Một báo cáo mới phát hành gần đây nhận định, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ nên phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, đặc biệt là các nước ở Đông Nam Á, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng địa chính trị ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

shutterstock 1408706489
Đối đầu Mỹ Trung (Ảnh: fukomuffin/ Shutterstock)

Báo cáo được thực hiện dưới sự hợp tác giữa tổ chức tư vấn Atlantic Council có trụ sở tại Washington và Đại học Denver. Bản báo cáo có tiêu đề “Cạnh tranh Trung – Mỹ: Đo lường ảnh hưởng toàn cầu” dài 38 trang đã so sánh các yếu tố có thể định lượng được giữa hai quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh. Những yếu tố này bao gồm lượng hàng hóa được giao dịch và vũ khí được chuyển giao, cũng như tư cách thành viên tổ chức liên chính phủ được chia sẻ. Sau đó sẽ tiến hành lập bảng nhằm so sánh sức ảnh hưởng của Trung Quốc và Hoa Kỳ đối với các quốc gia khác trong giai đoạn từ 1960 đến 2020.

Báo cáo cho hay, năm 1992, Bắc Kinh chỉ ảnh hưởng tới khoảng 33 quốc gia, trong khi con số này ở Hoa Kỳ là 160 quốc gia. Suốt ba chính quyền liên tiếp của Hoa Kỳ – dưới thời các Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama – tổng số của các quốc gia mở cửa chào đón sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ không ngừng giảm xuống, cho đến tận thời Tổng thống Donald Trump xu hướng này mới đảo ngược, bất chấp việc ông Trump đã công khai rút lui khỏi một số tổ chức đa phương.

Cụ thể, số quốc gia chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 158 nước vào cuối thời chính quyền Clinton năm 2001. Con số này tiếp tục giảm xuống còn 141 nước dưới thời TT Bush, khi có tới 17 quốc gia đã nghiêng về hướng chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Đến thời Obama, có thêm 4 quốc gia trở nên cởi mở hơn với ảnh hưởng của Bắc Kinh, khiến tổng số nước chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ xuống con số 137. Mãi đến chính quyền Trump, xu hướng trượt này mới đảo ngược, và phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ trở lại con số 140 quốc gia.

Trong cùng khoảng thời gian đó, số quốc gia chịu ảnh hưởng của chính quyền cộng sản Trung Quốc tăng từ con số 33 năm 1989 lên đến 67 vào năm 2012, xuyên suốt thời hai cựu lãnh đạo Trung Quốc là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Kể từ năm 2012, khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, số quốc gia chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh giảm xuống còn 61, tính đến cuối năm 2020.

Cho dù Hoa Kỳ vẫn giữ được vị thế dẫn đầu về tầm ảnh hưởng toàn cầu so với Trung Quốc, nhưng về cơ bản, ĐCSTQ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể tại nhiều khu vực trên thế giới.

Bản báo cáo nhấn mạnh: “Đáng chú ý nhất là sự xói mòn trong sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ so với sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại hầu hết các khu vực toàn cầu [vào năm 2020].”

“Sức ảnh hưởng của Trung Quốc lớn hơn sức ảnh hưởng của Mỹ tại phần lớn khu vực châu Phi và Đông Nam Á, đồng thời gia tăng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc cũng đã làm xói mòn lợi thế của Hoa Kỳ ở Nam Mỹ, Tây Âu và Đông Á.”

Indonesia được xếp vào danh sách một trong những quốc gia ngày càng cởi mở hơn với ảnh hưởng của Bắc Kinh. Trước khi chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc vào năm 2011, quốc gia Đông Nam Á này được coi là sân sau của Hoa Kỳ từ năm 1960 đến năm 2010. Các quốc gia khác bao gồm Pakistan, Ghana và Ethiopia.

Báo cáo giải thích: “Ở mỗi quốc gia nói trên, các công cụ kinh tế đắc lực của Trung Quốc góp phần lớn tạo nên những thành tựu này”.

Cũng theo bản báo cáo, đại dịch COVID-19 đang diễn ra đã “đẩy nhanh hơn nữa tốc độ thu được những lợi ích này của Trung Quốc, với các đối tác mới và hiện đang không ngừng gia tăng sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc”.

Chính quyền Trung Quốc đã và đang tận dụng khả năng sản xuất vật tư y tế, bao gồm khẩu trang và vắc-xin cho hoạt động ngoại giao, trong nỗ lực xóa bỏ những chỉ trích quốc tế về phản ứng yếu kém của họ vào thời điểm bắt đầu đại dịch, bao gồm cả việc che giấu thông tin ban đầu về dịch bệnh và không cho phép các nhà điều tra một cách minh bạch.

Một báo cáo gần đây của Liên đoàn Nhà báo Quốc tế cho thấy, khi các quốc gia nhận viện trợ y tế COVID-19 từ Trung Quốc, các bài báo trên truyền thông đại chúng của các nước này đều đăng tải các bài viết với quan điểm có lợi cho ĐCSTQ.

Ngoài ra, báo cáo còn khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ nên thúc đẩy Nhật Bản trở thành thành viên chính thức của liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes), hợp tác chặt chẽ với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đàm phán một hiệp định thương mại ưu đãi giữa Hoa Kỳ và ASEAN, và duy trì quan hệ an ninh với Indonesia và Thái Lan.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: