Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm thứ Sáu (30/6) đã ra phán quyết bãi bỏ kế hoạch gây tranh cãi của Tổng thống Joe Biden về việc xóa bỏ một phần các khoản vay sinh viên.

Sáu thẩm phán cánh hữu bảo thủ gồm Chánh án John Roberts cùng các thẩm phán Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, và Amy Coney Barrett bỏ phiếu vô hiệu hóa chương trình xóa nợ sinh viên của Chính quyền Biden, trong khi ba thẩm phán cánh tả cấp tiến gồm Sonia Sotomayor, Elena Kagan, và Ketanji Brown Jackson bỏ phiếu ủng hộ chương trình.

Tổng thống Joe Biden vào tháng 8/2022 đã công bố kế hoạch xóa nợ sinh viên gây tranh cãi và bị những người phê bình lên án rằng đó là chương trình thiếu minh bạch về mặt pháp lý nhằm giúp Đảng Dân chủ giành lợi thế trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11/2022. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cho biết kế hoạch xóa nợ này có thể gây tổn thất 400 tỷ USD, nhưng Trường Wharton ước tính thậm chí con số thiệt hại vượt quá 1 nghìn tỷ USD.

Với chương trình xóa nợ sinh viên này, mỗi người vay trong tổng cộng 40 triệu người vay sẽ được hủy 20.000 USD tiền vay gốc.

Chánh án John Roberts trong bản ý kiến đa số do ông viết tuyên bố rằng Bộ Giáo dục của Chính quyền Biden “không có thẩm quyền đối với kế hoạch của Bộ chiếu theo các công cụ diễn giải luật thông thường chứ chưa nói đến ‘thẩm quyền quốc hội rõ ràng’ đối với một chương trình như vậy”.

Tối cao Pháp viện phán quyết rằng Nhà Trắng tức Chính quyền Biden không có thẩm quyền đơn phương xóa bỏ hàng trăm tỷ USD nợ vay sinh viên mà không có sự tham gia nào của quốc hội.

Chính quyền Biden trước đó đã lập luận rằng tổng thống có quyền xóa nợ sinh viên theo bộ luật giáo dục hiện hành.

CNBC dẫn lời chuyên gia giáo dục Mark Kantrowitz tuyên bố rằng khoảng 14 triệu người sẽ được xóa nợ sinh viên hoàn toàn nếu Tối cao Pháp viện không đưa phán quyết ngăn chặn chương trình này.

Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết nêu trên khi xem xét hai vụ án: một vụ do các tổng chưởng lý tiểu bang kiện chính quyền liên bang và một vụ khác do hai người vay nợ tư nhận được doanh nghiệp Job Creators Network (JCN) đại diện kiện Bộ Giáo dục liên bang vì cho rằng Bộ bác bỏ không hợp lý cơ hội của họ tham gia vào tiến trình đóng góp ý kiến công khai và họ thúc giục Bộ cần thực hiện chương trình xóa nợ lớn hơn.

Tối cao Pháp viện phán quyết các tổng chưởng lý tiêu bang có cơ sở kiện, trong khi hai người vay nợ cá nhân thì không.

Tổng chưởng lý Mike Hilgers (Đảng Cộng hòa) của tiểu bang Nebraska đã hoan nghênh phán quyết của Tối cao Pháp viện.

Ông Mike Hilgers phát đi tuyên bố nói rằng phán quyết của tòa án tối cao liên bang “đã ngăn chặn nỗ lực ngoạn mục của Chính quyền Biden nhằm thâu tóm quyền lực… đó là một lời nhắc nhở kịp thời rằng Tổng thống không phải là vua”.

Ông ta phải làm việc với và không được bỏ qua Quốc hội. Tối cao Pháp viện đã tái khẳng định nguyên tắc phân chia quyền lực vốn đã được áp dụng từ thời lập quốc chúng ta và nguyên tắc đó đã đang giúp bảo vệ tự do trong gần 250 năm qua. Và nhờ vào quyết định hôm nay, người nộp thuế đã tiết kiệm được gần 500 tỷ USD”, ông Mike Hilgers nói thêm.

Trong khi đó, Bà Abby Shafroth của Trung tâm Luật Người tiêu dùng Quốc gia bày tỏ rằng quyết định của Tối cao Pháp viện là “gây thất vọng cùng cực”.

Quyết định đó là sai về luật và đe dọa tới an ninh tài chính của hàng triệu người Mỹ có thu nhập thấp vốn đang phải vật lộn với các khoản vay nợ sinh viên vượt quá khả năng chi trả”, bà Abby Shafroth nói.

Tổng thống Biden trong khi bực tức về thất bại pháp lý mới nhất đã dự định sẽ loan báo một kế hoạch xóa nợ sinh viên khác.

Quyết định hôm nay đã khép lại một con đường và bây giờ chúng ta sẽ theo đuổi một con đường khác”, ông Biden nói.