Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 4/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 301.189 ca mắc COVID-19 mới và 4.223 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 225.877.103 ca, trong đó có khoảng 4.565.461 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Cortex-film/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 4/10, thế giới có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 720.994 ca tử vong trong tổng số 44.609.503 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 4409.300 ca tử vong trong số trên 33.851.00 ca. Brazil đứng thứ 3 với 598.152 ca tử vong trong số 21.478.546 ca.

Hàn Quốc gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với tàu du lịch quốc tế từ tháng 3/2022

Tại Hàn Quốc, ngày 4/10, giới chức cảng Incheon thông báo sẽ gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với tàu du lịch quốc tế từ tháng 3/2022, hơn 2 năm sau khi lệnh trên được áp đặt đối với tàu du lịch. Chính phủ Hàn Quốc áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với các tàu hạng sang vào tháng 2/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi phát hiện 130 ca bệnh trên một tàu du lịch được cách ly ngoài khơi bờ biển Nhật Bản gần thành phố Yokohama.

Đức: Nhiều bang bắt đầu nới lỏng hạn chế

Tại Đức, nhiều bang bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó có quy định đeo khẩu trang tại trường học để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục liên bang Anja Karliczek khuyến cáo nếu dỡ bỏ hoàn toàn các quy định về bắt buộc đeo khẩu trang, các trường cần đảm bảo tiếp tục thực hiện các xét nghiệm COVID-19 và thậm chí là tăng tần suất xét nghiệm nhằm đề phòng nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại môi trường có nhiều rủi ro này.

EMA phê chuẩn tiêm liều vắc-xin bổ sung của Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi

Ngày 4/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã chính thức phê chuẩn tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) vắc-xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, cơ quan này cũng nhất trí rằng liều tăng cường vắc-xin của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Trong tuyên bố của mình, EMA nêu rõ có thể xem xét tiêm mũi thứ 3 này cho người trên 18 tuổi và thời gian tiêm là tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2. Với những người bị suy giảm miễn dịch, EMA khuyến cáo nên tiêm mũi thứ 3 của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech ít nhất 28 ngày sau mũi thứ 2. Tuy nhiên, cơ quan trên cũng khẳng định quyết định cuối cùng liên quan đến mũi tiêm bổ sung phải do cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia đưa ra.

Hiện một số nước như Mỹ, Anh và Israel đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm liều bổ sung. Ở Ý, mũi vắc-xin bổ sung đã được triển khai tiêm cho người có sức đề kháng kém, người cao tuổi và các nhân viên y tế, tổng số lên tới khoảng 9 triệu người.

Malaysia: Học sinh trở lại trường sau 6 tháng học trực tuyến

Tại Malaysia, ngày 4/10, khoảng 143.000 học sinh trên toàn quốc, ngoại trừ 2 bang là Kedah và Johor, đã quay trở lại trường học sau khoảng 6 tháng gián đoạn học tập hoặc học trực tuyến do tác động của đại dịch COVID-19.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia, Tiến sĩ Radzi Jidin, cho biết việc đưa học sinh trở lại trường cũng là để hệ thống giáo dục hoạt động trở lại. Về phía phụ huynh, bên cạnh những phản ứng tích cực cũng có một số ý kiến cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để cho các em học sinh trở lại trường học do còn lo ngại tình hình COVID-19. Tuy nhiên, theo ông Radzi phụ huynh có quyền lựa chọn cho con đi học trực tiếp hoặc để các em ở nhà học trực tuyến nhưng cần thông báo trước cho nhà trường.

Chương trình Tiêm chủng Quốc gia ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên, với mục tiêu đến tháng 11 tới sẽ tiêm ít nhất một mũi cho 60% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12- 17 và tiêm đầy đủ cho 80% số này trước khi đến mùa tựu trường năm học mới 2022-2023.

Thái Lan bắt đầu tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi

Thái Lan ngày 4/10 bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ em với mục tiêu bao phủ hơn 5,04 triệu học sinh trên toàn quốc để chuẩn bị cho học kỳ mới bắt đầu từ tháng 11.

Bộ Giáo dục đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho học sinh từ 12 -18 tuổi bằng vắc-xin Pfizer. Đây là loại vắc-xin đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt để sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi, trong bố cảnh nhiều trường học trên cả nước đang hy vọng có thể mở cửa trở lại. Học sinh tại 29 tỉnh trong vùng “đỏ sẫm”thuộc diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa sẽ được tiêm chủng trước và sau đó sẽ mở rộng ra các vùng khác trên cả nước.

Bộ trên cũng đang xem xét tiêm một mũi duy nhất trong bối cảnh lo ngại về một dạng viêm cơ tim hiếm gặp sau khi có tin về một trường hợp như vậy ở Mỹ. Cho đến nay, chỉ có một ca duy nhất như vậy được ghi nhận ở Thái Lan, đó là một cậu bé 13 tuổi, hiện đang hồi phục trong bệnh viện.

Thư ký thường trực Bộ Giáo dục, ông Supat Jampathong cho biết một cuộc khảo sát của cơ quan này cho thấy hơn 90% phụ huynh trên toàn quốc sẵn sàng cho con em mình đi tiêm chủng. Đến nay, 33.047 học sinh, tương đương 88,2% học sinh tại các trường thuộc quyền quản lý của Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA), đã đăng ký tiêm vắc-xin.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: