Cơ quan tình báo điện tử liên bang của Canada cho biết nhóm tin tặc Trung Quốc APT31 cũng nhắm mục tiêu vào Canada. Mới đây Mỹ và Anh đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì nhóm tin tặc này.

hacker trung quoc
(Ảnh minh họa: TY Lim/Shutterstock)

Ngày 25/3 Mỹ ban lệnh trừng phạt nhắm vào một tổ chức mang tên “Mối đe dọa dai dẳng nâng cao 31” (APT31). Tổ chức này được Bộ Tư pháp Mỹ xác định là một phần của chương trình gián điệp mạng của Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ, theo đó 7 người có liên quan đến tổ chức này đã bị Mỹ truy tố.

Những tin tặc này là: Ni Gaobin, Weng Ming, Cheng Feng, Peng Yaowen, Sun Xiaohui, Xiong Wang và Zhao Guanzong.

FBI Mỹ treo giải thưởng 10 triệu USD cho thông tin về 7 tin tặc Trung Quốc bị Bộ Tư pháp buộc tội này.

Tổ chức APT31 bị cáo buộc trong 14 năm qua đã không ngừng nhắm mục tiêu vào Mỹ, các nhà dân chủ nước ngoài, các công ty và quan chức chính phủ.

Về vấn đề này, mới đây Cục An ninh Truyền thông Canada (CSE) cũng xác nhận APT31 cũng nhắm mục tiêu vào Canada. CSE cho biết trong một tuyên bố với CBC: “CSE thường không bình luận về các sự cố an ninh mạng cụ thể, tuy nhiên chúng tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi đã thấy hoạt động độc hại nhắm vào Canada từ cùng đối tượng”.

Bộ trưởng An toàn Công cộng Liên bang Dominic LeBlanc hôm 26/3 nói với giới truyền thông rằng, “Canada nhận thức được mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng, Trung Quốc (ĐCSTQ) là nhà cầm quyền thực hiện các hoạt động như vậy”.

Khi đó ông LeBlanc cho biết, tại cuộc họp của các quan chức an ninh quốc gia cấp cao thuộc liên minh “Ngũ nhãn” (Five Eyes) ngày 25/3 cũng đã thảo luận vấn đề này. Ông lưu ý: “Không nước nào có thể tránh khỏi mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng”.

Chiến dịch hacker toàn cầu của Bắc Kinh

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco cho biết trong một thông cáo báo chí rằng chiến dịch hacker (tin tặc) toàn cầu của Bắc Kinh là nhằm mục đích: “Trấn áp những người chỉ trích chế độ Trung Quốc (ĐCSTQ). Các cá nhân bị buộc tội phải chịu trách nhiệm về hơn 10.000 email độc hại, ảnh hưởng đến hàng ngàn nạn nhân trên nhiều châu lục”.

Trong thông cáo báo chí ngày 25/3, Chính phủ Anh tuyên bố rằng từ năm 2021 – 2022, ủy ban bầu cử nước này đã bị tấn công bởi các thực thể được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ. Chính phủ Anh cũng tuyên bố rằng APT31 đã theo dõi các nghị sĩ Anh trong một chiến dịch bầu cử khác vào năm 2021.

Chính phủ Anh công bố lệnh trừng phạt đối với Zhao Guanzong, Ni Gaobin và một công ty bình phong được cho là có liên quan đến APT31.

Tương tự, Chính phủ Úc ngày 26/3 đã đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về “các hoạt động mạng độc hại” của các thực thể được ĐCSTQ hỗ trợ nhắm vào các thể chế dân chủ và nghị sĩ Anh.

Ngày 26/3 Chính phủ New Zealand cho hay Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia của họ đã kết luận, vụ xâm nhập năm 2021 vào Văn phòng Cố vấn Pháp lý Nghị viện và Bộ Dịch vụ Nghị viện New Zealand là do một nhóm tin tặc Trung Quốc khác có tên APT40.

Sau đó, Ngoại trưởng Winston Peters nói rằng, New Zealand đã lên tiếng với Bắc Kinh về hoạt động tấn công mạng này. Ông nói trong một thông cáo báo chí: “Sự can thiệp của nước ngoài kiểu này là không thể chấp nhận được, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc (ĐCSTQ) không tiếp tục thực hiện các hoạt động như vậy”.