Tờ Financial Times hôm 23/7 đưa tin, Trung Quốc đã tiếp tục đưa ra những cảnh báo riêng đối với chính quyền Biden về khả năng Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8. 

Embed from Getty Images

Báo cáo cho hay những lời cảnh báo mới này của Trung Quốc mạnh hơn đáng kể so với những lời đe dọa mà Bắc Kinh đã đưa ra trong quá khứ khi họ không hài lòng với các hành động hoặc chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tờ Financial Times dẫn lời một số người quen thuộc với tình huống này cho biết cảnh báo riêng này gợi ý một phản ứng quân sự có thể xảy ra.

Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về báo cáo.

Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan nhằm tìm cách gây áp lực lên chính phủ được bầu cử dân chủ ở đó chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh. Chính phủ Đài Loan cho biết tương lai của hòn đảo là do 23 triệu dân của họ tự quyết định, và sẽ tự vệ nếu bị tấn công.

Vào ngày 18/7, tờ Financial Times đưa tin rằng bà Pelosi có kế hoạch đến thăm Đài Loan vào tháng Tám.

Một ngày sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ phá hoại nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu hậu quả của hành động này.

Hôm thứ Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông có kế hoạch nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng. TT Biden cũng không đồng tình về chuyến đi của bà Pelosi đến Đài Loan.

“Tôi nghĩ rằng quân đội cho rằng đó không phải là một ý kiến ​​hay lúc này, nhưng tôi không biết tình trạng của chuyến đi này hiện như thế nào”, ông Biden nói với các phóng viên.

Bắc Kinh đã không nói rõ ràng về các phản ứng có thể xảy ra. Theo phỏng đoán, quân đội của Trung Quốc có thể cố gắng ngăn chặn máy bay chở bà Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan hoặc thực hiện các hành động khác để cản trở chuyến thăm của bà, chẳng hạn như sử dụng máy bay chiến đấu để đánh chặn máy bay quân sự Mỹ.

Một số người cho biết Nhà Trắng đang cố gắng đánh giá xem liệu Trung Quốc có thực hiện vào những hành động thô bạo nhằm gây áp lực buộc bà Pelosi phải từ bỏ chuyến đi của mình hay không.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và các quan chức cấp cao khác của Hội đồng An ninh Quốc gia phản đối chuyến đi vì nguy cơ leo thang căng thẳng qua eo biển Đài Loan.

Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng (NSC) từ chối bình luận về việc liệu chính quyền có thúc giục bà Pelosi hủy chuyến đi hay không. John Kirby, trưởng bộ phận truyền thông chiến lược của NSC, cho biết hôm thứ Sáu rằng nhóm đã cung cấp “bối cảnh, dữ kiện và thông tin địa chính trị liên quan”, và rằng Chủ tịch Hạ viện đã đưa ra quyết định của riêng mình.

Trong một diễn biến khác, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nick Burns đột ngột cắt ngắn chuyến thăm tới Washington trong tuần này và quay trở lại Bắc Kinh, một phần vì lo ngại gia tăng về căng thẳng Đài Loan và cũng để chuẩn bị cho cuộc điện đàm sắp tới giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Trung Quốc đã điều ngày càng nhiều máy bay chiến đấu vào “vùng nhận dạng phòng không” của Đài Loan kể từ khi ông Biden nhậm chức. Vào tháng 5, TT Biden cho biết Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc.

Thời điểm của chuyến thăm của bà Pelosi được cho là nhạy cảm đối với Trung Quốc. Nó sẽ diễn ra cùng tháng với ngày kỷ niệm 1/8 – ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân. Nó cũng có thể trùng hợp với Hội nghị thường niên bí mật của ban lãnh đạo đảng Cộng sản ở khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà, nơi các cán bộ thảo luận về chính sách nhưng đôi khi cũng giải quyết các cuộc tranh giành quyền lực.

Mật nghị năm nay tại Bắc Đới Hà thậm chí còn có tầm quan trọng hơn vì ông Tập sẽ phải đặt cơ sở để đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có của mình, với tư cách là người đứng đầu đảng tại Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.

Nếu vẫn tiến hành chuyến đi, bà Pelosi sẽ là chính trị gia cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ khi người phát ngôn Đảng Cộng hòa Newt Gingrich công du Đài Bắc vào năm 1997. 

Bắc Kinh phản đối bất kỳ động thái nào mang lại tính hợp pháp cho Đài Loan như một quốc gia độc lập hoặc làm cho mối quan hệ với Hoa Kỳ trở nên chính thức hơn.

Văn phòng của bà Pelosi đã không trả lời yêu cầu bình luận về việc liệu bà có thực hiện chuyến đi của mình hay không.

Xuân Lan (theo FT, Reuters)