Mặc dù đã từng là đối thủ trong nhiều thế kỷ, nhưng Trung Quốc và Nga hiện có một liên minh trên thực tế, ngay cả khi liên minh này không đạt được mức cao “không có giới hạn” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra chỉ vài tuần trước cuộc chiến Nga – Ukraine vào tháng 2/2022.

Putin Tap Can Binh
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 21/3/2023. (Nguồn ảnh: PAVEL BYRKIN/SPUTNIK/AFP Qua Getty Images)

Mối quan hệ về năng lượng, quân sự, và chính trị được nuôi dưỡng trong thập kỷ qua giữa hai quốc gia độc tài hùng mạnh nhất thế giới đều nhằm mục lật đổ một phần trật tự hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ thống trị. Mối quan hệ Trung-Nga ngày càng khắn khít là do Nga bị Mỹ cùng phương Tây cô lập, buộc phải ngày càng ngả về phía Trung Quốc. Điều này khiến các nhà lãnh đạo dân chủ từ Washington đến Tokyo phải lo lắng.

Điều gì đã khiến Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau?

Sau cuộc xâm lược Iraq do Hoa Kỳ dẫn đầu năm 2003, sự xa lánh ngày càng sâu sắc của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và Nga đã khiến hai quốc gia này xích lại gần nhau và ngày càng trở nên công khai sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt nguồn từ Hoa Kỳ. Cả Bắc Kinh và Moscow đều kết luận rằng cuộc khủng hoảng này sẽ khiến các quốc gia trên toàn cầu giảm niềm tin vào mô hình kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ. 

Bắc Kinh và Điện Kremlin đã tăng cường quan hệ một cách thận trọng cho đến năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga, dẫn đến các lệnh trừng phạt và sự rạn nứt lớn hơn giữa Nga và phương Tây. Điều đó buộc Moscow phải  tìm các đối tác mới và đặc biệt là các thị trường mới để xuất khẩu năng lượng. Trung Quốc, vốn đang phát triển nhanh nhờ sự đầu tư của phương Tây, là một sự thay thế thích hợp và trở thành người mua lớn đối với hàng hóa và vũ khí của Nga.

Cả hai quốc gia này đều có thái độ thù địch đối với các liên minh do Mỹ lãnh đạo trong những gì mà họ coi là phạm vi ảnh hưởng hợp pháp của họ, Đối với Nga, đó là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu; đối với Trung Quốc, đó là mạng lưới các hiệp ước quốc phòng song phương của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mặc dù không phải là một liên minh chính thức dựa trên hiệp ước, nhưng mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga đã được tăng cường nhờ mối quan hệ cá nhân bền chặt giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập.

Tại sao lại có mối quan hệ gần gũi giữa hai nhà lãnh đạo?

Đều trải qua một tuổi thơ khó khăn, cả hai nhà lãnh đạo này đều thể hiện quyết tâm trấn áp những người bất đồng chính kiến trong nước và khôi phục lại sự vĩ đại của đất nước mình, chấm dứt sự sỉ nhục của Hoa Kỳ và châu Âu đối với họ.

Cả hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ít nhất 40 lần, cùng nhau làm bánh bao ở thành phố Thiên Tân của Trung Quốc, và làm bánh kếp ở vùng Vladivostok của Nga. Năm 2019, ông Tập đã gọi ông Putin là “người bạn tốt nhất” của mình.

Trong tuyên bố chung năm ngoái, cả hai nhà lãnh đạo đã thể hiện sự coi thường đối với các ý tưởng dân chủ của phương Tây. Cả hai đã chỉ trích nền dân chủ phương Tây mà không đề cập đến các cuộc bầu cử dân chủ, các tòa án độc lập hoặc các hãng truyền thông tự do ở đó. Hai nhà lãnh đạo biện minh rằng tùy thuộc vào từng quốc gia để quyết định xem liệu đó có phải là một nền dân chủ hay không.

Sau chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Moscow vào tháng 3/2023, một tuyên bố chung khác được đưa ra và ca ngợi rằng mối quan hệ của hai nước đã “vượt qua thử thách của đại dịch Covid-19 và những thăng trầm của tình hình quốc tế.”

Lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và Nga

Vào giữa những năm 1800, Nga là một trong những cường quốc châu Âu đã áp đặt hiệp ước bất bình đẳng lên nhà Thanh của Trung Quốc. Nhà Thanh đã phải nhượng lại 1 triệu km2 (386.100 dặm vuông) lãnh thổ, một khu vực gần bằng diện tích của Pháp, Đức, và Anh gộp lại.

Mối quan hệ Trung-Nga đã cải thiện đáng kể trong một thời gian ngắn sau khi Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông lên nắm quyền vào năm 1949. Mao Trạch Đông là đồng minh của Josef Stalin, lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ.

Tuy nhiên, ông Mao đã phản đối những thay đổi chính trị ở Liên Xô được gọi là phong trào phi Stalin hóa sau cái chết của nhà lãnh đạo Liên Xô này vào năm 1953. Năm 1961, ông Mao đã tách khỏi Moscow. Năm 1969, hai nước đã xảy ra cuộc chiến tranh ngắn ngủi ở biên giới tại vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Năm 1972, Trung Quốc đã làm một điều không thể tưởng tượng được khi quay về phía Mỹ. Mãi đến giữa những năm 1980, khi Mikhail Gorbachev nắm quyền ở Điện Kremlin, mối quan hệ Trung – Nga mới bắt đầu tan băng trở lại.

