Trung Quốc tập trung vào “cuộc đua công nghệ” để thắng Mỹ toàn diện
- Hùng Cường
- •
Các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ của Mỹ mới đây đã cảnh báo các nghị sĩ quốc hội rằng Trung Quốc đang gia tăng chiến dịch chủ động đánh cắp và thâu tóm công nghệ Mỹ trong một nỗ lực dài hạn nhằm kiểm soát nền sản xuất tương lai và trở thành siêu cường số một thế giới.
Cảnh báo nêu trên của các chuyên gia công nghệ Mỹ đến trong một buổi điều trần tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hôm 19/7. Các chuyên gia cho rằng chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc đang diễn ra với một “quy mô khổng lồ” bằng cả các cách thức bất hợp pháp như gián điệp mạng, nhưng cũng thông qua các biện pháp hợp lệ mà chính phủ Mỹ đang phải đấu tranh để ngăn chặn.
Nắm được công nghệ Nano, GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ
Tham gia cuộc điều trần tại Hạ viện hôm 19/7, ông Jim Phillips – CEO kiêm Chủ tịch NanoMech, một công ty về công nghệ nano có trụ sở tại bang Arkansas, cho biết Mỹ và Trung Quốc đã bị khóa vào một “cuộc đua mặt trăng” về công nghệ, có ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ.
“Khẳng định chắc chắn rằng bây giờ chúng ta đang rơi vào cuộc chiến tranh toàn diện với Trung Quốc. Đó không phải là một cuộc chiến của bom đạn. Đó là một cuộc chiến tranh không gian mạng, và đó cũng là một cuộc chiến tranh về sản phẩm quốc nội (GDP) và việc làm. Bên nào có GDP và việc làm nhiều nhất, bên đó sẽ là phía chiến thắng rõ ràng”, ông Jim Phillips nói.
Chủ tịch NanoMech nhấn mạnh rằng tất cả các vấn đề và giải pháp trong sản xuất hiện nay nằm ở mức độ nano, và nếu người Trung Quốc có thể đạt được lợi thế về công nghệ nano, họ sẽ thống trị nền sản xuất và vượt xa GDP Mỹ.
Ông Phillips nói: “Tại thời điểm đó, Trung Quốc sẽ có thế giới mới. Nước Mỹ sẽ không còn có một lợi thế tài chính không cân xứng, mang lại cho họ quyền lực đạo đức, kinh tế và lãnh đạo mà họ đang có hiện nay. Khi điều này xảy ra, Mỹ thua cuộc; thế giới thay đổi. Mọi thứ thay đổi. Trung Quốc sẽ không phải sử dụng đến quân đội của họ”.
Đánh cắp công nghệ – chiến lược tăng trưởng cốt lõi của Trung Quốc
Ông Michael Pillsbury, tác giả của cuốn sách “Marathon 100 Năm” và là Giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson, đã nói với Ủy ban Tình báo Hạ viện rằng thâu tóm công nghệ từ các quốc gia khác là “thành phần cốt lõi” trong chiến lược tăng trưởng thành công của Trung Quốc.
Ông Pillsbury cho biết Trung Quốc là là kẻ phạm tội trộm cắp tài sản trí tuệ lớn nhất thế giới, và thường xuyên xâm nhập trái phép vào các thực thể thương mại nước ngoài và đánh cắp tài sản trí tuệ của họ về cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu năm 2017 của Ủy ban về Đánh cắp Tài sản Trí tuệ Mỹ, các hoạt động đánh cắp công nghệ của Trung Quốc đâu đó đã gây thiệt hại cho Mỹ từ 225 tỷ USD tới 600 tỷ USD.
Ông Phillips chia sẻ với các Dân biểu Hạ viện rằng ông đã thức tỉnh về mối đe dọa Trung Quốc sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tới trụ sở của NanoMech và nói cho ông biết về việc công ty của ông liên tục bị dân quân mạng Trung Quốc tấn công, thậm chí lên tới hàng triệu cuộc tấn công mỗi ngày.
Trung Quốc cũng thâu tóm công nghệ hợp pháp?
Các chuyên gia cũng nêu ra một loạt các biện pháp chuyển giao công nghệ hợp pháp mà Trung Quốc đang áp dụng, gây ra một vấn đề lớn cho nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
Ông Michael Brown, đồng sáng lập và là cựu CEO của Symatec đã nói rằng các nhà đầu tư Trung Quốc đang đầu tư vào các nhóm khởi nghiệp tại Mỹ để học hỏi công nghệ mới, tương đương với những gì người Mỹ làm. Điều này giúp chế độ Bắc Kinh phá vỡ các lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và quân đội Trung Quốc thậm chí còn hưởng lợi nhiều công nghệ mới từ Mỹ.
Trung Quốc cũng đang gửi nhiều sinh viên tới nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ, sau đó những người này trở lại Trung Quốc và chia sẻ về những gì họ học được. Ông Brown nói rằng 25% sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực STEM (Khoa khọc, Công nghệ, Cơ khí, Toán học) tại Mỹ là các du học sinh người Trung Quốc. Nhiều người trong số này còn tiếp cận được các khoản tiền tài trợ nghiên cứu của quân đội Mỹ và làm việc trong các phòng thí nghiệm quốc gia. Một số du học sinh trong đó từng là thành viên của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), ông Brown nói.
Có một trường hợp, một nhóm sinh viên Trung Quốc tại Đại học Duke đã đánh cắp nghiên cứu do Không quân Hoa Kỳ tài trợ và sau đó họ khởi sự hai công ty công nghệ thành công ở Trung Quốc, nhắm PLA là khách hàng lớn.
Trung Quốc cũng đã rất nỗ lực trong việc tuyển dụng các nhà khoa học và các tài năng hàng đầu khác của Mỹ tới làm việc tại các công ty Trung Quốc hoặc sang Trung Quốc. Họ mở các “vườn ươm tài năng” công nghệ và các “khu tăng tốc” tại Thung lũng Silicon và Boston.
Theo bà Elsa Kania, trợ giảng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, một số nhà khoa khọc Mỹ nhận tài trợ tiền từ Quân đội Mỹ cũng tham gia vào các phòng thí nghiệm tại Trung Quốc mà các cơ sở này là nơi hỗ trợ phát triển công nghệ dân sự và quân đội hàng đầu của chế độ Bắc Kinh.
Các chuyên gia nói thêm rằng Mỹ nhiều khi cũng đẩy công nghệ cho Trung Quốc miễn phí.
Chẳng hạn, ông Pillsbury cho biết các thỏa thuận của Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) với Trung Quốc cung cấp các khám phá khoa học mới nhất của Mỹ cho Trung Quốc, thông thường chỉ trong vòng 60 ngày kể khi các công trình khoa học hoàn thành.
Ông Phillips nói rằng các trường đại học và các phòng thí nghiệm Mỹ nhận tiền tài trợ hàng tỷ USD của chính phủ Mỹ cũng đang phung phí các công trình khoa học tốt nhất của họ, chỉ vì họ thiếu kinh nghiệm trong việc thương mại hóa các công trình khoa học đó.
Ông Phillips cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan chính phủ đầu tư hàng tỷ USD vào các trường đại học và các phòng thí nghiệm, nhưng các dự án thành công lại không được chuyển tới thị trường đủ nhanh, và đôi khi những nghiên cứu lại phải xuất bản trực tuyến.
“Chúng ta đang công khai những công trình khoa học rất tốt của chúng ta tại các phòng thí nghiệm quốc gia của các trường đại học lên mạng trực tuyến, điều này cho phép các nước khác, ví như Trung Quốc, có thể tiếp cận các công trình này miễn phí và rất dễ dàng”, ông Phillips nhấn mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia nói rằng Trung Quốc cũng ép các công ty Mỹ muốn tiếp cận thị trường của họ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác bản địa.
Ông Pillsbury nói: “Họ đang rất nỗ lực để có được một số công nghệ không gian nhạy cảm nhất của chúng ta và mời gọi người Mỹ đến đầu tư vào các công ty này ở Trung Quốc và khi tới thì mang theo công nghệ cao”.
