Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong cuộc trả lời phỏng vấn với nhà báo Fareed Zakaria của CNN hôm Chủ Nhật (23/7), đã đổ lỗi cuộc phản công bị trì hoãn và tiến triển chậm chạp cho sự bủn xỉn của phương Tây về cung cấp vũ khí và huấn luyện.

Chúng tôi đã lên kế hoạch bắt đầu cuộc phản công này trong mùa xuân. Nhưng chúng tôi đã không làm được, bởi vì, thẳng thắn mà nói, chúng tôi đã không có đủ đạn và vũ khí và không có đủ đội quân được huấn luyện sử dụng thành thạo các vũ khí này”, ông Zelensky giải thích và nói thêm rằng việc đặt các cơ sở huấn luyện ở bên ngoài Ukraine càng làm gia tăng sự trì hoãn.

Ông Zelensky cho rằng chính sự trì hoãn đó đã cho phép Nga “đặt mìn trên tất cả lãnh thổ của chúng tôi và xây dựng các phòng tuyến”, buộc quân đội Ukraine phải “làm chậm hơn các hoạt động phản công”.

Chúng tôi không muốn hy sinh người dân và binh sĩ”, ông Zelensky cho hay và cũng nói: “Binh sĩ của chúng tôi không muốn thiệt hại khí tài quân sự vì điều đó”.

Ông Zelensky cũng đưa ra những lý do tương tự khi phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm thứ Sáu (21/7), giải thích rằng Ukraine đã muốn tiến hành phản công vào mùa xuân nhưng đã quyết định không thực hiện vì thiếu đạn và huấn luyện. Tuy nhiên, ông ám chỉ rằng chiến thắng sẽ đến sớm khi quân đội Ukraine hoàn thành việc phá dỡ bom mìn. Ông Zelensky đổ lỗi sự keo kiệt của phương Tây đã cho phép Nga có thời gian đặt mìn và củng cố phòng tuyến.

Truyền thông phương Tây đã xác nhận tiến trình phản công chậm của Ukraine. New York Times đầu tháng này đưa tin rằng quân đội Ukraine đã mất 20% vũ khí trong hai tuần đầu phản công. Financial Times và Washington Post tháng này cũng đưa tin rằng phương Tây và Mỹ đều bày tỏ lo lắng về việc cuộc phản công của Ukraine tiến triển chậm dù Kyiv đã hứa sẽ giáng đòn quyết định lên quân Nga.

Mặc dù các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh rằng còn quá sớm để kết luận cuộc phản công của Ukraine là “thất bại”, nhưng họ vẫn từ chối cung cấp cho Kyiv tên lửa ATACMS tầm xa hoặc phi cơ chiến đấu F-16. Lầu Năm Góc giải thích rằng họ trì hoãn cung cấp cho Ukraine những khí tài tối tân đó đơn giản là vì không có thời gian và tiền huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng và duy tu vũ khí kịp thời để tạo sự khác biệt trong trận chiến.

Tuy vậy, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNN hôm Chủ Nhật (23/7), nói rằng Ukraine đã lấy lại được 50% lãnh thổ mà Nga đã chiếm được ban đầu, nhưng Kyiv sẽ đối mặt “trận chiến rất khó khăn” để giành thêm lãnh thổ.

Họ đã lấy lại được khoảng 50% những gì bị chiếm ban đầu”, ông Blinken nói trên CNN.

Đây vẫn chỉ là những ngày đầu của cuộc phản công. Trận chiến này là khó khăn”, ông Blinken nói và cho biết thêm: “Trận chiến này sẽ không có kết quả trong một hoặc hai tuần tới. Chúng tôi vẫn đang quan sát và tôi nghĩ phải mất nhiều tháng”.

Khi được hỏi về việc liệu Ukraine sẽ nhận được phi cơ chiến đấu F-16 hay không, ông Blinken nói ông tin họ sẽ nhận được, nhưng nói thêm rằng: “Điều quan trọng cần tập trung là phải đảm bảo chắc chắn rằng khi họ nhận được vũ khí đó, họ được huấn luyện phù hợp, họ có thể duy tu máy bay, và sử dụng chúng một cách thông minh”.

Theo Reuters, liên minh 11 nước sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine điều khiển chiến đấu cơ F16 trong tháng Tám tới tại Đan Mạch và một trung tâm huấn luyện nữa sẽ được mở ra tại Romania.

Trong khi đó, theo Pravda, Tổng thống Zelensky đã loan báo chuẩn bị nhận các gói hỗ trợ mới từ các đối tác, trong đó sẽ có các hệ thống phòng không, pháo và vũ khí tầm xa.

Chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho tuần tới. Sẽ có nhiều sự kiện khác biệt mà chắc chắn sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine… Chúng tôi cũng đang chuẩn bị nhận những gói hỗ trợ mới từ các đối tác – mọi thứ giúp việc đánh bại quân khủng bố Nga đến gần hơn. Thêm phòng không cho Ukraine, thêm pháo và thêm vũ khí tầm xa. Công thức để kết thúc cuộc chiến tranh này là rõ ràng: Mọi thứ phụ thuộc vào sự đoàn kết và quyết tâm của tất cả những ai trân quý tự do, văn hóa và cuộc sống”, Pravda dẫn lời ông Zelensky.

Ukraine đã đang nhận được viện trợ quân sự khổng lồ từ Mỹ và đồng minh phương Tây trong suốt 18 tháng qua. Chỉ riêng Mỹ tính đến nay đã viện trợ cho Ukraine 46,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, khi chiến sự tại Ukraine kéo dài, Mỹ và phương Tây đã bắt đầu cho thấy sự rệu rã và không ít lần các quan chức của họ công khai nói về tình trạng thiếu đạn và sản xuất không kịp nhu cầu. Trong khi, công chúng tại các quốc gia phương Tây cũng đang đặt dấu hỏi về tính đúng đắn của việc hỗ trợ cho Ukraine và ngày càng nhận thấy đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đầy rủi ro giữa phương Tây với Nga, quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Hải Đăng