Trung Quốc hôm thứ Ba (7/11) yêu cầu các thương nhân báo cáo thông tin xuất khẩu đất hiếm theo thời gian thực, nhằm kiểm soát chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây.

Chip Trung Quoc
Ảnh minh hoạ (Nguồn: William Potter/ Shutterstock)

Theo một tuyên bố trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, các nhà xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sẽ được yêu cầu tiết lộ ngay các chi tiết như điểm đến, số lượng, chi tiết vận chuyển và các thông tin giao dịch khác. Các hạn chế mới có hiệu lực vào ngày 31 tháng 10 và kéo dài trong hai năm.

Các quy định mới là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thắt chặt kiểm soát đối với đất hiếm, một nhóm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, từ sản phẩm công nghệ thương mại như ô tô điện đến thiết bị quân sự. 

Sự độc quyền của Trung Quốc

Theo dữ liệu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 70% hoạt động bảo vệ khai thác đất hiếm trên toàn cầu, tăng từ mức 59% vào năm 2021.

Ở cấp độ chế biến, Trung Quốc chiếm 85% khả năng toàn cầu trong việc biến khoáng sản khai thác thành vật liệu có thể sử dụng cho các nhà sản xuất.

Hoa Kỳ nhập khẩu hầu hết đất hiếm từ Trung Quốc, mặc dù sự phụ thuộc đó đã giảm bớt trong những năm gần đây. Dữ liệu của USGS cho thấy, từ năm 2018 đến năm 2021, Trung Quốc cung cấp 74% đất hiếm nhập khẩu vào Hoa Kỳ, giảm từ mức 80% trong giai đoạn 2014-2017.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu nhập khẩu gần như toàn bộ (98%) đất hiếm từ Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của khối 27 quốc gia phải suy nghĩ lại phụ thuộc Bắc Kinh về thương mại và sự hỗ trợ của nước này dành cho Nga trong bối cảnh xung đột với Ukraine.

Cảnh cáo về Trung Quốc

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng độc quyền về đất hiếm và các vật liệu quan trọng khác làm công cụ mặc cả, đặc biệt là trong các cuộc cạnh tranh thương mại với Hoa Kỳ. Trung Quốc đã chỉ định đất hiếm là nguyên liệu chiến lược từ năm 1990.

Trên thực tế, chính quyền Trung Quốc đã tạm thời ngăn chặn việc xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vào năm 2010 khi căng thẳng giữa hai nước leo thang. Vụ việc liên quan đến các hòn đảo tranh chấp, bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc.

Năm 2019 Trung Quốc đe dọa hạn chế bán đất hiếm cho Hoa Kỳ, sau đó cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa Huawei (gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với quân đội ĐCSTQ) vào danh sách đen, 

Vào tháng Bảy, Bộ thương mại Trung Quốc đã công bố kế hoạch hạn chế xuất khẩu hai kim loại quý hiếm để sản xuất chất bán dẫn là gali và gecmani, nhằm trả đũa Hoa Kỳ và các nước phương Tây vì hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chip tiên tiến.

Theo Liên minh Nguyên liệu thô Quan trọng, Trung Quốc chiếm 80% sản lượng gali và 60% sản lượng germanium trên thế giới.

Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Bắc Kinh có thể không gây ra sự gián đoạn ngay lập tức trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng như một lời cảnh cáo đối với phương Tây.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đã căng thẳng vì nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả các hành vi gây hấn quân sự của ĐCSTQ ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, cũng như các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư của Mỹ đối với các công nghệ tiên tiến nhằm chống lại quá trình hiện đại hóa quân sự của chế độ cộng sản này.

 Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị APEC vào ngày 11 tháng 11, đánh dấu sự gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo sau một năm. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận liệu ông Tập có tới Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh APEC hay không.

Anh Nguyễn