Cùng với việc ép các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ, chính phủ Trung Quốc cũng đang trợ cấp cho các công ty công nghệ hàng đầu của nước này như Baidu, Alibaba và Tencent, giúp những doanh nghiệp này có được lợi thế không công bằng so với các doanh nghiệp Mỹ đang phải vật lộn với chi phí thiết lập kinh doanh.
“Nhìn riêng rẽ, các thực hành hợp pháp của Trung Quốc có thể trông như không gây hại, nhưng khi đối chiếu kết hợp với những biện pháp triển khai quy mô lớn sẽ xuất hiện bức tranh tổng hợp cho thấy rõ mục đích, bài bản và cam kết thực thi chuyển giao công nghệ với quy mô lớn của chế độ này”, ông Brown nói.
Nước Mỹ phải làm gì để đối phó?
Các chuyên gia công nghệ tham gia buổi điều trần tại Hạ viện nói rằng không dễ để Mỹ ngăn chặn những thực hành thâu tóm công nghệ bất hợp pháp, cũng như hợp pháp của Trung Quốc, bởi vì Washington đã cho phép Bắc Kinh thực hiện điều này tiếp diễn trong suốt 40 năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định chưa quá muộn để đảo ngược tình hình.
Ông Brown, cựu CEO của Symantec, cho biết Mỹ có thể cải thiện các công cụ phòng vệ chống lại đầu tư từ Trung Quốc, ví như bằng cách cải tổ Ủy ban về Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) – cơ quan liên ngành này có nhiệm vụ rà soát các khoản đầu tư tại Mỹ và có thể khuyến cáo chính phủ Mỹ ngăn chặn khi các khoản đầu tư đó được cho là có thể đe dọa tới an ninh quốc gia.
Mỹ cũng có thể trừng phạt mạnh hơn nữa các công ty Trung Quốc đang đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ. Mỹ cũng có thể thay đổi luật để cho phép kiện thành công các công ty Trung Quốc tại tòa án Mỹ và cho phép Mỹ có khả năng tiếp cận các tài sản của các công ty Trung Quốc nếu họ bị tuyên bố có tội, ông Brown nói.
Cựu CEO của Symantec nói thêm rằng cơ quan phản gián của FBI cũng có thể sử dụng các thông tin trong các vụ tố tụng về đánh cắp sở hữu trí tuệ để giúp ngăn chặn các hành vi đánh cắp.
Một biện pháp nữa mà ông Brown đề xuất là Mỹ có thể đầu tư vào một kế hoạch thi đấu “dài hạn” để luôn dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ, chẳng hạn như bằng cách đầu tư vào giáo dục các ngành STEM, tài trợ nghiên cứu & phát triển và cải cách cách thức thương mại hóa các công trình khoa học.
Trong khi đó, bà Elsa Kania nhấn mạnh rằng: “Mỹ không chỉ phải phòng thủ, mà còn phải tiếp tục tấn công; không được sợ cạnh tranh với Trung Quốc, mà còn phải chấp nhận điều đó”.
Ông Phillips và các chuyên gia khác tham gia điều trần lập luận rằng bước đầu tiên đối với người Mỹ là phải nhận ra rằng họ đang tham gia vào một cuộc đua công nghệ với Trung Quốc.
“Chúng ta cần loại bỏ các cuộc thảo luận về Nga. GDP của Nga chỉ có 1,5 ngàn tỷ USD, họ thậm chí không được coi là một công ty cạnh tranh xét về GDP”, ông Phillips nói.
Chủ tịch NanoMech nhấn mạnh: “Đang diễn ra một cuộc chiến tranh thực sự. Đó là một cuộc chiến không gian mạng chưa từng có trước đây khi họ xâm nhập nước Mỹ mỗi ngày, cố gắng tiếp quản nước Mỹ về lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nếu họ không ăn cắp nó, họ đang bắt chước nó hoặc họ đang cố gắng để có được nó thông qua các phương tiện khác như tôi vừa mô tả. Nga không là gì cả. Và chúng ta cần phải chú ý vào Trung Quốc”.
Hùng Cường (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc đánh cắp công nghệ Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ chiến tranh mạng Quan hệ Mỹ - Trung điều trần