Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 6/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 662.241 ca mắc COVID-19 mới và 9.620 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 199.856.179 ca, trong đó có khoảng 4.134.924 người thiệt mạng.

c
(Ảnh: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 6/8, thế giới có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Tại Mỹ, quốc gia này đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong. Số ca nhiễm ở Mỹ nhiều hơn của tất cả các nước Nam Mỹ cộng lại, hiện đã là 36.427.873 ca, trong khi số ca tử vong của nước này bằng 1/7 thế giới, hiện là 632.608 ca. Sau khi biến chủng Delta bùng phát, Mỹ một lần nữa trở thành tâm dịch thế giới, với số ca mắc mới trên 100.000 ca mỗi ngày.

Brazil đứng thứ 2 về số ca tử vong (561.762 ca) còn Ấn Độ đứng thứ 2 về số ca nhiễm (trên 31.861.000 ca). Bộ Y tế Ấn Độ ngày 6/8 ghi nhận 44.643 ca mới và 464 ca tử vong. Đây là số ca mới theo ngày cao nhất trong 1 tháng qua.

Tại Nhật Bản, chính quyền vùng thủ đô Tokyo cho biết khu vực này đã ghi nhận 4.515 ca mới, trong khi đó tỉnh Osaka cũng chứng kiến con số buồn khi có tới 1.310 ca mới trong bối cảnh mối quan ngại gia tăng về nguy cơ hệ thống y tế tại Nhật Bản bị quá tải. Đây là ngày thứ hai liên tiếp thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mới ở mức cao (một ngày trước là 5.042 ca).

Tại Hàn Quốc, giới chức y tế đã đưa ra cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm thứ 4 ở nước này chưa lên tới đỉnh điểm và các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) đang phải nỗ lực để xử lý số bệnh nhân nặng ngày một tăng. Không giống các làn sóng lây nhiễm trước đây, những bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch lần này ở Hàn Quốc chủ yếu ở độ tuổi dưới 60.

Sau 1 tháng áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất (Cấp độ 4) nhưng vẫn không kiềm chế được sự lây lan của virus corona, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định kéo dài biện pháp hiện tại thêm 2 tuần (đến hết ngày 22/8 tới). Ông Kwon Jun-wook cho rằng những hạn chế này là “cần thiết để ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng ở các bệnh viện do quá tải”.

Tại Anh, Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) thông báo tỷ lệ mắc COVID-19 tại nước này đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 31/7. Theo đó, cứ 75 người lại có 1 người dương tính với virus, trong khi tỷ lệ này cách đó 1 tuần là 1/65 người. Số liệu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy số ca mắc COVID-19 đã giảm từ mức đỉnh vào ngày 17//7 với 54.674 ca. Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo gỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19 bất chấp sự lây lan của biến thể Delta.

Tại Israel, nước này thông báo kết quả sơ bộ cuộc thử nghiệm thuốc dạng hít EXO-CD24 do Trung tâm Y tế Ichilov của Tel Aviv phát triển nhằm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Kết quả thử nghiệm ở 88 bệnh nhân nặng cho thấy không một bệnh nhân nào phải thở máy. Thử nghiệm cũng được thực hiện tại Hy Lạp với 10 bệnh nhân ở tình trạng bệnh vừa và nặng, trong đó có người 85 tuổi. Trong vòng 5 ngày điều trị, đã có 9 người được xuất viện. Thông thường, các bệnh nhân COVID-19 thể vừa và nặng đều có nguy cơ phải nằm viện lâu và đặt nội khí quản. Tuy nhiên, với loại thuốc này, không có bệnh nhân nào cần tới phương pháp này và không có ca tử vong.

Ở một diễn biến khác, theo nguồn tin dẫn từ tờ Bưu điện Jerusalem (The Jerusalem Post) đưa tin, một báo cáo nghiên cứu y tế do Trung tâm Y tế Solaki ở Israel công bố trên tạp chí y tế Retina cho biết, có thể xảy ra tình trạng viêm mắt sau khi tiêm vắc-xin Pfizer-BNT.

