Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ đến thăm nước này vào ngày 28/2 trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước.

Embed from Getty Images

(Ông Alexander Lukashenko – Tổng thống Belarus/Ảnh: Getty Images)

Ông Lukashenko là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Moscow. Belarus phụ thuộc vào nước láng giềng Nga cả về tài chính và chính trị.

Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Trung Quốc phát biểu: “Nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 28/2 đến ngày 2/3.”

Tháng Chín năm ngoái, ông Tập và ông Lukashenko đã công bố quan hệ đối tác chiến lược khi họ gặp nhau tại thành phố Samarkand của Uzbekistan.

Một năm trước, Belarus, quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine và Nga, đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của mình làm bệ phóng tấn công Ukraine. Hồi đầu tháng này, ông Lukashenko khẳng định rằng Belarus đã sẵn sàng thực hiện điều đó một lần nữa.

Trong nhiều tháng liền, Kiev đã bày tỏ lo ngại rằng Belarus có thể tham chiến cùng với Nga. Mối đe dọa tiềm ẩn này buộc Ukraine phải chuyển binh lính sang bảo vệ vùng lãnh thổ phía bắc trong khi vẫn tiếp tục cuộc chiến với với Nga ở phía đông và nam.

Trong một cuộc điện đàm hôm 24/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã trao đổi với người đồng cấp Belarus Sergei Aleinik rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Minsk (thủ đô Belarus) để tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước.

Ông Tần hứa hẹn với ông Aleinik rằng Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Belarus trong việc duy trì sự ổn định quốc gia, và sẽ phản đối những nỗ lực can thiệp của “các thế lực bên ngoài” vào công việc nội bộ của Belarus hoặc những nỗ lực áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương “bất hợp pháp” lên nước này.

Riêng vào ngày 24/2, theo một kênh truyền thông xã hội liên kết với dịch vụ báo chí của nhà lãnh đạo Belarus, ông Lukashenko đã có một cuộc đối thoại dài với người đồng cấp Nga Putin. Tuy nhiên các chi tiết đã không được tiết lộ.

Điện Kremlin vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về cuộc đối thoại.

Đề xuất hòa bình của Trung Quốc

Hôm 24/2, Trung Quốc công bố một tài liệu gồm 12 mục liên quan đến chiến tranh Nga – Ukraine,  trong đó kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình khẩn cấp và một “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Được ban hành cùng với dịp kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, tài liệu của Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên “ủng hộ Nga và Ukraine thống nhất theo cùng một hướng và nối lại đối thoại trực tiếp càng nhanh càng tốt”.

Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelenskyy hoan nghênh một số điểm trong bản đề xuất của Trung Quốc, tuy nhiên khẳng định rằng chỉ có quốc gia đang bị gây chiến mới nên là quốc gia đề xuất kế hoạch hòa bình.

Tổng thống Zelenskyy cho hay ông đang lên kế hoạch gặp ông Tập, và nhận định rằng tài liệu của Bắc Kinh dường như cho thấy “có thái độ tôn trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và các vấn đề an ninh của chúng tôi”.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của ông Zelenskyy, đã tuyên bố rằng bất kỳ kế hoạch nào nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine đều phải dẫn đến việc Moscow rút quân khỏi vùng biên giới Ukraine được xác lập vào năm 1991 – thời điểm Liên bang Xô viết sụp đổ.

Hãng tin AFP hôm 25/2 đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo ông sẽ thăm Trung Quốc vào “đầu tháng Tư”, và kêu gọi Bắc Kinh “giúp chúng tôi gây sức ép với Nga” để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Ông Macron nhận định hòa bình chỉ có thể xảy ra nếu “cuộc xâm lược của Nga bị chặn lại, quân đội rút đi và chủ quyền lãnh thổ của Ukraine cũng như người dân của họ được tôn trọng”.

Ông phát biểu: “Thực tế việc Trung Quốc đang tham gia vào các nỗ lực hòa bình là một điều tốt, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh ‘không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho Nga’”.

Ông Macron cũng tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh nhằm “gây áp lực lên Nga để đảm bảo nước này không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học hoặc vũ khí hạt nhân và chấm dứt hành vi gây hấn trước các cuộc đàm phán”.

Vy An (Theo Aljazeera)