Hôm thứ Tư (28/2), các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng bất kỳ đội quân nào mà ông điều đến Ukraine tham chiến sẽ gặp kết cục tương tự như Đại quân (Grande Armee) của Hoàng đế Napoleon Bonaparte trong cuộc xâm lược Nga vào năm 1812. Đại quân của Napoleon đã chịu thương vong lớn, dẫn đến thất bại hoàn toàn.

Hôm thứ Hai (26/2), Tổng thống Macron đã cảnh báo rằng các quốc gia châu Âu có thể điều quân tới Ukraine để hỗ trợ Kyiv, mặc dù ông thừa nhận rằng chưa có sự đồng thuận tại giai đoạn này.

Phát biểu của nhà lãnh đạo Pháp đã khiến hàng loạt các quốc gia phương Tây khác, bao gồm Hoa Kỳ và Anh, tuyên bố rằng họ không có kế hoạch như vậy. Phản ứng trước phát biểu của tổng thống Pháp, Điện Kremlin cảnh báo rằng cuộc xung đột giữa Nga và liên minh quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo sẽ không thể tránh khỏi nếu các thành viên châu Âu trong NATO điều quân tới tham chiến ở Ukraine.

Ông Vyacheslav Volodin, chủ tịch Duma quốc gia Nga (Hạ viện Nga) và là một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, lên án Tổng thống Macron dường như tự coi mình là Hoàng đế Napoleon, đồng thời cảnh báo vị tổng thống Pháp không nên đi theo bước chân của vị hoàng đế Pháp năm xưa.

Trong một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội chính thức của mình, ông Volodin chỉ trích: “Để duy trì quyền lực cá nhân của mình, [Tổng thống] Macron không thể nghĩ ra điều gì tốt hơn là châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Những sáng kiến của ông ấy đang trở nên nguy hiểm đối với người dân Pháp.

Trước khi đưa ra phát biểu như vậy, [Tổng thống] Macron nên nhớ lại kết cục của [Hoàng đế] Napoleon và đội quân của ông ta như thế nào, hơn 600.000 binh sĩ trong số đó đã bị bỏ lại nằm trên mặt đất ẩm ướt.

Cuộc xâm lược Nga vào năm 1812 của Hoàng đế Napoleon ban đầu đã đạt được tiến triển nhanh chóng, thậm chí đã chiếm được Moscow. Tuy nhiên chiến thuật của Nga đã buộc Đại quân của hoàng đế Pháp phải rút lui và hàng trăm nghìn binh sĩ của ông ta đã chết vì bệnh tật, đói khát và giá lạnh.

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong mối quan hệ của Nga với phương Tây kể từ cuộc Khủng hoảng Tên lửa ở Cuba năm 1962.  Tổng thống Putin, người đang kiểm soát kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, đã cảnh báo về sự nguy hiểm của cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo bên ngoài Nga, đặc biệt là ở Đông Âu, đã hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Macron.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cáo buộc Tổng thống Macron có những ảo tưởng nguy hiểm về sự vĩ đại, đồng thời chỉ trích phát biểu của tổng thống Pháp là một ví dụ cho thấy tư duy chính trị phương Tây đã trở nên khiếm khuyết như thế nào.

Những kẻ thừa kế nhỏ mọn và thảm thương của [Hoàng đế] Bonaparte, đang thử những cầu vai vàng đã bị xé rách cách đây 200 năm, đang háo hức trả thù với tầm cỡ kiểu Napoleon và đang phun ra những điều vô nghĩa hết sức ghê tởm và cực kỳ nguy hiểm”, ông Medvedev nói. 

Cựu Tổng thống Medvedev, từng được coi là nhà cải cách hiện đại hóa của Nga, đã tự đổi mới mình thành một kẻ diều hâu kể từ khi cuộc chiến Nga – Ukraine bùng phát. Ông đã đưa ra một loạt tuyên bố hiếu chiến công kích phương Tây, đồng thời cảnh báo về nguy cơ tận thế do chiến tranh hạt nhân nếu một số ranh giới đỏ bị vượt qua.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, phát biểu của Tổng thống Macron đã tiết lộ rằng các quốc gia phương Tây khác, không giống như nhà lãnh đạo Pháp, hiểu được nguy cơ của cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân đội NATO và Nga.

Bà Zakharova lưu ý: “Các nhà lãnh đạo của nhiều chính phủ châu Âu đã nhanh chóng cho biết rằng họ không và không có kế hoạch gì tương tự. Điều này cho thấy họ hiểu được sự nguy hiểm.