Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 28/12, thế giới ghi nhận thêm khoảng 1.142.366 ca mắc COVID-19 mới và 6.053 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 264.270.384 ca, trong đó có khoảng 5.040.965 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Mongkolchon Akesin/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 270.188 ca; Pháp đứng thứ hai với 179.807 ca; tiếp theo là Anh (129.471 ca). Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.511 người thiệt mạng trong ngày; tiếp theo là Nga (935 ca) và Ba Lan (549 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 54.098.854 người, trong đó có 841.698 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.808.067 ca nhiễm, bao gồm 480.320 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 22.254.706 ca bệnh và 618.705 ca tử vong.

WHO cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải do biến thể Omicron

Ngày 28/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng biến thể Omicron có thể khiến hệ thống y tế bị quá tải cho dù những nghiên cứu trước đây cho rằng biến thể mới này có thể gây ra các ca mắc COVID-19 ở thể nhẹ hơn.

Bà Catherine Smallwood – cán bộ cấp cao thuộc Văn phòng WHO khu vực châu Âu nêu rõ: “Sự lây lan nhanh của biến thể Omicron… thậm chí nếu kết hợp với các ca mắc COVID-19 ở thể nhẹ hơn, vẫn sẽ dẫn tới một số lượng lớn bệnh nhân nhập viện, nhất là ở những người chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19”. Bà nhấn mạnh tình trạng này sẽ gây ra sự gián đoạn trên diện rộng trong hệ thống y tế cũng như các dịch vụ quan trọng khác.

WHO đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng do biến thể Omicron.

Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm đi lại với 8 quốc gia Nam Phi

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/12 thông báo gỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh lần đầu tiên được áp dụng đối với 8 quốc gia miền Nam châu Phi sau khi khu vực này xuất hiện biến thể Omicron. Quyết định này sẽ có hiệu lực vào lúc 12 giờ 01 phút sáng 31/12 (theo giờ bờ Đông của Mỹ).

Trong một diễn biến liên quan, trang theo dõi các chuyến bay Flightaware ngày 28/12 ghi nhận gần 2.500 chuyến bay đã bị hủy tại Mỹ, trong khi tổng số chuyến bay trên thế giới bị hoãn vào ngày 28/12 lên tới gần 5.200 do mối lo ngại của giới chức y tế cũng như các hãng hàng không về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.

Nga chuẩn bị ứng phó với diễn biến xấu sau kỳ nghỉ năm mới

Cục trưởng Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người của Nga Rospotrebnadzor, bà Anna Popova, ngày 28/12 cảnh báo sau kỳ nghỉ năm mới, tình hình đại dịch COVID-19 ở Nga có thể xấu đi và điều này đòi hỏi sự chuẩn bị sẵn sàng ở tất cả các cấp của hệ thống y tế.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, mức độ vô hiệu hóa của vắc-xin Nga Sputnik V đối với biến thể Omicron là rất cao. Ông nhấn mạnh: “Tôi đã trao đổi với người đứng đầu Viện Gamaleya, Giám đốc Alexander Gintsburg, họ đã tiến hành nghiên cứu và chính xác là Sputnik V có thể vô hiệu hóa Omicron. Ông ấy nói với tôi rằng chỉ bệnh viện mới có thể đưa ra câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi ở mức độ nào, nhưng mức độ trung hòa là rất cao”. Tổng thống Putin lưu ý rằng khả năng bảo vệ của vắc-xin Sputnik V là khoảng 90%.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 29/12 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga là 10.437.152, trong đó có 306.090 trường hợp tử vong.

Israel cảnh báo sắp xảy ra đợt lây nhiễm “chưa từng có”

Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 28/12 cảnh báo quốc gia Trung Đông này đang tiến gần tới một làn sóng lây nhiễm COVID-19 “chưa từng có” do biến thể Omicron gây ra.

Phát biểu trên đài phát thanh Kan Bet, ông Bennett nói: “Chúng ta đã tiến rất gần một cơn bão lây nhiễm. Nó sẽ xảy ra và chúng ta không thể ngăn chặn”. Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Israel đã siết chặt các quy định giãn cách xã hội để ngăn chặn biến thể Omicron, bao gồm việc kiểm tra nghiêm ngặt chứng nhận tiêm chủng đối với người ra vào các trung tâm thương mại.

