Một số hình ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy có sự xuất hiện mô hình với thiết kế giống một tàu sân bay và các tàu khu trục của Hoa Kỳ trên một sa mạc Taklamakan ở miền Tây Trung Quốc, và rất có khả năng được sử dụng làm mục tiêu trong huấn luyện quân sự.

Theo Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI), những hình ảnh này do hãng công nghệ Maxar Technologies có trụ sở tại Colorado chụp lại. Từ trên cao nhìn xuống, mô hình này giống với tàu sân bay của Mỹ, cùng ít nhất 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke. Chúng được xác định nằm giữa một thao trường của quân đội Trung Quốc giữa sa mạc Taklamakan, thuộc huyện Nhược Khương, khu tự trị Tân Cương, gần địa điểm nước này từng thử nghiệm tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21D lần đầu tiên vào năm 2013.

USNI tuyên bố: “Phạm vi mới này cho thấy Trung Quốc tiếp tục tập trung vào khả năng chống tàu sân bay, trong đó chú trọng đến các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ.”

Trước đây, Iran cũng đã từng sử dụng các mô hình tàu giả của Mỹ, bao gồm cả sự kiện làm nổ một mô hình tàu sân bay của Mỹ trong cuộc tập trận quân sự ở eo biển Hormuz. Nhưng theo USNI, cơ sở thử nghiệm của Trung Quốc phức tạp hơn.

“Không giống như mục tiêu mô hình tàu sân bay mà Hải quân Iran sử dụng ở Vịnh Ba Tư, cơ sở mới cho thấy mục tiêu được thiết kế hết sức tinh vi.” 

Dựa trên những hình ảnh mới ghi lại hệ thống đường ray tại bãi thử, một số mô hình tàu giả được sử dụng làm mục tiêu di chuyển cho tên lửa của Trung Quốc.

Trung Quốc ngày càng tập trung phát triển quân sự vào các khả năng chống tàu sân bay như tên lửa chống hạm tầm trung và tên lửa siêu thanh. Quốc gia này hiện đang duy trì lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với khoảng 355 tàu so với 297 tàu của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có 20 tàu sân bay, trong khi Trung Quốc chỉ có hai. Do đó, Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào khả năng chống tàu sân bay.

Theo một báo cáo mới của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Bắc Kinh đang đầu tư cụ thể vào khả năng “được thiết kế để ngăn chặn và gây nguy hiểm cho các tàu sân bay của đối phương  khi chúng nằm cách bờ biển Trung Quốc trong vòng 1.500 km [930 dặm].”

Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lực lượng hải quân lên 420 tàu vào năm 2025 và 460 tàu vào năm 2030. Phần lớn số tàu tăng thêm sẽ là các loại tàu tác chiến mặt nước chủ lực có khả năng trang bị tên lửa hành trình chống hạm tiên tiến.

Ngoài ra, báo cáo của Quỹ Di sản (Heritage Foundation) vào tháng 10 đã nêu bật sự chênh lệch ngày càng tăng giữa hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc. Báo cáo đánh giá điểm năng lực tổng thể của Hải quân Hoa Kỳ là “yếu”; năng lực và sự sẵn sàng của lực lượng này là “yếu” và có xu hướng yếu đi nữa. 

Theo Dakota Wood, một thành viên cấp cao tại Quỹ  Di sản có trụ sở tại Washington, một lý do cho điều này là Hoa Kỳ đã đánh giá quá cao khả năng tận dụng các tàu sân bay của mình. “Thông thường, quý vị sẽ thấy phép so sánh rằng Hải quân Hoa Kỳ sở hữu nhiều tàu sân bay bằng số lượng của [rất nhiều] quốc gia khác cộng lại, nhưng chỉ một phần trăm năng lực hải quân đó là khả dụng vào bất kỳ thời điểm nào, và quý vị phải đưa các tàu sân bay đó ra nước ngoài,” ông Wood nhấn mạnh. 

Dân biểu Cộng hòa Mike Gallagher (tiểu bang Wisconsin) cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự trong hội thảo của Viện Dự án 2049 tập trung vào Ấn Độ – Thái Bình Dương được tổ chức hồi tháng 10. “Tôi rất lo ngại vềviệc chúng ta chưa xây dựng được một lực lượng hải quân lớn hơn,” ông Gallagher nhận định.

Những hình ảnh mới về việc Trung Quốc sử dụng mô hình tàu sân bay Mỹ làm mục tiêu huấn luyện được đưa ra vào thời điểm chế độ cộng sản Bắc Kinh đang đẩy mạnh chiến dịch gây hấn quân sự đối với Đài Loan. Quân đội Trung Quốc đã điều  động số lượng máy bay lên đến con số kỷ lục là 149 chiếc xâm nhập vùng nhận diện phòng không của quốc đảo dân chủ trong khoảng thời gian 4 ngày vào đầu tháng 10.

Giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ sáp nhập đảo Đài Loan vào Đại lục và có thể sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Đáp lại, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định, quốc đảo sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để duy trì lối sống dân chủ của mình.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hồi tháng 10 từng phát biểu, Hoa Kỳ “cam kết” bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xảy ra cuộc xâm lược, cam kết chính sách lâu dài của Hoa Kỳ đối với quốc đảo dân chủ. Tuy vậy, chính quyền của ông sau đó đã chỉnh lại tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng và khẳng định Hoa Kỳ sẽ tuân thủ Đạo luật Quan hệ Đài Loan 1979. 

Đông A (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: