Hôm 26/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, một đồng minh cấp cao của Tổng thống Vladimir Putin nhận định xung đột ở Ukraine có thể kéo dài hàng thập kỷ. Theo ông Medvedev, chừng nào ‘Tổng thống được phương Tây hậu thuẫn’ là ông Volodymyr Zelensky còn nắm quyền ở Ukarine thì việc đàm phán là điều không thể.

Embed from Getty Images

(Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev/Ảnh: Getty Images)

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine năm 2022 đã gây ra những xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, đồng thời là cuộc đối đầu lớn nhất giữa Moscow và phương Tây kể từ Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Hàng trăm ngàn người đã thiệt mạng và bị thương nặng trong cuộc xung đột có nguồn gốc từ năm 2014, sau khi một Tổng thống thân Nga bị lật đổ trong cuộc nổi dậy Maidan của người dân Ukraine, Nga sáp nhập bán đảo Crimea và lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ thuộc miền đông Ukraine.

“Cuộc xung đột này sẽ kéo dài trong một thời gian rất dài. Có thể là hàng thập kỷ. Đây là một thực tế mới”, các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Medvedev.

Ông Medvedev nói rằng Nga không thể tin tưởng vào bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào với các nhà cầm quyền hiện tại của Kyiv vì xung đột sẽ bùng phát trở lại và do đó điều mấu chốt là chính phủ hiện tại ở Ukraine sẽ phải bị tiêu diệt.

Ông Medvedev cho rằng các cuộc đàm phán với “chú hề Zelensky” là không thể.

“Mọi thứ luôn kết thúc bằng đàm phán, và điều này là không thể tránh khỏi, nhưng chừng nào những người này còn nắm quyền, tình thế đối với Nga sẽ không thay đổi về mặt đàm phán”, ông Medvedv nói.

Ông Medvedev, tự cho mình là người theo chủ nghĩa hiện đại hóa tự do khi làm Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2008-2012, giờ đây thể hiện bản thân là một người hiếu chiến với tinh thần chống phương Tây quyết liệt ở Điện Kremlin. Các nhà ngoại giao phân tích rằng quan điểm của ông Medvedev phản ánh suy nghĩ của các cấp cao nhất trong giới tinh hoa ở Điện Kremlin.

Ông Medvedev nhắc nhở phương Tây đang đánh giá thấp nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân với Ukraine, cảnh báo rằng Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân.

Nga, quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, đã nhiều lần cáo buộc phương Tây đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga thông qua Ukraine, và cuộc chiến này có thể bùng phát thành những xung đột lớn hơn nhiều.

“Có những quy luật chiến tranh không thể đảo ngược. Nếu dùng đến vũ khí hạt nhân thì sẽ phải tấn công phủ đầu”, trích lời ông Medvedev.

Ông Medvedev khẳng định việc cho phép Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân – một bước đi mà không quốc gia phương Tây nào đề xuất công khai – đồng nghĩa với việc “một tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sẽ lao tới họ”.

“Người Anglo-Saxon (ý chỉ người phương Tây) không hoàn toàn nhận ra điều này và tin rằng nó sẽ không đi đến kết quả này. Nó chỉ xảy ra dưới một số điều kiện nhất định.”

Phương Tây cho rằng họ muốn giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, và các cường quốc phương Tây đã cung cấp một lượng lớn vũ khí cũng như đạn dược hiện đại cho Kyiv. Tuy nhiên Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cảnh báo rằng một cuộc đối đầu trực tiếp giữa liên minh NATO do Hoa Kỳ hậu thuẫn và Nga sẽ dẫn đến Thế chiến III.

Nga so sánh rằng Washington sẽ không bao giờ đồng ý để Moscow trang bị vũ khí cho một quốc gia giáp biên giới với Hoa Kỳ. Điện Kremlin cáo buộc phương Tây về cơ bản đang tiến hành một cuộc chiến tranh không tuyên bố với Nga.

Khi Ukraine giành được độc lập sau sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991, nước này đã sở hữu hàng ngàn vũ khí hạt nhân. Ukraine đã trao những vũ khí này cho Nga theo Giác thư Budapest năm 1994, để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh và chủ quyền từ Nga, Hoa Kỳ và Anh.

Vy An (Theo Newsmax)