Ngày 7/7, Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 của Hoa Kỳ đã ra phán quyết, vụ kiện cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Cisco đặt tại California tạo điều kiện cho chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại tàn bạo Pháp Luân Công có thể được đưa ra xét xử.

Embed from Getty Images

Các học viên Pháp Luân Công, một nhóm tín ngưỡng bị chính quyền Trung Quốc bức hại nặng nề kể từ năm 1999, đã nộp đơn kiện Cisco cùng với hai cựu giám đốc điều hành của công ty này, CEO lâu năm John Chambers và Phó Chủ tịch của Cisco phụ trách về Thị trường Trung Quốc lúc đó Fredy Cheung, vào năm 2011. Đơn kiện cáo buộc rằng Cisco đã cung cấp công nghệ để giúp các quan chức cộng sản Trung Quốc xây dựng một mạng lưới giám sát rộng lớn nhằm xác định và theo dõi các học viên Pháp Luân Công, tạo điều kiện cho chính quyền Trung Quốc bắt giữ và tra tấn họ sau đó.

Đảo ngược quyết định bác bỏ vụ kiện của tòa án khu vực cấp dưới vào năm 2014, tòa phúc thẩm liên bang tuyên bố, các cáo buộc của các nguyên đơn là thích đáng để vụ kiện được tiếp tục xét xử.

Viết trong phần ý kiến đa số 2 – 1 về việc khôi phục vụ kiện, Thẩm phán Khu vực Hoa Kỳ Marscha Berzon nhấn mạnh: “Chúng tôi kết luận rằng các cáo buộc của các nguyên đơn, được chấp nhận là đúng, là thích đáng để đưa ra khiếu nại hợp lý rằng Cisco đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thiết yếu cho [chính quyền Trung Quốc] “đấu tranh” chống lại Pháp Luân Công với nhận thức rằng những vi phạm luật pháp quốc tế về tra tấn, giam giữ tùy tiện, mất tích, và giết người phi pháp về cơ bản là có khả năng xảy ra.” “Đấu tranh” đề cập đến một thuật ngữ Trung Quốc được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng trong các chiến dịch chính trị bạo lực nhằm xúi giục người dân chống lại những người mà ĐCSTQ coi là kẻ thù

Thẩm phán Berzon nhận định, các hành động của Cisco, nhiều hành động diễn ra trên đất Mỹ, cấu thành tội danh “hỗ trợ và tiếp tay” cho các hành vi lạm dụng của chính quyền Trung Quốc.

Terri Marsh, giám đốc điều hành của Tổ chức Luật Nhân quyền và là luật sư chính của các nguyên đơn, đã ca ngợi diễn biến mới này là một bước đi tích cực để kiềm chế chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của Bắc Kinh.

Phát biểu với tờ The Epoch Times, Luật sư Marsh lưu ý: “Thông điệp này rất rõ ràng: Các công ty Hoa Kỳ và các quan chức điều hành của họ không thể tiếp tục vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc mà không bị trừng phạt. Họ phải chịu trách nhiệm. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm.”

Các nguyên đơn, trích dẫn các tài liệu tiếp thị của Cisco được tìm thấy trên các trang web ở Trung Quốc và các nơi khác, cáo buộc rằng Cisco đã chủ ý hành động chứ không phải là một tổ chức thương mại vô tình bán các sản phẩm cho Trung Quốc. Đơn kiện cáo buộc, với mong muốn giành được thị trường công nghệ trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc, Cisco đã tự tiếp thị sản phẩm của mình nhắm mục tiêu vào những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc và trở thành người hỗ trợ cho chính quyền Trung Quốc đàn áp tàn bạo đức tin của người dân. Cisco đã thiết kế và phát triển một hệ thống giám sát toàn diện với công nghệ và nhân tài của Hoa Kỳ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường to lớn của Trung Quốc.

