Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 7/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 561.000 ca mắc COVID-19 mới và 8.548 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 200.417.179 ca, trong đó có khoảng 4.143.472 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par StreetVJ/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, nước Mỹ dẫn đầu thế giới với 66.961 ca mới; tiếp theo là Brazil (43.033 ca) và Ấn Độ (39.070 ca); Indonesia dẫn đầu về số ca tử vong mới với 1.588 người chết, tiếp theo là Brazil (945 ca) và Nga (793 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 36.516.959 người, trong đó có 632.986 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.933.553 ca nhiễm, bao gồm 427.892 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 20.151.779 ca bệnh và 562.752 ca tử vong.

Biến thể Delta có thể gây viêm cơ tim, tăng nguy cơ tử vong ở người trẻ tuổi

Một nghiên cứu của các chuyên gia tại Australia cho thấy biến thể Delta của virus corona gây bệnh COVID-19 dường như có thể khiến những người trẻ, khỏe mạnh có nguy cơ bị biến chứng tim mạch và làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này.

Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu tim mạch Victor Chang tại Sydney đã tiến hành nghiên cứu về biến thể nguy hiểm này và kết luận một trong những tác dụng phụ mà nó gây ra cho người bệnh là chứng viêm cơ tim.

Giáo sư Jason Kovacic, Giám đốc viện trên và cũng là chủ nhiệm công trình nghiên cứu, cho biết các chuyên gia đang thu thập dữ liệu về mức độ phổ biến của tác dụng phụ này ở các bệnh nhân COVID-19. Theo ông, trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm cơ tim có thể dẫn đến suy tim, gây rối loạn nhịp tim hoặc đột tử. Ngoài ra, biến thể Delta cũng có thể gây ra hiện tượng cục máu đông, thường bắt đầu ở chân và sau đó di chuyển lên tim hoặc phổi. Đáng chú ý là người mắc COVID-19 không cần phải bị bệnh nặng hoặc các bệnh lý tiềm tàng về tim mới bị ảnh hưởng và một số bệnh nhân đã tử vong do những tác dụng phụ này.

Tại Ấn Độ, ngày 7/8, Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya cho biết nước này đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc-xin COVID-19 một liều duy nhất của hãng Johnson & Johnson (J&J). Theo J&J, vắc-xin của hãng sẽ được chuyển đến Ấn Độ thông qua một thỏa thuận cung cấp với nhà sản xuất vắc-xin Biological E Ltd của Ấn Độ.

Đến nay, giới chức y tế Ấn Độ đã phê chuẩn sử dụng vắc-xin của các hãng AstraZeneca (AZN.L), Bharat Biotech, Viện Gamaleya của Nga và hãng Moderna (MRNA.O).

Hiện virus corona đã lây lan đến hơn 202 triệu người trên thế giới và cướp đi sinh mạng của hơn 4,2 triệu người. Biến thể Delta, được ghi nhận đầu tiên tại Ấn Độ, đang đe dọa những nơi có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh thấp và hệ thống y tế đang quá tải. Ấn Độ ghi nhận trung bình 30.000 – 40.000 ca nhiễm mới mỗi ngày kể từ tháng 7. Chính phủ liên bang cảnh báo dù con số này đã giảm bớt rất nhiều so với mức 400.000 ca/ngày vào thời điểm đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 2, những nguy hiểm vẫn chưa qua.

Tại Nhật Bản, cùng ngày, quốc gia này đã bắt đầu xem xét khả năng tiêm liều vắc-xin nhắc lại cho người dân vào năm tới hay không. Xét đến khả năng hiệu quả của vắc-xin giảm dần theo thời gian và nhu cầu ứng phó với các biến thể virus có khả năng lây nhiễm cao, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiến hành nghiên cứu, đồng thời nỗ lực đảm bảo nguồn cung ít nhất 200 triệu liều vắc-xin trong năm 2022. Chính phủ sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này sau khi đánh giá tình hình lây nhiễm dịch bệnh và cách các nước khác triển khai tiêm liều vắc-xin tăng cường (liều thứ 3).

