Phó Chủ tịch Đảng Quốc gia Thái Thống nhất (UTN) Thanakorn Wangboonkongchana hôm thứ Hai (15/5) nói rằng ông nghĩ đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sẽ không tiếp tục sự nghiệp chính trị sau khi UTN đã thất bại trong cuộc tổng tuyển cử hôm 14/5.

Ông ấy chưa đề cập đến việc đó nhưng tôi nghĩ ông có thể phải dừng lại”, ông Thanakorn nói với truyền thông địa phương về tương lai chính trị của ông Prayut Chan-o-cha.

Kết quả bầu cử sơ bộ do Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố cho thấy các đảng đối thủ của UTN là Đảng Tiến về Phía trước (MFP) và Pheu Thai đã giành hai vị trí đứng đầu trong cuộc đua vào Hạ viện Thái Lan được tổ chức hôm 14/5.

MFP về nhất với 152 ghế, Pheu Thai đứng thứ hai với 141 ghế. Trong khi, UTN do ông Prayut Chan-o-cha lãnh đạo chỉ về thứ năm với 36 ghế.

Ông Thanakorn bày tỏ ủng hộ và ngưỡng mộ ông Prayut, vị đại tướng về hưu 69 tuổi và đã làm thủ tướng hơn 8 năm.

Ông ấy đã làm việc cho đất nước này trọn đời. Ông đã làm thủ tướng khoảng 8 năm. Tôi tin người dân Thái trên toàn quốc biết ông đã làm nhiều việc cho đất nước và rằng ông không bao giờ bị hoen ố thanh danh bởi bất cứ điều gì, không tham nhũng chút nào”, ông Thanakorn nói.

Tôi tin rằng ít nhất Tướng Prayut vẫn sẽ vẫn ở trong tim người dân Thái một thời gian dài”, ông Thanakorn nói thêm.

Tướng Prayut trở thành thủ tướng vào năm 2014 sau khi lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được bầu dân chủ của bà Yingluck Shinawatra.

Chính quyền quân sự của ông Prayut đã điều hành đất nước Thái Lan gần 5 năm sau đó mới tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019 theo một bản hiến pháp mới do ủy ban được quân đội chỉ định soạn thảo.

Vào thời điểm đó, Tướng Prayut là ứng viên thủ tướng duy nhất của Đảng Palang Pracharat thân quân đội. Đảng này đã nỗ lực thành lập chính phủ với các đồng minh chính trị bất chấp đảng chiếm đa số tại Hạ viện khi đó là Pheu Thai.

Tướng Prayut tham gia cuộc tổng tuyển cử hôm 14/5 với hy vọng sẽ tiếp tục cầm quyền sau hơn 8 năm tại nhiệm.

Hôm thứ Ba (16/5), đương kim thủ tướng Thái Lan đã trả lời phỏng vấn giới truyền thông tại Tòa nhà Chính phủ và khi được hỏi liệu ông sẽ tiếp tục sự nghiệp chính trị, ông đáp: “Không bình luận”.

Tướng Prayut sau đó xuất hiện trong một video do UTN phát hành. Ông đã gửi lời cảm ơn người dân đã đi bỏ phiếu hôm 14/5 và cam kết tiếp tục duy trì các nguyên tắc của đảng.

Những lá phiếu mà quý vị bầu cho chúng tôi khiến chúng tôi rất ấm lòng, cho dù chúng không đủ để cho phép chúng tôi tiếp tục làm mọi thứ chúng tôi đã đang làm”, ông Prayut nói.

Đảng của chúng tôi xác nhận rằng chúng tôi sẽ luôn duy trì đường lối và tư tưởng của đảng, trong đó sẽ bảo vệ quốc gia, tôn giáo, nền quân chủ và người dân cho dù chúng tôi ở địa vị nào hoặc vai trò nào. Đây là lời hứa”, ông Prayut cam kết.

Trong khi đó, ông Pita Limjaroenrat lãnh đạo và ứng viên thủ tướng của Đảng Tiến về Phía trước hôm 14/5 đã loan báo rằng ông đã có đủ sự ủng hộ từ các đồng minh để thành lập chính phủ đa số.

Theo ông Pita Limjaroenrat, liên minh do ông thành lập bao gồm 5 đảng đối lập là MFP, Pheu Thai, Prachachat, Thai Sang Thai và Seri Ruam Thai cùng một đảng mới thành lập là Fair Party.

Liên minh 6 đảng nêu trên có tổng cộng 310 ghế Hạ viện, chiếm đa số trong tổng 500 ghế.

Tuy nhiên, vẫn chưa chắn MFP có thể thực sự thành lập được chính phủ tiếp theo và ai sẽ giữ vai trò thủ tướng.

Theo hiến pháp Thái Lan do quân đội sửa đổi, cả Hạ viện và Thượng viện sẽ bầu chọn thủ tướng. Một ứng viên thắng cử khi nhận được số phiếu quá bán của lưỡng viện.

Các thượng nghị sĩ hiện tại do Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) chọn và chỉ định vào năm 2019. NCPO là chính phủ quân sự do Tướng Prayut lãnh đạo được thành lập sau cuộc đảo chính năm 2014.

Như vậy MFP cần phải có ít nhất 376 phiếu của cả hai viện hoặc từ Hạ viện để ông Pita trở thành tân thủ tướng và thành lập chính phủ mới.

Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2019, 249 trong số 250 thượng nghị sĩ của Thượng viện đã bỏ phiếu bầu Tướng Prayut làm thủ tướng Thái Lan.

Hải Đăng (Theo CNA)