Sau hơn một năm kể từ khi chiến tranh Nga xâm lược Ukraine bùng nổ, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình – người bị cáo buộc bí mật ủng hộ Nga – cuối cùng đã gặp qua điện thoại với Tổng thống Zelensky của Ukraine hôm 26/6.

Zelensky Tap Can Binh
Ông Zelensky (trái – Ảnh: Văn phòng Tổng thống Zelensky) và ông Tập Cận Bình (Ảnh: Getty Images)

Trước đó ông Zelensky đã từng bày tỏ mong muốn nói chuyện hoặc thậm chí gặp gỡ với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, nhưng tình hình vẫn còn bỏ ngỏ. Có vẻ như sau sự số gần đây liên quan phát biểu của Đại sứ ĐCSTQ tại Pháp là ông Lư Sa Dã đã chọc giận châu Âu, khiến ông Tập phải đích thân “dập lửa”.

Sự cố Lư Sa Dã

Bản tin tối ngày 26/4 của CCTV nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã “nhận cuộc hẹn” điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine vào chiều hôm đó, hai bên đã trao đổi quan điểm về quan hệ Trung Quốc-Ukraine và cuộc khủng hoảng Ukraine.

Ông Tập Cận Bình đã nói về lịch sử quan hệ và hợp tác Trung Quốc-Ukraine, tuyên bố “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, đồng thời nói rằng Trung Quốc mong muốn phát triển quan hệ Trung Quốc-Ukraine là “nhất quán và rõ ràng”… Ông Tập cũng nói về cuộc khủng hoảng Ukraine, lập trường của Trung Quốc “là thuyết phục hòa bình và thúc đẩy đàm phán”.

Ông Tập không nêu tên bất kỳ “cường quốc” nào “đổ dầu vào lửa” và “đổ thêm dầu vào lửa”, nhưng trong thông tin cho hay ông hoàn toàn không đề cập đến việc ĐCSTQ ủng hộ Nga xâm lược Ukraine, cũng như vấn đề tại sao Trung Quốc không bỏ phiếu tán thành việc lên án và trừng phạt Nga tại Liên Hiệp Quốc.

Các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ cũng cho hay, ông Zelensky đã chúc mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Trung Quốc, cảm ơn phía Trung Quốc…

CNN đưa tin rằng Zelensky cho biết ông đã nói chuyện điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Về sự kiện này, nhà bình luận Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với Epoch Times hôm 26 rằng ngay từ khi bà Von der Leyen và ông Macron đến thăm Trung Quốc, họ đã đàm phán với ĐCSTQ “vào thời điểm thích hợp” ông Tập sẽ nói chuyện với ông Zelensky. Châu Âu hy vọng rằng ông Tập có thể một mặt nói chuyện với ông Zelensky và lắng nghe các đề xuất hòa bình của Ukraine, mặt khác gây áp lực lên ông Putin. Lý do truyền thông ĐCSTQ đưa tin đã dùng cụm từ “nhận cuộc hẹn”, là vì ông Zelensky đã nhiều lần bày tỏ mong muốn điện đàm hoặc thậm chí là một cuộc gặp với ông Tập.

Ông Lý Lâm Nhất cho rằng chính sự cố lỡ lời của Đại sứ ĐCSTQ Lư Sa Dã khiến quan hệ Trung Quốc-EU càng trở nên căng thẳng, do đó ông Tập cuối cùng đã thống nhất về thời điểm của cuộc điện đàm cùng ông Zelensky để có thể lập tức “dập lửa”, xoa dịu châu Âu. Nhưng hiệu ứng từ phát ngôn của ông Lư Sa Dã đã nổ ra, nên ông Tập gần như không thể thu lại để cứu vãn thất bại ngoại giao.

Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine đã nổ ra hơn một năm, đến nay lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình mới nói chuyện với Tổng thống Zelensky. Cuộc trò chuyện giữa ông Tập và ông Zelensky diễn ra sau khi Đại sứ ĐCSTQ tại Pháp là Lư Sa Dã đặt câu hỏi về chủ quyền của các nước thuộc Liên Xô cũ bao gồm Ukraine trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Pháp. Kiểu phát ngôn của ông Lư Sa Dã gây nghi vấn việc Trung Quốc muốn hòa giải cuộc chiến chỉ là giả tạo.

ĐCSTQ khẩn trương xoa dịu?

Ngày 21/4 trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với đài truyền hình LCI của Pháp, ông Lư Sa Dã đã phủ nhận rằng “Crimea thuộc về Ukraine”, và công khai tuyên bố rằng “các nước thuộc Liên Xô cũ không có tư cách chủ quyền”, điều này đã gây làn sóng dư luận ở châu Âu. Gần 80 thành viên Nghị viện châu Âu đã công bố một bức thư ngỏ kêu gọi Chính phủ Pháp trục xuất ông Lư Sa Dã.

Sau đó, Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ và Đại sứ quán ở Pháp của họ đã vội vàng xoa dịu, cho rằng những nhận xét của Lư Sa Dã không đại diện cho Chính phủ Trung Quốc, và rằng đó là “quan điểm cá nhân”. Nhưng dư luận nhìn chung tin rằng phát ngôn của ông Lư Sa Dã thể hiện phương hướng cơ bản trong chính sách ngoại giao của ĐCSTQ.

Ngày 25/4, giám đốc chi nhánh Đài Bắc (Đài Loan) của tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) là ông Akio Yabata đã chia sẻ trên Facebook, rằng ông Lư Sa Dã có nhiều năm kinh nghiệm ở nước ngoài và việc ông ta được thăng chức lên cấp Thứ trưởng với tư cách là Đại sứ tại Pháp. Điều này cho thấy ông ta khó có thể là người nói năng bừa bãi, ông ta biết rõ nhất “khi nào nên nói gì và khi nào không nên nói”. Dưới chế độ độc tài, những gì ông Lư Sa Dã nói với giới truyền thông phải xuất phát từ hiểu biết về chế độ, và thậm chí ở một mức độ nhất định ông ta có thể đã được ủy quyền. Chỉ là lần này, sau khi đánh giá cẩn thận những cái được và mất thì ĐCSTQ đã phải đứng ra “giải trình” và “bác bỏ” ở mức độ nhất định về phát ngôn của ông Lư Sa Dã.

Ông Dư Mậu Xuân, hiện là giám đốc Trung tâm Trung Quốc của Viện Hudson, nói với phóng viên The Epoch Times hôm 25/4 rằng ông Lư Sa Dã không hẳn nhất thời lỡ miệng, mà đó là phản ánh cách nhìn nhận và quan điểm cơ bản của nội bộ ĐCSTQ về tình hình quốc tế.

“Quan điểm của ĐCSTQ về tình hình quốc tế chính là toàn bộ trật tự thế giới do phương Tây chủ đạo và thù địch với các nước cộng sản như Trung Quốc. Vì vậy, ông Đặng Tiểu Bình nói rằng cần phải ẩn mình chờ thời và cần nằm gai nếm mật, sau khi đôi cánh cứng lên thì sẽ thay đổi tình hình này. Như vậy, hiện giờ ông Tập Cận Bình cảm thấy rằng ĐCSTQ sẽ lật đổ ‘Luật Quốc tế’ và trật tự thế giới đã tồn tại từ Thế chiến II. Những lời của ông Lư Sa Dã đã phản ánh ra tâm lý này.”

Ông Dư Mậu Xuân giải thích rằng sau khi Liên Xô sụp đổ, các nước liên minh cộng hòa đó đã trở thành các quốc gia độc lập, nhưng ông Lư Sa Dã nói rằng điều này vẫn chưa được quyết định và không có “Luật Quốc tế”. Bởi vì ông ấy cho rằng “Luật Quốc tế” là do thế giới tư bản đưa ra, và ông ấy cảm thấy nó không công bằng.

“ĐCSTQ muốn định hình lại trật tự thế giới, điều này ông Tập Cận Bình đã nói rất nhiều, gọi là hệ thống quản trị toàn cầu, ông ấy nghĩ rằng ĐCSTQ cần đóng vai trò chủ đạo.”

Theo truyền thông của ĐCSTQ – tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin, ngày 12/10/2015, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành một “học tập tập thể” về “mô hình quản trị toàn cầu và hệ thống quản trị toàn cầu”. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình nói rằng ĐCSTQ sẽ thúc đẩy “cải cách hệ thống quản trị toàn cầu”.

Ông Dư Mậu Xuân nói rằng không chỉ ông Lư Sa Dã, mà nhiều người phát ngôn của ĐCSTQ cũng sẽ nói như vậy, ĐCSTQ cũng nói như vậy tại Liên Hợp Quốc và ông Tập Cận Bình cũng nói như vậy khi gặp Tổng thống Nga Putin tại Moscow.

Ngày 22/3, ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Nga 3 ngày, khi rời Điện Kremlin, ông ấy đã từng nói với ông Putin một lời rằng cái gọi là sự thay đổi cục diện 100 năm, “chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy”. Ông Putin đã hồi đáp đồng ý.

Ông Dư Mậu Xuân nói: “Điều này phản ánh một kiểu tư duy nhất quán của ĐCSTQ, vì vậy tôi không nghĩ (ông Lư Sa Dã) vô tình lỡ miệng.”

Nói với Epoch Times ngày 26/4, cựu quan chức ngoại giao tại lãnh sự quán ĐCSTQ ở Sydney (Úc) là ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin) cho biết, “Ông Lư Sa Dã cố tình bắt ý cấp trên, vì hoạt động tuyên truyền ngoại giao của ĐCSTQ chỉ cần trung thành với cấp trên (Tập Cận Bình), có nói linh tinh cũng chẳng sao, giống như trường hợp ông Triệu Lập Kiên hay nói vậy”. Nhưng ông Trần cho rằng lần này ông Lư Sa Dã “phát huy hơi quá”, tuy vậy ông ta sẽ không bị trừng phạt, “Vì bản thân kiểu phát ngôn ngạo mạn đó là đặc điểm chính trong chính sách ngoại giao nước lớn của Tập Cận Bình, đặc điểm của ngoại giao chiến lang, cho nên ông Tập sẽ không có bất cứ trừng phạt gì đối với ông Lư Sa Dã”.

Mộc Vệ (t/h)