Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự cam kết “không thể lay chuyển” đối với an ninh của Israel tại sự kiện chiêu đãi ở Nhà Trắng hôm thứ Hai (11/12), đánh dấu ngày lễ Hanukkah của người Do Thái. Ông cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Tây Jerusalem trong xung đột với Hamas, nhóm chiến binh Palestine tại Gaza.

GettyImages 1841165823 scaled
Tổng thống Joe Biden phát biểu tại tiệc chiêu đãi Hanukkah ở Phòng phía Đông của Nhà Trắng vào ngày 11 tháng 12 năm 2023 tại Washington, DC. (Ảnh: Jacquelyn Martin – Pool/Getty Images)

Hoa Kỳ vẫn là đồng minh quan trọng nhất của Israel trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra và các cuộc bắn phá của Israel vào Gaza, gây ra sự lên án rộng rãi trong thế giới Hồi giáo. Theo cơ quan y tế địa phương, các cuộc tấn công đã dẫn đến thương vong nặng nề cho dân thường với hơn 18.000 người thiệt mạng, hơn 50.000 người bị thương. 

Hôm thứ Hai (11/12), ông Biden đã chỉ trích sự gia tăng “ghê gớm” của chủ nghĩa bài Do Thái ở Mỹ và trên toàn thế giới trong bối cảnh xung đột. Ông nói: “Chúng ta thấy điều đó trên khắp các cộng đồng, trường học, trường cao đẳng và mạng xã hội” và nói thêm rằng “im lặng là đồng lõa”.

Phát biểu với các nhà lập pháp gốc Do Thái và những người tham dự khác, tổng thống nói rằng ông “cam kết với sự an toàn của người Do Thái và an ninh của Israel, quyền tồn tại như một quốc gia Do Thái độc lập, là không thể lay chuyển”. Ông thề sẽ “tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Israel đến khi họ tiêu diệt được Hamas”. Ông cũng nói thêm rằng cả Washington và Tây Jerusalem phải cẩn thận để không gây phản cảm với “dư luận thế giới”.

Cuối tuần qua (10/12), chính quyền Biden đã bỏ qua thẩm quyền của Quốc hội về viện trợ quân sự cho Israel và cấp phép khẩn cấp cho việc bán đạn xe tăng trị giá 106,5 triệu USD cho Tây Jerusalem. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng đang vật lộn để giành được sự chấp thuận của Quốc hội về khoản chi tiêu bổ sung cho an ninh trị giá 106 tỷ USD, trong đó có 14,3 tỷ USD dành cho Israel.

Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông cảm thấy có một mối liên hệ “không thể diễn tả” giữa ông với cộng đồng Do Thái. “Tôi đã gặp rắc rối và bị chỉ trích khi tôi nói cách đây vài năm rằng bạn không cần phải là người Do Thái để trở thành một người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, và tôi là một người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”, ông nói trước khoảng 800 người.

Tuần trước, Mỹ là thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phủ quyết một nghị quyết khẩn cấp kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp ở Gaza. Thứ Sáu tuần trước (8/12), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết “có nguy cơ xảy ra chết đói nghiêm trọng”, ông đề cập rằng có 97% hộ gia đình ở phía bắc Gaza và 83% người dân di dời ở miền nam “không đủ ăn”.

Bất chấp sự phản đối của Mỹ, Israel và 8 quốc gia khác, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (12/12) đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức với 153 phiếu ủng hộ và 23 phiếu trắng. Nghị quyết này không mang tính ràng buộc phải thực hiện nhưng có sức nặng chính trị, phản ánh quan điểm toàn cầu về cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang diễn ra.

Israel đã phát động chiến dịch quân sự ở Gaza để đáp trả cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào ngày 7 tháng 10 khiến khoảng 1.200 người Israel, chủ yếu là dân thường thiệt mạng. Hơn 240 người bị phiến quân bắt làm con tin.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đáp trả bằng các vụ đánh bom lớn vào vùng đất của người Palestine, sau đó là một chiến dịch trên bộ. Theo ước tính mới nhất của Bộ Y tế Gaza, số người chết ở vùng đất liên quan đến hành động của Israel đã vượt quá 18.400 người, phần đông là phụ nữ, trẻ em và người già. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 1,9 triệu trong tổng số gần 2,4 triệu người dân tại Gaza đã phải di tản do các cuộc tấn công của Israel.

Anh Nguyễn, theo RT