Theo thông báo của Bộ Y tế Israel, số ca mắc mới COVID-19 ngày 27/12 đã vượt 2.000 ca và biến thể Omicron chiếm 50% tổng số ca mắc COVID-19 đang điều trị tại nước này.

Cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo nước này sẽ gỡ bỏ lệnh cấm đi lại đối với 55 quốc gia. Theo bộ trên, quyết định nới lỏng này, cần được nội các và một ủy ban của quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12.

Đức mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 

Phát biểu trước báo giới ngày 28/12, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết chính phủ nước này đã quyết định mua 1 triệu liệu trình thuốc Paxlovid từ hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Theo Bộ trưởng Karl Lauterbach, Paxlovid rất được kỳ vọng vì khi được sử dụng sớm, thuốc này có thể làm giảm các biến chứng nghiêm trọng do virus gây ra. Với loại thuốc này, Bộ Y tế Đức hy vọng sẽ có thể ngăn ngừa nhiều ca bệnh nặng do COVID-19. Theo kế hoạch, trong tháng 1/2022, Đức sẽ tiếp nhận những lô thuốc đầu tiên. Theo Bộ trưởng Lauterbach, để Paxlovid có thể được sử dụng tại Đức ngay khi nhận được, ông đã đề xuất thủ tục phê duyệt khẩn cấp.

Trước đó, ngay trước Giáng sinh, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã phê duyệt khẩn cấp loại thuốc điều trị COVID-19 Paxlovid. Theo FDA, đây là loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên ở Mỹ có thể được dùng dưới dạng viên nén. Các bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên có các triệu chứng nhẹ đến trung bình và có nguy cơ cao trở nên trầm trọng hơn, có thể được điều trị với loại thuốc này.

Nhật Bản xem xét tiêm mũi bổ sung cho toàn dân

Ngày 28/12, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố chính phủ nước này sẽ cân nhắc việc tiêm mũi bổ sung vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân “nhiều nhất có thể” do lo ngại về biến thể Omicron.

Trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh chính phủ sẽ đảm bảo triển khai đầy đủ các biện pháp phòng dịch để người dân có thể cảm thấy an toàn khi vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể Omicron. Trong tuyên bố, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh ngoài 31 triệu nhân viên y tế và người lớn tuổi, chính phủ sẽ xem xét tiêm mũi thứ 3 cho nhiều người nhất có thể. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, thông qua việc duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới hiện nay. Ông cho biết sẽ đánh giá kỹ lưỡng tình hình dịch bệnh trong dịp cuối năm và kỳ nghỉ lễ năm mới trước khi đưa ra các điều chỉnh mới.

Mặc dù Nhật Bản vẫn chưa ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron tăng lên, song chính phủ nước này vẫn đang cảnh giác cao độ, khi cấm khách nước ngoài nhập cảnh, tiến hành xét nghiệm PCR miễn phí và xét nghiệm kháng thể tại một số khu vực như thủ đô Tokyo, nơi đã ghi nhận các ca nhiễm biến thể mới trong cộng đồng.

Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc viên Molnupiravir và 2 loại vắc-xin

Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc viên Molnupiravir của hãng dược Merck để điều trị bệnh COVID-19 cùng 2 loại vắc-xin Covovax và Corbevax lần lượt của Viện Serum và hãng Biological E.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết 13 công ty của nước này được cấp phép sản xuất thuốc viên Molnupiravir dùng trong điều trị người trưởng thành mắc COVID-19. Trước đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin một ủy ban chuyên gia, thuộc Cơ quan giám sát tiêu chuẩn thuốc trung ương, đã khuyến nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc Molnupiravir cùng các loại vắc-xin Covovax và Corbevax.

Hiện Ấn Độ cũng đang nỗ lực tăng nguồn cung ôxy và cơ sở vật chất y tế để kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron. Ấn Độ đã tiêm 1,43 tỷ liều vắc-xin phòng COVID-19, với hơn 839 triệu người trưởng thành đã tiêm ít nhất 1 mũi. Nước này dự định bắt đầu tiêm mũi bổ sung cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu từ ngày 10/1/2022 và mở rộng chiến dịch tiêm phòng ra độ tuổi từ 15 – 18 từ ngày 3/1.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: