Kể từ khi chiến tranh Nga xâm lược Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2/2022, Mỹ đã hứa sẽ hỗ trợ miễn là Ukraine cần. Nay khi cuộc chiến bước sang năm thứ hai, xu thế chia rẽ giữa chính quyền Kyiv và Washington ngày càng cao trong các vấn đề như mục tiêu và thời điểm kết thúc cuộc chiến…

321388604 684108989838506 8918465649068836291 n
Ngày 21/12/2022, Tổng thống Zelensky của Ukraine đã đến thăm Nhà Trắng (Mỹ), đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông kể từ cuộc chiến chống quân Nga xâm lược đất nước. (Nguồn: Facebook Zelensky)

Hãng thông tấn chính trị Mỹ Politico ngày 12/3 đưa tin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ (House Foreign Affairs Committee) là Dân biểu Michael McCaul cho biết, ông không thấy được Chính phủ Mỹ có mục tiêu chính sách rõ ràng đối với cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine, không thấy bất kỳ chính sách nào để thu về chiến thắng, nếu vậy Mỹ đang làm gì?

Trong những lần xuất hiện chính thức trước công chúng, có rất ít bất đồng giữa Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Ukraine Zelensky. Vào tháng Hai, Tổng thống Mỹ Biden đã có chuyến thăm bí mật tới Kyiv, chuyến thăm đầy kịch tính đó cho thấy liên minh Mỹ – Ukraine như thế nào.

Trích dẫn các cuộc trò chuyện với 10 người gồm quan chức chính phủ, nhà lập pháp và chuyên gia, nguồn tin từ Politico cho biết những căng thẳng mới giữa Ukraine và Mỹ đang nổi lên: Vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, tình hình phòng thủ ở thị trấn Bakhmut miền đông Ukraine, và kế hoạch chiếm lại bán đảo Crimea của Ukraine…

Vấn đề Bakhmut

Quân đội Nga đã trú ở Bakhmut kéo dài tới 9 tháng qua. Mặc dù thị trấn không có tác động đáng kể đến cục diện chung của cuộc chiến, nhưng gần đây Bakhmut đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến khi mà quân đội Ukraine quyết chiến với Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, khiến toàn vùng trở thành đống đổ nát và đôi bên đều tổn thất nặng nề.

Hiện nay quân đội Ukraine vẫn đang kiên định trấn thủ, không chịu từ bỏ dù phải trả giá đắt.

Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine, cho biết việc giữ thị trấn thêm được ngày nào là giúp Ukraine có thêm ngày đó thời gian chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công trong tương lai. Trận chiến ở pháo đài này khiến kẻ thù mất đi thành phần sẵn sàng và có năng lực nhất trong quân đội của chúng: Quân đánh thuê Wagner.

Tuy nhiên một số quan chức chính quyền Mỹ lo ngại rằng các lực lượng Ukraine đã sử dụng quá nhiều nhân lực và đạn dược tại Bakhmut, tình hình đó có thể làm suy yếu cuộc phản công lớn theo kế hoạch của Ukraine vào mùa xuân.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói: “Dĩ nhiên tôi không đánh giá thấp những nỗ lực to lớn của Ukraine để bảo vệ Bakhmut, nhưng tôi nghĩ đây là một hoạt động mang tính biểu tượng hơn là giá trị chiến lược của hoạt động quân sự”.

Hiện Kyiv vẫn chưa lắng nghe ý kiến ​​của Washington và vẫn chưa từ bỏ Bakhmut.

Vấn đề đường ống Nord Stream

Vào ngày 7/3, tờ New York Times của Mỹ tuyên bố rằng tin tình báo mới được Chính phủ Mỹ xem xét cho thấy một nhóm thân Ukraine đã phá hoại đường ống Nord Stream vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy chính quyền Kyiv đã tham gia vào vụ tấn công vào tháng 9/2022 đó.

Tờ Politico tuyên bố rằng thông tin tình báo mới do New York Times đưa tin lần đầu thiếu thông tin chi tiết hơn. Dù thông tin tình báo không cho thấy các quan chức của chính quyền Kyiv do ông Zelensky đứng đầu có liên quan đến vụ đánh bom, nhưng chính quyền Tổng thống Biden đã gửi tín hiệu rõ ràng tới Ukraine: Một số hành động bạo lực bên ngoài Ukraine là không thể chấp nhận được.

Vấn đề Crimea

Kyiv và Washington cũng có chia rẽ về việc chấm dứt chiến tranh chống quân xâm lược Nga ở Ukraine. Ông Zelensky đã khẳng định rằng các cuộc đàm phán hòa bình chỉ bắt đầu với việc quân đội Nga rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả việc trả lại Crimea nơi Nga đã kiểm soát từ năm 2014. Về vấn đề này, các quan chức Chính phủ Mỹ tin rằng yêu cầu như vậy của chính quyền Kyiv sẽ chỉ kéo dài chiến tranh.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã thông báo với Chính phủ Ukraine rằng đối với Tổng thống Nga Putin thì việc Ukraine tái chiếm Crimea là một lằn ranh đỏ, viễn cảnh đó có thể dẫn đến cuộc chiến leo thang nguy hiểm kinh khủng khó lường.

Hiện nay Tổng thống Mỹ Biden tiếp tục thể hiện kiềm chế theo chủ ý rằng Mỹ sẽ giao quyền tự quyết liên quan đến chiến tranh và hòa bình của Ukraine trong chống quân xâm lược Nga cho ông Zelensky trong tư cách là Tổng thống Ukraine. Nhưng trong bối cảnh bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang đến gần, liệu Washington có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine mà không bị hạn chế hay không.

Vấn đề nội bộ nước Mỹ

New York Times đưa tin rằng Lầu Năm Góc đang ngăn chính quyền Tổng thống Biden chia sẻ với Tòa án Hình sự Quốc tế bằng chứng Nga có thể đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Về vấn đề này, tờ Politico cho biết vì Nhà Trắng lo ngại rằng điều này có thể gây tổn hại đến hình ảnh đạo đức của nước Mỹ.

Theo tờ Politico, dù Tổng thống Biden đã hứa sẽ kiên quyết hỗ trợ Ukraine, nhưng Nhà Trắng cũng nói rõ với chính quyền Kyiv rằng Mỹ không thể cung cấp một lượng lớn hỗ trợ tài chính và vật chất cho Ukraine vô thời hạn. Hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga cũng là sự đồng thuận của lưỡng đảng Mỹ, nhưng ngày càng có nhiều đảng viên Cộng hòa bắt đầu đặt câu hỏi về việc sử dụng tiền của người nộp thuế Mỹ để hỗ trợ vô thời hạn một cuộc chiến không biết hồi kết.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy từng tuyên bố Mỹ sẽ không viết “tấm séc trắng” cho Ukraine.