Theo báo cáo, trong vòng 2 tuần sau khi tiêm liều vắc-xin Pfizer-BNT đầu tiên, hoặc trong vòng 1 tháng sau liều vắc-xin thứ 2, có 21 người đã xảy ra tình trạng bệnh về mắt, và trong 1 tháng bệnh tình tiến triển thành viêm màng bồ đào. Trong thời gian tiêm vắc-xin, 2 người đã phát triển hội chứng chấm trắng tạm thời (Multiple Evanescent White Dot Syndrome, MEWDS). Dù mẫu nghiên cứu chỉ là những người tiêm chủng Pfizer-BNT, nhưng triệu chứng tương tự cũng thấy ở những người tiêm chủng vắc-xin khác trên thế giới.

Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết các bệnh lý về mắt đều có triệu chứng nhẹ. Giáo sư Zohar Habot-Wilner tại Trung tâm Y tế Solaki ở Israel cho biết, đây là một tình trạng rất hiếm gặp, cần đến khám tại khoa mắt nếu cảm thấy có vấn đề về mắt, hoặc bị đau, đỏ mắt, mờ mắt.

Vắc-xin Pfizer-BNT là vắc-xin mRNA đã được phát hiện là có các tác dụng phụ hiếm gặp: viêm cơ tim (myocarditis) và viêm màng ngoài tim (pericarditis). Vào cuối tháng 6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tuyên bố rằng sau khi tiêm những loại vắc-xin mRNA như Pfizer-BNT, Modena có thể xảy ra tình trạng viêm cơ tim và viêm bao hoạt dịch. Vài ngày sau khi tiêm vắc-xin, hai triệu chứng trên thường xuất hiện ở trẻ nam trên 16 tuổi, và xác suất xuất hiện sau liều vắc-xin thứ 2 cao hơn so với liều đầu tiên.

Ngoài ra, theo dữ liệu của CDC Mỹ có được từ tổng kết tình hình tại nhiều nước chỉ ra: các tác dụng phụ thường xuyên thấy của vắc-xin Pfizer-BNT là: chỗ tiêm bị đau, mẩn đỏ, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, đau khớp, tiêu chảy, sốt; tác dụng thường thấy: phát ban tại chỗ tiêm hoặc nổi mày đay; tác dụng phụ thỉnh thoảng có thấy: sưng hạch bạch huyết, khó chịu, đau cánh tay, mất ngủ, ngứa tại chỗ tiêm, phát ban hoặc ngứa; tác dụng phụ tương đối hiếm: phản ứng dị ứng như xệ nửa mặt tạm thời, nổi mề đay hoặc sưng mặt; tác dụng phụ không rõ: phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Tại Thái Lan, quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước đến nay, trong khi gần 100.000 bệnh nhân ở thủ đô hiện đang thực hiện cách ly tại nhà.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này có thêm 21.379 ca mắc mới COVID-19 và 191 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 714.684 ca, trong đó có 5.854 ca tử vong. Theo Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA), 20% số người sử dụng các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ATK) từ ngày 20/7 đã cho kết quả dương tính với COVID-19.

Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) Apisamai Srirangson chiều 5/8 cho biết số lượng bệnh nhân cách ly tại nhà ở Bangkok – tâm điểm của đợt bùng phát COVID-19 thứ ba – đã lên tới gần 100.000 người tính đến ngày 5/8.

Việc cách ly tại nhà là để đối phó với tình trạng thiếu giường cho các bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện ở Thái Lan. Để hỗ trợ cho các bệnh nhân cách ly tại nhà ở Bangkok, Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) đã thành lập một nhóm gồm 60 người đi xe gắn máy cung cấp thuốc điều trị, dụng cụ y tế, khẩu trang và dung dịch khử trùng cho các bệnh nhân này.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: