Sau hai năm rưỡi thời kỳ dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình chuẩn bị có chuyến công du nước ngoài đầu tiên và đã chọn Trung Á. Thông tin cho rằng ông Tập sẽ gặp Tổng thống Nga Putin ở Uzbekistan. Truyền thông Đức chỉ ra cuộc gặp này có thể có ý nghĩa “cột mốc”.

Lật Chiến Thư và Putin
Ông Lật Chiến Thư (trái) và ông Putin đã gặp nhau vào tháng 9/2022. (Nguồn: kremlin.ru)

Trong bài “Cùng chống phương Tây: Tập Cận Bình và Putin sẽ gặp nhau ở Uzbekistan” được công bố trên tờ Handelsblatt (Đức) chỉ ra, giới quan sát chính trị cho rằng cuộc gặp này có thể có tính cột mốc quan trọng. Ông Tập Cận Bình đã không rời Trung Quốc trong hơn 2 năm. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Tập để gặp ông Putin được coi là một cam kết rõ ràng đối với Nga.

Bài viết chỉ ra trong cuộc chiến Ukraine, Chính phủ Trung Quốc vốn tự xưng trung lập nhưng thực tế ủng hộ Moscow về nhiều mặt, phản đối sự mở rộng về phía đông của NATO, cáo buộc Mỹ khuấy động căng thẳng, ủng hộ Nga về ‘những lo ngại an ninh hợp pháp’, qua đó lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây là bất hợp pháp. Ngoài ra nhà chức trách ĐCSTQ cũng không xem hành động của Nga là “xâm lược” và tránh nói về chiến tranh.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào đầu tháng Tám đã làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát chính trị cho rằng điều này càng thúc đẩy ĐCSTQ muốn tăng cường sức cạnh tranh với phương Tây thông qua liên minh với Nga.

Bài viết chỉ ra các nước phương Tây ngày càng lo ngại Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác chặt chẽ hơn về chính trị, kinh tế và quân sự. Nhưng góc nhìn từ giới quan sát chính trị cho rằng hợp tác kinh tế quan trọng hơn hợp tác quân sự. Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga, nhưng Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào tư cách của Nga là bên cung cấp nguyên liệu thô.

Một nhận định khác trên tờ Münchner Merkur cũng cho rằng cuộc gặp Tập – Putin là cuộc gặp mang tính biểu tượng. Bài viết chỉ ra, những năm gần đây quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc không ngừng tăng lên, ngoài ra vấn đề hợp tác kinh tế cũng ngày càng gắn bó hơn. Tuy tăng trưởng thương mại nước ngoài của Trung Quốc trong tháng Tám chậm lại so với tháng trước, nhưng thương mại với Nga của Trung Quốc lại tăng trưởng mạnh mẽ.

Bài viết cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước là đôi bên cùng có lợi: Nga có nhiều nguyên liệu thô mà Trung Quốc đang rất cần, trong khi Trung Quốc có bí quyết công nghệ mà Nga hy vọng sẽ được hưởng lợi.

“Quan trọng nhất là [giới chóp bu] Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau hơn về mặt tư tưởng. Trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh đã có thêm nhiều tuyên bố cáo buộc NATO và đặc biệt là Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự leo thang của cuộc chiến ở Ukraine. Khi bắt đầu xung đột, Trung Quốc đã lan truyền một số bào cáo sai lệch từ Nga, chẳng hạn như cáo buộc rằng Mỹ sở hữu một phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Ukraine. Cho đến nay Bắc Kinh không lên án chiến tranh. Đổi lại, Điện Kremlin đã ủng hộ lập trường cứng rắn của Trung Quốc về cuộc xung đột Đài Loan sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi”, bài viết trên tờ Münchner Merkur chỉ ra.

Trước chuyến công du này, ngày 7/9 Ủy viên Thường vụ đứng thứ 3 của Bộ Chính trị ĐCSTQ là ông Lật Chiến Thư (chức Chủ tịch Nhân đại) đã dẫn đầu một phái đoàn lớn tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 7 do Nga tổ chức tại Vladivostok vùng Viễn Đông, tại diễn đàn đã tuyên bố “hợp tác toàn diện” với Nga.

Theo Hãng thông tấn Vệ tinh Nga (Sputnik), ông Lật Chiến Thư cho biết “Tiềm năng hợp tác Trung-Nga là rất lớn, các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước rất rộng lớn”.

Hôm đó khi gặp ông Lật Chiến Thư, ông Putin bày tỏ hy vọng được gặp ông Tập Cận Bình tại cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào tuần tới. Nhiều quan sát chỉ ra chuyến thăm Nga của ông Lật Chiến Thư là “bước đệm” cho cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin. Trước đó không lâu, ĐCSTQ đã mua một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, và bắt đầu thanh toán phí khí đốt bằng đồng Nhân dân tệ và đồng rúp.