Hệ thống giám sát mà các nguyên đơn đề cập đến có tên gọi là “Lá chắn Vàng” (Golden Shield). Đây là nền tảng giám sát dựa trên dữ liệu của bộ máy an ninh Trung Quốc có thể truy cập trên toàn quốc ở Trung Quốc. Các nguyên đơn cáo buộc rằng Cisco đã thiết kế, chế tạo, và cung cấp hỗ trợ quan trọng để  thực hiện và sau đó tinh chỉnh dự án Lá chắn Vàng vào thời điểm mà chính quyền Trung Quốc chưa có khả năng để tự phát triển hệ thống giám sát này.

Theo các nguyên đơn, ngoài phần mềm được chế tạo theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc, Cisco cũng cung cấp việc thử nghiệm và liên tục “đào tạo kỹ năng” và “đào tạo kỹ thuật” cho các đặc vụ Trung Quốc có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công để họ có thể sử dụng thành thạo công nghệ này.

Hồ sơ tòa án nêu rõ, từ trụ sở chính của minh ở thành phố San Jose của bang California, Cisco đã thiết kế và sản xuất các thành phần chính như chip mạch tích hợp dành cho dự án Lá chắn Vàng, và “Cisco đã cố tình đưa các nhận diện đặc trưng cụ thể của Pháp Luân Công vào trong các bản nâng cấp phần mềm an ninh theo định kỳ để đảm bảo các hoạt động và cá nhân của Pháp Luân Công bị nhận diện, ngăn chặn, theo dõi và đàn áp.”

Sản phẩm do Cisco cung cấp là một hệ thống giám sát có thể theo dõi các hoạt động trên internet của các học viên Pháp Luân Công  trong thời gian thực để xác định, vây bắt và tra tấn các thành viên của nhóm tín ngưỡng này. Các nguyên đơn cáo buộc, hệ thống này cũng xây dựng hồ sơ chi tiết và được cập nhật liên tục về các học viên Pháp Luân Công mà chính quyền đã biết và những người bị nghi ngờ là học viên Pháp Luân Công mà các nhân viên an ninh Trung Quốc có thể truy xuất dữ liệu ở bất cứ nơi đâu trong nước, bao gồm cả vị trí, gia đình, và địa chỉ liên lạc của họ. Hệ thống này đã hỗ trợ chính quyền Trung Quốc vây bắt các học viên và cưỡng ép họ từ bỏ đức tin của mình. 

Tất cả 13 nguyên đơn, bao gồm một công dân Mỹ, cho biết, họ đã bị nhận diện thông qua công nghệ Lá chắn Vàng là những người tham gia các hoạt động liên quan đến Pháp Luân Công trên mạng và đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ trong nhiều tháng đến nhiều năm. Trong thời gian bị giam giữ, họ đã bị tra tấn tàn bạo.

Thẩm phán Berzon viết: “Sự tra tấn về thể xác mà các nguyên đơn phải chịu đựng khi bị giam giữ và trong khi bị cầm tù tại các trại cưỡng bức lao động bao gồm bị đánh đập bằng các thanh thép và bị sốc điện bằng dùi cui điện, không cho ngủ, bị ép ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài ở những tư thế đau đớn, và bị bức thực tàn bạo.”

Bà lưu ý, các nhà chức trách Trung Quốc bị cáo buộc đã sử dụng thông tin lưu trữ trong hệ thống Lá chắn Vàng như công cụ để gây áp lực tinh thần lên các học viên Pháp Luân Công trong các buổi tra tấn.

Thẩm phán Berzon cũng nhấn mạnh rằng Cisco bị cáo buộc đã liên tục viện dẫn luận điệu của ĐCSTQ về Pháp Luân Công. Viết cho hội đồng thẩm phán, bà lưu ý, Cisco bị cáo buộc đã tiếp thị các dịch vụ của mình là hữu ích đế “đấu tranh” chống lại Pháp Luân Công trong các triển lãm thương mại đầu những năm 2000 ở Bắc Kinh, và một buổi đào tạo của Cisco vào năm 2012 bị cáo buộc đã sử dụng các từ “virus” và  “bệnh dịch” để mô tả Pháp Luân Công, “phản ánh tuyên truyền của Đảng [Cộng sản Trung Quốc]”.

Các quan chức của Cisco chưa trả lời yêu cầu bình luận của tờ The Epoch Times.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)