50 năm trước, Israel đã đánh bại quân đội Ai Cập nhờ sự may mắn khó tin
- Minh Trí
- •
Ngày 6/12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái Israel, đánh dấu một chuyển biến quan trọng và nhiều tranh cãi trong vấn đề hòa bình ở Trung Đông. Jerusalem, thánh địa linh thiêng của ba trong số những tôn giáo lớn nhất thế giới – Do Thái, Cơ Đốc và Hồi giáo – chưa bao giờ ngừng được hướng về để ước vọng, cầu nguyện, ngưỡng mộ và cảm thương cho số phận của của những con người, dân tộc và đất nước đã gắn chặt với nó.
Cuộc chiến chóng vánh
Cách đây 50 năm, vào tháng 5 năm 1967, chỉ 20 năm sau khi Nhà nước Do Thái Israel được thành lập, Ai Cập bất ngờ trục xuất quân đội gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, huy động lực lượng quân đội khổng lồ tới biên giới Israel, phong tỏa eo biển Tiran (cửa ngõ hàng hải chiến lược của Israel), đồng thời kêu gọi tất cả các nước Ả Rập trong khu vực cùng nhau tiêu diệt nhà nước Do Thái non trẻ.
Israel đứng trước tình huống tứ bề thọ địch và thua kém mọi mặt về quân sự trong khi Liên Hiệp Quốc và đồng minh Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ. Một cuộc thảm sát Holocaust mới dường như sắp diễn ra. Tuy nhiên, Israel đã sống sót và phồn thịnh tới ngày nay, để kể lại câu chuyện mà họ tin là phép lạ đã giúp họ chiến thắng trong cuộc chiến lịch sử 50 năm trước.
Vào ngày 4/6/1967, nhà nước Israel non trẻ nhìn thấy mình đang đứng trên bờ vực hủy diệt. Trong khi người dân Israel vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau về cuộc thảm sát Holocaust trong Thế chiến II, thì tất cả các quốc gia Ả Rập xung quanh đã thề sẽ khiến Địa Trung Hải nhuộm đỏ máu của người Do Thái.
Tướng nghỉ hưu Eitan Ben – Eliyahu, thuộc lực lượng phòng vệ Israel nhớ lại: “Chúng tôi đã nghĩ rằng người Israel sẽ bị vứt hết xuống biển.” Buổi sáng ngày 5/6/1967, ông Ben Elyahu là một trong những phi công đầu tiên tiến đánh Ai Cập, trận chiến đầu tiên mở màn chiến thắng vẻ vang và đầy bất ngờ của quân Do Thái.
“Đây là chuyện sống chết. Đây là chuyện Israel có bị hủy diệt hay không.”
“Người dân hoảng sợ. Người ta nói về việc Israel sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức, về cuộc chiến mà sẽ có số người chết khổng lồ, ít nhất là 10.000 người,” ông Elyahu nói.
Những giáo sĩ Do Thái dự đoán số người chết nhiều đến mức họ dự định sử dụng tất cả công viên tại Jerusalem làm nghĩa trang công cộng. Ngay trước khi cuộc chiến bắt đầu, câu đùa cửa miệng của người Israel với nhau là: “Người chết cuối cùng phải tắt điện!”
Nhưng câu đùa này cũng không phản ánh được sự kinh hoàng trước viễn cảnh chết chóc của người dân quốc gia mới thành lập được 2 thập kỷ này. Israel thua kém cả về hỏa lực lẫn quân lực ở cả 3 mặt trận: Ai Cập ở miền Nam, Jordan ở phía Đông và Syria ở phía Bắc. Liên Xô đã đổ số lượng vũ khí trị giá 2 tỷ USD vào các nước Ả Rập. Kẻ thù của Israel mang tới chiến trường số binh lính gấp đôi, số xe tăng nhiều gấp ba và gấp 4 lần số máy bay mà Israel sở hữu.
Những chuyện hy hữu
Nhưng ngay trước thời khắc cuộc chiến bắt đầu, Ai Cập – kẻ thù mạnh nhất của Israel bất ngờ xảy ra một loạt sai sót và tai nạn kỹ thuật.
Nhà báo chiến trường Eud Yaai nhớ lại: “Có vấn đề liên lạc giữa Tổng thống Ai Cập Nasser và các tướng lĩnh hàng đầu quân đội của ông ta, và tất cả mọi việc đều không hoạt động theo như kế hoạch. Khi chiến tranh xảy ra, bạn có thể nhìn và nghe thấy, chúng tôi đã nghe thấy họ. Bạn có thể nghe và nhìn thấy Bộ Chỉ huy tối cao của Ai Cập không kiểm soát được tình hình.”