Do các nước có những đánh giá khác nhau về tính cần thiết của việc tiêm liều vắc-xin tăng cường, Nhật Bản sẽ thu thập dữ liệu về các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở nước ngoài. Không chỉ nghiên cứu sự cần thiết mà Nhật Bản còn sẽ nghiên cứu xem có nên cho phép tiêm liều nhắc lại bằng một loại vắc-xin khác với loại đã được tiêm trong 2 liều trước đó hay không.

Trong khi đó, ngày 6/8, giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của nước này nhiễm biến thể Lambda. Bệnh nhân Nhật Bản là nữ, khoảng 30 tuổi, trở về từ Peru ngày 20/7 và nhập cảnh tại sân bay Haneda.

Biến thể Lambda được phát hiện đầu tiên tại Peru vào tháng 8/2020 và đang lan rộng ở Nam Mỹ. So với chủng thông thường, biến thể này có thể lây nhiễm mạnh hơn và có khả năng cao kháng vắc-xin phòng bệnh.

Giới khoa học đang cảnh báo thế giới đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của đại dịch COVID-19, khi làn sóng dịch thứ ba đang tạo ra mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các biến thể mới dễ lây lan và có khả năng kháng vắc-xin.

“Những biến thể đáng quan ngại” theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được đặt tên theo các chữ cái Hy Lạp Alpha, Beta, Gamma và Delta, đều xuất hiện vào nửa cuối năm 2020, mặc dù phải mất một thời gian để chúng lây lan rộng hơn. Danh sách “những biến thể cần quan tâm” tiếp theo, được cho là có khả năng lây lan hoặc kháng vắc-xin cao hơn, gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda.

Tại Thụy Sĩ, Geneva sẽ là bang đầu tiên của nước này yêu cầu người lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội phải có chứng chỉ COVID-19 hợp lệ hoặc thực hiện kiểm tra thường xuyên. Quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 23/8. Quy định được áp dụng cho nhân viên của các cơ sở y tế nội trú công và tư nhân, viện dưỡng lão cho người già, người tàn tật, các tổ chức trợ giúp tại nhà và các trung tâm chăm sóc ban ngày dành cho người cao tuổi.

Giấy chứng nhận sức khỏe chứng minh một người đã tiêm vắc-xin, phục hồi sau khi nhiễm COVID-19 hoặc không mắc COVID-19. Nếu không có giấy này, nhân viên sẽ phải được kiểm tra thường xuyên. Thụy Sĩ đang chứng kiến số ca bệnh tăng mạnh, phần lớn là do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm chủng, chủ yếu ở nhóm 10-29 tuổi. Samia Hurst, Phó chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Khoa học Quốc gia COVID -19 cảnh báo về một làn sóng dịch bệnh khác ở Thụy Sĩ, thậm chí còn lớn hơn mùa thu năm ngoái.

Tại Indonesia, các ca nhiễm mới đang bắt đầu giảm trên đảo chính Java nhưng lại lan nhanh ra các khu vực khác, thúc đẩy làn sóng người dân đổ xô tiêm vắc-xin trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế.

Gần một nửa số ca nhiễm mới hàng ngày hiện được ghi nhận bên ngoài đảo Java, nơi tập trung khoảng 60% dân số Indonesia .

Quốc gia vạn đảo đang đứng trước nguy cơ tình hình dịch xấu đi khi virus lan ra những khu vực xa, nới có hệ thống y tế thiếu thốn và tỉ lệ tiêm vắc-xin thấp.

Trong khi đó, thủ đô Jakarta bắt đầu yêu cầu người dân xuất trình bằng chứng đã tiêm chủng khi ra khỏi nhà. Thống kê cho thấy khoảng 78% dân số Jakarta đã được tiêm chủng ít nhất một liều. Tại Đông Kalimantan, nơi ca nhiễm mới đang gần bằng Jakarta, mới chỉ 15% dân số được tiêm liều đầu.

Chính phủ Indonesia lúc này đứng trước khó khăn lớn phải mở rộng các khu vực tiêm chủng để ngăn chặn làn sóng dịch lây lan do biến thể Delta. Hiện tại, chỉ khoảng 8% trong tổng số 270 triệu dân Indonesia được tiêm chủng đầy đủ, so với trên 50% ở Mỹ. Một cuộc khảo sát của chính phủ được thực hiện vào tháng 7 cho thấy hầu hết người Indonesia muốn tiêm vắc-xin COVID-19.

Tại Singapore, dù số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày chưa có chiều hướng giảm mạnh nhưng Singapore vẫn quyết định nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trước thời hạn đặt ra trước đó là ngày 18/8, bắt đầu mở cửa nền kinh tế theo “4 giai đoạn” và chấp nhận “sống chung” với COVID-19, dù tỷ lệ nhiễm hay tử vong có thể gia tăng.

Số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại “đảo quốc sư tử” vẫn duy trì bình quân khoảng 100 ca/ngày trong tuần qua, trong đó có từ 30-40 ca nhiễm không rõ nguồn gốc, dù nước này đã và đang thắt chặt các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 22/7 vừa qua. Tuy nhiên, lực lượng đặc trách COVID-19 ngày 6/8 cho biết, nước này sẽ bắt đầu giai đoạn 1, được gọi là “giai đoạn chuẩn bị”, của tiến trình mở cửa nền kinh tế theo 4 giai đoạn, từ ngày 10/8 tới đây, với ưu tiên nới lỏng hạn chế cho nhóm người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin.

Cụ thể, các hoạt động ăn uống tại chỗ, thể dục trong nhà,… sẽ được nối lại cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin, giới hạn 5 người/nhóm; nâng công suất tham dự các sự kiện lớn, các hoạt động tín ngưỡng lên 500 người (nếu chưa tiêm chỉ được 50 người). Số người tại các điểm công cộng như bảo tàng, thư viện, các điểm tham quan du lịch, rạp phim,… sẽ tăng lên 50 người. Từ ngày 19/8, 50% số lao động đang phải làm việc tại nhà sẽ được phép trở lại công sở và việc đo nhiệt độ tại các điểm công cộng cũng sẽ bãi bỏ.

Cũng trong “giai đoạn chuẩn bị” này, từ ngày 10/8, Singapore quyết định sẽ mở cửa đường biên giới, cho phép nhập cảnh đối với những người mang thẻ lao động và người đi theo, kể cả đến từ các nước thuộc diện “nguy cơ cao”, nếu đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin, bất kể loại nào trong danh mục vắc-xin được WHO cấp phép.

Tại Thái Lan, nước này lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 vượt 200 ca/ngày, trong khi vùng tâm dịch thủ đô đang tăng cường các biện pháp đối phó với sự gia tăng của các ca mắc mới.

Bộ Y tế Thái Lan sáng 7/8 cho biết nước này có thêm 212 ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này từ trước tới nay lên 6.066 ca. Thái Lan cùng ngày ghi nhận thêm 21.838 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 736.522 ca, trong đó có 517.012 ca đã bình phục.

Trong khi đó, thủ đô Bangkok – tâm điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ ba ở Thái Lan – đang tăng cường các biện pháp để đối phó với sự gia tăng các ca nhiễm. Người phát ngôn Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) Pongsakorn Kwanmuang cho biết BMA đã đánh giá tình hình COVID-19 và quyết định tăng cường các biện pháp để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và ứng phó với sự gia tăng các ca nhiễm.

Theo ông Pongsakorn, BMA sẽ ban hành những hạn chế để giảm sự di chuyển của người dân, tăng giường bệnh để đáp ứng các trường hợp có triệu chứng vừa và nặng và tăng tiến độ tiêm chủng, đặc biệt là đối với người già, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh nền. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ chuyển vắc-xin COVID-19 đến 25 điểm tiêm chủng do BMA điều hành vào thứ 2 hàng tuần trong suốt tháng 8.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: