Các chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Nga gần đây đã tổ chức các cuộc thảo luận về thời điểm và cách thức họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, The New York Times đưa tin hôm 2/11.

Bản tin của New York Times trích dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, cho biết thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham gia các cuộc đàm thoại. Tuy nhiên, điều đó vẫn làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng, vì thông tin này được đưa ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng và không ít người lo ngại Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là khi Điện Kremlin phải đối mặt với những tổn thất liên tiếp trong cuộc xâm lược Ukraine.

Mặc dù các quan chức Mỹ nhìn nhận, các tướng lĩnh Nga đang ngày càng thất vọng vì những thất bại của họ, nhưng hiện vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy Moscow đã thực hiện các bước thực tế để chuyển đầu đạn vào vị trí sử dụng.

Dù vậy, các quan chức Mỹ vẫn hết sức lo ngại, các cuộc thảo luận này là dấu hiệu cho thấy lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga có thể không chỉ là lời nói suông, theo The New York Times.

Lo ngại này phần nào xuất phát từ việc Điện Kremlin từng có nhiều lần không tôn trọng các quy tắc quốc tế lâu đời liên quan đến năng lượng hạt nhân. Ví dụ, trong vài ngày sau cuộc xâm lược, quân đội Nga đã đánh chiếm Chernobyl, khu vực ô nhiễm sau thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, và sau đó họ tiếp tục giành quyền kiểm soát các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, bao gồm cả nhà máy lớn nhất châu Âu tại Zaporizhzhia.

Nhà Trắng lưu ý, các cuộc thảo luận lặp đi lặp lại của các quan chức Nga về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine đã khiến họ quan ngại nguy cơ này có thể trở thành hiện thực. Người phát ngôn bộ phận an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Kirby cho biết, Triều Tiên đang gửi một số lượng “đáng kể” đạn pháo tới Nga dưới danh nghĩa các chuyến hàng tới “các nước ở Trung Đông hoặc Bắc Phi”.

Ukraine và phương Tây gần đây cũng cáo buộc Iran cung cấp nhiều máy bay không người lái và sắp cung cấp tên lửa cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

Về cơ bản, một cuộc tấn công hạt nhân sẽ đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong các cuộc chiến. Nếu Nga sử dung vũ khí hạt nhân, đây sẽ là vụ tấn công vũ khí hạt nhân duy nhất trong một cuộc chiến, kể từ sau khi Mỹ ném 2 quả bom ở Nhật Bản vào thời điểm kết thúc Thế chiến thứ hai.

Hiện chưa rõ các cường quốc quân sự như Mỹ và NATO sẽ có phản ứng cụ thể ra sao trước nguy cơ này, trong khi các nhà lãnh đạo NATO chỉ đe dọa Moscow rằng họ sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Ngày 2/11, phía Nga tuyên bố ưu tiên hàng đầu của Moscow là tránh xung đột giữa các cường quốc hạt nhân, nhưng họ lên án phương Tây đang “khuyến khích những hành động khiêu khích bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, họ lo ngại 5 cường quốc hạt nhân đang “đứng bên bờ vực một cuộc xung đột vũ trang trực tiếp”, do đó phương Tây phải “dừng khuyến khích những hành động khiêu khích bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc”.

Nhật Minh (T/h)