Hôm thứ Sáu (2/2), Tòa án cấp cao nhất của Liên Hợp Quốc ra phán quyết rằng họ sẽ xét xử vụ án trong đó Kyiv yêu cầu tòa án tuyên bố nước này không phạm tội diệt chủng ở miền đông Ukraine, điều mà Nga từng xem là cái cớ để tấn công nước láng giềng của mình.

Ukraine đã đưa vụ việc lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), còn được gọi là Tòa án Thế giới, vài ngày sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine trong tháng 2/2022.

Hôm thứ Sáu (2/2), các thẩm phán nhận định rằng tòa có thẩm quyền xét xử chỉ một phần nhỏ của vụ án ban đầu. Các thẩm phán đã bác bỏ yêu cầu của Ukraine về việc đưa ra phán quyết liệu cuộc xâm lược của Nga có vi phạm Công ước Diệt chủng năm 1948 hay không. Thay vào đó, hội đồng gồm 16 thẩm phán tuyên bố họ sẽ ra phán quyết ở giai đoạn sau, về việc liệu Ukraine có phạm tội diệt chủng tại khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine hiện do Nga chiếm đóng hay không.

Đại diện của Ukraine, ông Anton Korynevych, nói với các nhà báo tại ICJ rằng: “Điều quan trọng là tòa án sẽ quyết định về vấn đề Ukraine không chịu trách nhiệm đối với một số vụ diệt chủng hoang đường mà Liên bang Nga cáo buộc sai lầm rằng Ukraine đã phạm phải”.

Ông nói thêm rằng điều quan trọng là lệnh khẩn cấp của tòa án vào tháng 3/2022 – trong đó yêu cầu Nga ngay lập tức dừng các hoạt động quân sự ở Ukraine – vẫn còn hiệu lực.

Mặc dù các phán quyết của ICJ là có tính ràng buộc về mặt pháp lý tuy nhiên không có cách nào để thực thi chúng, và một số quốc gia như Nga đã phớt lờ chúng.

Trong phiên điều trần vào tháng 9/2023, các luật sư của Moscow đã kêu gọi thẩm phán bác bỏ toàn bộ vụ án, cho rằng lập luận pháp lý của Kyiv là có lỗ hổng và tòa án không có thẩm quyền xét xử.

Hôm thứ Sáu (2/2), các thẩm phán đã chấp nhận một số lập luận phản đối của Nga nhưng vẫn cho phép Ukraine yêu cầu tòa án phán quyết rằng không có “bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy Ukraine đang phạm tội vi phạm Công ước diệt chủng” tại miền đông nước này.

Có thể phải mất nhiều tháng để vụ án được xét xử một chính xác.

Trước đây, Ukraine khẳng định rằng không có nguy cơ diệt chủng ở miền đông Ukraine, nơi họ đã chiến đấu với các lực lượng do Nga hậu thuẫn kể từ năm 2014.

Ukraine đã giành được một chiến thắng nhỏ khác tại ICJ hôm thứ Tư (31/1) khi thẩm phán kết luận Nga đã vi phạm các hiệp ước của Liên Hợp Quốc về chống tài trợ cho khủng bố và phân biệt đối xử, trong một vụ kiện khác liên quan đến các sự việc từ năm 2014.