Sự kiện chèn sóng truyền hình, mô tả chi tiết cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân (Trung Quốc) vào năm 2002, đã được dựng thành phim tài liệu hoạt hình có tên “Trường Xuân”, và được đề cử giải Oscar Canada. Đạo diễn người Canada Jason Loftus và họa sĩ hoạt hình Đại Hùng (Daxiong) đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chặn, người nhà họ tại Đại Lục bị đe dọa.

p3222651a17047811
Phim tài liệu tiếng Trung “Trường Xuân” được đề cử giải Oscar. (Ảnh: Đài Á Châu Tự Do)

“Trường Xuân”: Phim hoạt hình tài liệu về Pháp Luân Công được đề cử giải Oscar

Phim tài liệu hoạt hình “Trường Xuân” do đạo diễn người Canada Jason Loftus chỉ đạo, họa sĩ hoạt hình Đại Hùng (tên thật là Quách Cạnh Hùng) đảm nhận chính về mỹ thuật.

id13711577 Screenshot 2022 04 14 at 13.20.38 781x400 1
Ảnh phim “Trường Xuân”: Tuổi thơ của Đại Hùng ở Trường Xuân thật hạnh phúc. (Ảnh chụp màn hình video / Epoch Times)

Phim kể về câu chuyện của các học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân, Trung Quốc từ 20 năm trước. Họ đã liều mạng để vạch trần những tuyên truyền sai trái và cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ bằng cách chèn nội dung sự thật vào sóng truyền hình nhà nước.

Đạo diễn Loftus gặp họa sĩ Đại Hùng vì sản xuất một trò chơi hoạt hình, và vô tình biết được giai đoạn lịch sử này. Vợ của ông Loftus cũng là người Trường Xuân, vì vậy rất ấn tượng với câu chuyện trên. Sau đó, họ quyết định dùng hình thức một bộ phim tài liệu hoạt hình để tái hiện lại tình huống khi đó.

Ông Loftus nói, thật khó tưởng tượng rằng nhóm người này không thể lên tiếng vì bị bức hại. Họ chỉ có thể bày tỏ suy nghĩ và sự thật thông qua việc chèn nội dung sự thật vào sóng truyền hình nhà nước. Nhưng thật đáng buồn, vì chuyện này, chính quyền ĐCSTQ đã bắt giữ hàng ngàn học viên Pháp Luân Công, nhiều người trong số họ đã bị kết án hoặc tra tấn đến chết.

ĐCSTQ can thiệp vào ngành điện ảnh và truyền hình Canada

ĐCSTQ không chỉ kiểm soát chặt chẽ việc người dân ở Trung Quốc muốn tìm hiểu sự thật, ngay cả vợ chồng đạo diễn Loftus cũng bị đàn áp vì bộ phim này.

Theo Đài Á Châu Tự Do, trò chơi điện tử do ông Loftus sản xuất vốn đã được phát hành tại Trung Quốc, gần đây lại bất ngờ bị gỡ bỏ. Ông Loftus cho biết: “Đại diện của Trung Quốc nói với tôi rằng không phải bản thân trò chơi có vấn đề, mà là vấn đề của anh và công ty.”

“Cô ấy hỏi tôi: Có phải anh đã làm điều gì khiến Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) không hài lòng? Đồng thời, gia đình vợ tôi ở vùng đông bắc cũng bắt đầu nhận được điện thoại từ Cục Công an Trung Quốc. Họ đã gây áp lực và cảnh báo chúng tôi sống ở nước ngoài nên an phận một chút.”

Tuy nhiên, ông rất vui vì thành tựu nghệ thuật của bộ phim đã được khẳng định. Trong số 16 bộ phim được đề cử tranh giải Oscar năm 2023, Hiệp hội Điện ảnh và Truyền hình Canada (Telefilm Canada) cuối cùng đã chọn “Trường Xuân” là bộ phim được đề cử. “Trường Xuân” trở thành bộ phim tài liệu hoạt hình bằng tiếng Trung đầu tiên đại diện cho Canada tranh giải Oscar cho “Phim truyện quốc tế hay nhất”.

Ông Loftus bày tỏ vui mừng trước sự công nhận dành cho bộ phim. Ông nói đây không chỉ là sự khẳng định về nghệ thuật, mà còn là sự khẳng định về niềm tin vào tự do.

“Tôi rất cảm động trước việc Canada nhấn mạnh đến quyền tự do bày tỏ tư tưởng và tín ngưỡng. Điều này sẽ khuyến khích nhiều người hơn, đặc biệt là những người bạn từ cộng đồng người Hoa, bày tỏ suy nghĩ của họ theo những cách khác nhau. Tôi cũng mong rằng mọi người ủng hộ Đại Hùng nhiều hơn. Vì sau khi “Trường Xuân” được Canada đề cử giải Oscar Phim quốc tế hay nhất, ĐCSTQ đã tuyên bố cấm toàn bộ truyện tranh của anh.”

Nhân chứng: Sự thật về Pháp Luân Công được chèn sóng phát trên toàn quốc, dài hàng chục phút

Anh Đường Phong, một trong những chứng nhân đã chứng kiến ​​sự kiện chèn sóng ở Trường Xuân năm đó, cho biết anh ấy đột nhiên nhìn thấy hình ảnh Pháp Luân Công trên tất cả các kênh truyền hình dài hàng chục phút, mọi người đều ngạc nhiên.

Người đi đường thì thầm, có người vui mừng reo hò. Nhưng ngay sau đó, anh lại nghe nói những học viên Pháp Luân Công tham gia vụ chèn sóng này đã bị bắt, bị bức hại, thậm chí có người còn bị bức hại đến chết.

Anh Đường Phong nói: “20 năm đã trôi qua, nhưng ở Trung Quốc Đại Lục vẫn còn áp lực cao và kiểm soát chặt chẽ, chuyên chế lũng đoạn, mọi người khó có thể nghe thấy tiếng nói chân thực từ đài phát thanh và truyền hình. Bộ phim này đang nhắc nhở thế giới, rằng áp lực cao và kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng hơn.”

Bộ phim “Trường Xuân” hiện đang được công chiếu tại các thành phố Toronto, Vancouver và Montreal của Canada. Phim sẽ được chiếu tại các rạp lớn ở Hoa Kỳ vào ngày 14/10, và được lên sóng tại Úc, Hà Lan và Vương quốc Anh.

Pháp Luân Công dạy mọi người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống, giúp các học viên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Bình Minh (t/h)