Bây giờ, họ có thể cung cấp cho nhau những gì?

Kể từ năm 2014, Nga đã bán cho Trung Quốc một số hệ thống vũ khí tiên tiến nhất, bao gồm lô hàng các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và các máy bay tấn công SU-35 trị giá 5 tỷ đô la. Ngoài ra, Trung Quốc đã trở thành một trong những khách hàng chính mua dầu, khí đốt và than đá của Nga. Bắc Kinh đã đàm phán được những mức giá ưu đãi khi châu Âu cắt giảm nhập khẩu từ Nga.

Trong vòng hai tháng sau khi Moscow sáp nhập  Crimea, tập đoàn Gazprom PJSC của Nga đã ký một thỏa thuật trị giá khoảng 400 tỷ đô la để cung cấp cho Trung Quốc khí đốt tự nhiên thông quan được ống có tên gọi Sức mạnh Siberia, với mức giá thậm chí thấp hơn giá mà họ cung cấp cho các khách hàng châu Âu. Gazprom đang cố gắng để đạt được một thỏa thuận cho một liên kết mới với Trung Quốc.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga kể từ khi Tổng thống Putin ra lệnh xâm lược Ukraine đã dẫn đến một bước nhảy vọt khác trong thương mại Nga-Trung. Bắc Kinh đã trở thành huyết mạch đáp ứng các nhu cầu nhập khẩu của Nga, đổi lại Moscow giảm giá năng lượng cung cấp cho Trung Quốc.  

Ngoài ra, điều quan trọng không kém là cả hai quốc gia này ngày càng phối hợp chặt chẽ quan điểm của mình tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, nơi cả hai đều có quyền phủ quyết và thường đưa ra lý do chung chống lại Hoa Kỳ.

Điều gì khiến các cường quốc dân chủ lo lắng?

Sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga khiến một số nhà hoạch định chính sách ở Mỹ lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể buộc phải tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận.

Nhiều người lo ngại rằng lợi dụng việc Hoa Kỳ tập trung trang bị vũ khí cho Ukraine để tự vệ trước cuộc xâm lược của Nga, Trung Quốc có thể tiến hành tấn công Đài loan.

Mới đây, Hoa Kỳ cũng bắt đầu hướng sự chú ý và nguồn lực quân sự tới Israel sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào nhà nước Do Thái.

Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Inhofe lập luận rằng điều chỉnh theo sức mua tương đương, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc và Nga cộng lại nhiều hơn Mỹ. 

Trong báo cáo quốc phòng thường niên năm 2023, Nhật Bản bày tỏ quan ngại sâu sắc về số lượng các cuộc tập trận chung ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga. Tokyo chỉ trích các cuộc tập trận này là hành động khiêu khích rõ ràng và có chủ ý.

Nhiều người lo ngại rằng sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế, quân sự, và chính trị mà hai quốc gia độc tài này có thể đạt được đang khuyến khích các nhà lãnh đạo có khuynh hướng độc tài khác trên thế giới, phá hoại niềm tin vào nền dân chủ như một hệ thống chính trị, đồng thời đe dọa trật tự quốc tế do Hoa kỳ và các đồng minh thúc đẩy kể từ sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Cả ông Tập và Tổng thống Putin đều chỉ trích rằng các quy tắc đó chỉ mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ và các đồng minh, những quốc gia sẽ tùy ý phá vỡ các quy tắc này. Đáng chú ý, quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia Nam Bán Cầu.

Cuộc chiến Ukraine tác động thế nào đến mối quan hệ Trung – Nga?

Trung Quốc đã tránh chỉ trích Nga, thay vào đó đổ lỗi cho Hoa Kỳ và NATO là nguyên nhân gây ra cuộc xung đột. Bắc Kinh đã tranh thủ mua dầu của Nga với giá rẻ khi một số quốc gia xa lánh Moscow, qua đó gián tiếp tài trợ cho bộ máy chiến tranh của Nga. Tuy nhiên, ông Tập cũng không muốn ủng hộ cuộc chiến của Nga một cách dứt khoát hoặc giúp Nga giảm bớt tác động tài chính do các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu gây ra.

Hồi tháng 9/2022, sau cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuộc xâm lược của Nga, Tổng thống Putin đã thừa nhận rằng Trung Quốc có “những thắc mắc và lo ngại” về vấn đó. 

Tuy nhiên, sự kết hợp những thiệt hại do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra và những tổn thất quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến mối quan hệ Nga – Trung vốn đã mất cân bằng lại càng trở nên có lợi cho Trung Quốc. 

Với tổng sản phẩm quốc nội lớn gấp 8 lần so với Nga, Trung Quốc có nguy cơ bị tổn thất lớn hơn rất nhiều trong nền kinh tế toàn cầu vẫn đang do Hoa Kỳ và các nền dân chủ phát triển khác thống trị.