Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết sẽ duy trì hoặc tăng viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới, và sẵn sàng đối đầu với các đối thủ quốc tế “không phải bằng sự những lời hùng biện khoa trương mà bằng chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ”.

Embed from Getty Images

Sự ủng hộ của chính phủ Anh đối với Ukraine vẫn không thay đổi, bất chấp những bất ổn trong những tháng gần đây khi Anh liên tiếp thay đổi thủ tướng, từ ông Boris Johnson sang bà Liz Truss và sau đó là ông Sunak.

Dù vậy, một số đảng viên Đảng Bảo thủ nhận thấy, ông Sunak ít có xu thế đối đầu với Trung Quốc hơn bà Truss – mặc dù cuộc gặp dự kiến ​​giữa ông Sunak và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng này ở Bali đã thất bại. Hồi tuần trước, London còn cấm sử dụng camera an ninh do Trung Quốc sản xuất tại các tòa nhà văn phòng chính phủ nhạy cảm.

“Dưới sự lãnh đạo của tôi, chúng tôi sẽ không chọn giữ nguyên hiện trạng. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ khác đi,” ông Sunak cho biết trong đoạn trích bài phát biểu do văn phòng của ông công bố về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của mình.

Tân Thủ tướng Anh nêu rõ, các ưu tiên của ông sẽ là “tự do, cởi mở và pháp quyền”.

Về Ukraine, ông Sunak chỉ ra rằng, không có sự thay đổi nào với chính sách mà ông Johnson và bà Truss theo đuổi.

Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng Ukraine cho đến chừng nào còn có thể. Chúng tôi sẽ duy trì hoặc tăng cường viện trợ quân sự vào năm tới. Và chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ mới cho lực lượng phòng không của họ.”

Hồi tháng 9, Anh tuyên bố họ là nhà tài trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Hoa Kỳ, cung cấp khoản viện trợ 2,3 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ USD) trong năm nay.

Ngoài ra, ông Sunak nhận định, Anh cần thực hiện cách tiếp cận dài hạn giống như các đối thủ cạnh tranh của mình (tuy nhiên ông không nêu tên trực tiếp trong phần trích dẫn bài phát biểu); và rằng Anh nên thực hiện “một bước nhảy vọt mang tính cách mạng” trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của mình.

“Điều đó có nghĩa cần xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ hơn ở trong nước – bởi vì đó là nền tảng sức mạnh của chúng ta ở nước ngoài. Và điều đó cũng có nghĩa là cần phải trụ vững trước các đối thủ cạnh tranh của chúng ta, không phải bằng những lời hùng biện khoa trương, mà bằng chủ nghĩa thực dụng mạnh mẽ,” ông nhấn mạnh.

Trước đây, ông Sunak từng mô tả Trung Quốc là một “thách thức mang tính hệ thống” và là “mối đe dọa quốc gia lớn nhất đối với an ninh kinh tế của chúng ta”.

Minh Ngọc (Theo Reuters)