tuyên truyền của ĐCSTQ tuy nội dung không trực tiếp chống Mỹ nhưng vẫn sẽ có tác động nhằm làm cho người Đài Loan phải cảnh giác Mỹ.

Tuy nhiên, Mastro nhấn mạnh rằng quan hệ Đài Loan-Mỹ không có gì đáng nghi ngờ, chính sách đối ngoại của chính phủ cũng không thể bị nghi ngờ, nhưng nếu bị thông tin thao túng sẽ làm suy yếu niềm tin xã hội, các cuộc thảo luận công cộng về những vấn đề hệ trọng phải dựa trên cơ sở sự thật.

Chuyên gia Đài Loan Jaw-Nian Huang nghiên cứu Hiệu ứng Trung Quốc cho rằng, từ góc độ chủ nghĩa hiện thực quan hệ quốc tế, lợi ích của Đài Loan và Mỹ phụ thuộc lẫn nhau, tuy nhiên Đài Loan không chỉ nằm ở tuyến đầu của cạnh tranh địa chính trị và có vị trí then chốt trong chuỗi sản xuất toàn cầu mà còn liên quan đến quyền bá chủ tiếp tục của Mỹ. Ông cho rằng công chúng cần có kiến ​​thức quốc tế để cải thiện khả năng nhận định về địa chính trị và các tình huống quốc tế, đồng thời tăng cường giao lưu dân chủ và nỗ lực thúc đẩy các đảng chính trị thiết lập đồng thuận một cách dân chủ, qua đó để tránh bị chia rẽ từ thế lực đối thủ.