Bộ Chỉ huy Ai Cập cũng đã bỏ ngoài tai cảnh báo của các nhân viên tình báo cấp trung rằng không lực Israel sắp tấn công phủ đầu. Đêm trước ngày phát động chiến tranh, Tư lệnh quân Ai Cập Abbot Emir đã tụ họp tướng lĩnh dưới trướng của mình để tiệc tùng tại một căn cứ không quân cách xa chiến trường. Sáng hôm sau, cuộc tấn công chớp nhoáng của không lực Israel đã khiến Abbot Emir hối hận cả đời với quyết định của mình.
“Chúng tôi khiến họ hoàn toàn bất ngờ. Sau đó một số lính Ai Cập muốn chạy vào máy bay để phản kháng, nhưng không làm gì được”, cựu phi công của Israel Elyahu nói.
Một lỗi chiến thuật ngớ ngẩn khác của Ai Cập mà không ai giải thích được là vào 2 tuần trước cuộc chiến, Ai Cập đã thay thế gần như hoàn toàn chỉ huy quân sự tại Sinai bởi những người không quen thuộc địa hình. Sáng ngày 5/6/1967, radar của Jordan phát hiện ra máy bay của Israel cất cánh. Jordan đã gửi cảnh báo đỏ cho Cairo, nhưng người lính trực đã dùng sai mã ngày nên không thể giải mã được thông tin sống còn đó. Lời cảnh báo không bao giờ được đọc. Trước một đội quân đang sửng sốt, không lực Israel đã “làm cỏ” hết lực lượng không quân Ai Cập dưới mặt đất, đánh dấu chiến thắng đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đối với cả cuộc chiến.
Phép màu?
Một số người Israel trong đó có tác giả Sara Rigler, người đã viết về Cuộc chiến Sáu ngày tin rằng một loạt các sai lầm và sự kiện không may của Ai Cập là do có bàn tay của một đấng tối cao:
“Bạn có thể nói rằng, ồ thật là sự trùng hợp may mắn, nơi bạn có thể thấy bàn tay của Chúa. Chúng tôi thấy rằng Chúa đã an bài tất cả những chuyện đó để xảy ra theo đúng cách nó đã xảy ra, bởi Ngài muốn cuộc tấn công của Israel thành công. Chúa muốn chúng tôi chiến thắng, muốn chúng tôi lấy lại thánh địa của mình.”
Đối với nhiều người, sự nhiễu loạn trong quân đội Ai Cập ngay trước cuộc chiến khiến họ nghĩ tới sự tương đồng trong câu chuyện trong Kinh Thánh về chàng Gideon phá rối đội quân kẻ thù của vương quốc Israel cổ đại.
Thay vì bị tiêu diệt, Israel đã giành được một trong những chiến thắng vang dội nhất lịch sử chiến tranh thế giới. Rất nhiều người Do Thái chính thống và Cơ đốc giáo tin rằng quốc gia Do Thái đã chứng kiến một phép lạ.
Joel Rosenberg, nhà phân tích Trung Đông nhận xét:
“Kể cả những người Tin Lành cũng tin rằng Cuộc chiến Sáu ngày là bằng chứng của sự can thiệp của Chúa đối với những người Do Thái. Điều kỳ diệu là bạn được chứng kiến thời khắc đó, khi mà tất cả các lãnh đạo Ả Rập, lãnh đạo Hồi giáo đều nói rằng ‘chúng ta sẽ ném bọn Do Thái xuống biển’, và thấy rằng một cuộc thảm sát Holocaust khác sắp diễn ra. Thế mà 6 ngày sau, Israel tự vệ thành công, tiêu diệt kẻ thù, chiếm được diện tích đất gấp 3 lần trước đây, tái kiểm soát Jerusalem lần đầu tiên trong 100 năm. Và đến ngày thứ 7 họ nghỉ ngơi. Nó nghe thật giống Kinh Thánh đối với những người Tin Lành khắp thế giới và họ cũng hân hoan vui mừng cho người Do Thái.”
Tác giả Rigler nói: “Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, tất cả mọi người, kể cả tín hữu lẫn người thế tục đều nhận thấy điều này đến từ Chúa bởi vì nó thật là không hợp lý. Tất cả mọi người đều dự đoán một thất bại thê thảm. Đây là một phép lạ, thậm chí cả với Mose Dayan, tư lệnh quân đội Israel, đồng thời là một người rất thế tục.”
Sau khi Jerusaslem được giải phóng, ông Dayan đã tới Bức tường Phía Tây và theo truyền thống, đặt một mẩu giấy ghi thông điệp gửi Chúa vào các khe của bức tường. Tờ giấy này ngay sau đó đã được các phóng viên chiến trường tiết lộ, đó là câu số 23, thuộc chương 118 trong Thánh Vịnh:
“Đây là việc làm của Chúa. Nó thật diệu kỳ trong mắt chúng tôi.”
Minh Trí
Xem thêm:
Từ khóa Israel Hy hữu Trung Đông Jerusalem Thần kỳ