Khi quân đội Ukraine tiếp tục cuộc phản công bị thổi phồng để lấy lại những lãnh thổ tranh chấp ở các khu vực miền đông và miền nam của nước này, thì chúng ta cũng đã đang phải đối mặt với những tin tức mâu thuẫn về chiến dịch này. Nhiều bản tin nói quân đội Ukraine đang gặp khó khăn trong việc phá vỡ những trận địa mìn củng cố vững chắc các giới tuyến của Nga. Và nhiều bản tin xác nhận rằng thậm chí vụ binh biến bất ngờ và kịch tính của Tập đoàn Wagner cũng dường như đã không đem đến cho Ukraine nhiều lợi thế trên tiền tuyến. Vài ngày trước, trong một động thái giống như là kiểm soát thiệt hại, bộ trưởng quốc phòng Ukraine thậm chí đã loan báo rằng Kyiv sẽ không còn đo lường thành công theo lãnh thổ lấy lại được mà thay vào đó sẽ chỉ nhắm đến mục tiêu phá hủy càng nhiều cơ sở hạ tầng quân sự của Nga càng tốt.

Nhưng, theo một số nhà báo phương Tây, tất cả điều này là nằm trong kế hoạch của Ukraine. Họ chỉ là đang kiểm tra sức kháng cự của Nga nhằm tìm ra các điểm yếu để họ có thể phân bố các nguồn lực tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc phản công. Và đó là lúc những chiến thắng lớn sẽ đến. Có lẽ đó là sự thật, nhưng mà, các tin tức khác về những thiệt hại của Ukraine có lẽ sẽ khiến bạn nghĩ cuộc phản công này đã đang là một thảm họa khủng khiếp.

Cũng giống như về toàn bộ cuộc chiến, cách bạn nhìn cuộc phản công này đang diễn ra thế nào phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc bạn nhận các nguồn tin về nó từ đâu. Đó không phải là điều gì đáng ngạc nhiên cả. Là những công dân của quốc gia giàu nhất, kiểm soát hầu hết vũ khí quân dụng hạng nặng trên thế giới, thì điều quan trọng các bạn cần phải ghi nhớ là tất cả tin tức về cuộc chiến tranh này phải được xem xét với thái độ hoài nghi cơ bản. Sở dĩ phải vậy là bởi vì nhiều bên – gồm cả chính bản thân các chính phủ và các hãng truyền thông – đều đang nỗ lực làm việc nhằm bẻ cong nhận thức của công chúng Mỹ về cuộc chiến tranh này theo hướng có lợi cho bọn họ.

Tất nhiên, điều đó không phải là thứ gì đó mới mẻ. Năm 1941 – lần gần nhất một cuộc chiến tranh tại châu Âu đe dọa sẽ lan rộng ra toàn cầu – nước Anh đã điều một sĩ quan tình báo có tên William Stephenson tới Mỹ và giao nhiệm vụ cho ông ta điều hành một chiến dịch thông tin nhằm khiến công chúng Mỹ quay lưng lại với chủ nghĩa không can thiệp.

Cách tiếp cận chính mà đội ngũ đưa tin của William Stephenson đã sử dụng là bí mật cài cắm một cách cẩn thận những câu chuyện được viết ra – đôi khi là chuyện giả hoàn toàn – vào các tờ báo và tạp chí lớn nhất tại Mỹ. Những câu chuyện này được soạn thảo đặc biệt để mô tả quân đội Anh Quốc là đội quân dư thừa lòng dũng cảm để đương đầu với quân Đức, nhưng không đủ nguồn lực, bất luận độ chính xác của cách mô tả đó vào thời điểm đó ra sao.

Đó là một giọng điệu đặc biệt mà Sở Mật vụ Anh Quốc (MI6) đã tin rằng có cơ hội tốt để thuyết phục công chúng Mỹ ủng hộ nước Mỹ tham chiến. Từ sau đó, mọi nhóm mà thể chế chính trị Mỹ muốn ủng hộ quân sự đều đưa thông tin tới người dân Mỹ theo cách tương tự – từ nhóm Mujahideen (du kích quân Hồi giáo tham gia thánh chiến) tới nhóm người Kurd ở Syria và cho tới chế độ Ukraine hiện nay.

Mặc dù chúng ta có thể không biết về sự phổ biến của các hoạt động truyền tin bí mật này một thời gian, nhưng hai câu chuyện được đăng tải tháng trước mở ra một góc nhìn về một số nỗ lực công khai hơn nhằm định hình quan điểm của chúng ta về cuộc chiến tranh tại Ukraine. Đầu tiên là, Thomas Gibbons-Neff, phóng viên thường trú tại Ukraine của New York Times, đã viết một câu chuyện có tính lan truyền kể chi tiết về cách các quan chức báo chí của Ukraine và một số nhà báo phương Tây đã đang cố gắng nói giảm, biện minh hoặc thậm chí che giấu việc các binh lính Ukraine sử dụng biểu tượng của phát-xít Đức.

Một đoạn cụ thể kể về các phóng viên ảnh phương Tây yêu cầu các nhân vật của họ phải bỏ đi các tấm biển có biểu tượng của phát-xít Đức trước khi chụp ảnh. Bằng cách làm thế, những nhà báo này đã vượt qua lằn ranh nghề nghiệp từ việc sưu liệu thành dàn dựng cảnh.

Cùng một ngày đó, cựu nhà báo của New York Times Ben Smith đã đăng một bài viết báo cáo rằng nhiều nhà báo phương Tây đã đang gia tăng sự thất vọng với cách chính phủ Ukraine sử dụng quyền tiếp cận và cấp phép tác nghiệp để định hình tin tức về cuộc chiến tranh. Chẳng hạn, quân đội Ukraine đã đe dọa sẽ thu hồi thẻ tác nghiệp của một phóng viên ảnh sau khi anh này chụp các bức ảnh về những binh lính nghĩa vụ trong một chiến hào mà không có sự hiện diện hoặc cho phép của một quan chức báo chí Ukraine.

Một ví dụ khác, một nhóm phóng viên của hãng tin NBC đã di chuyển tới Crimea để phỏng vấn công dân ở đây về cuộc chiến tranh. Sau khi đưa tin rằng hầu hết người dân mà họ phỏng vấn đều thích Crimea thuộc về Nga hơn, thì chính phủ Ukraine đã thu hồi các thẻ tác nghiệp của nhóm phóng viên này và đã quản thúc họ trong một khách sạn.

Nhà báo Ben Smith trong bài viết của mình cũng đã nói về chuyện phóng viên Thomas Gibbons-Neff nêu trên bị thu hồi thẻ tác nghiệp sau khi đưa tin về việc Ukraine sử dụng đạn chùm bị cấm. Không có nghi ngờ gì, ít nhất ở một chừng mực nào đó, rằng sự đe dọa tiếp diễn về việc mất quyền tiếp cận sẽ ảnh hưởng đến mọi người đưa tin ở đó theo cách chính thức.

Đây không phải là một kỹ thuật mới hay bất thường. Chính phủ Mỹ đã sử dụng những chiến thuật tương tự để giúp định hình câu chuyện về các cuộc chiến tranh của họ tại Afghanistan và Iraq. Hầu hết các nhà báo chuyên nghiệp đều phải không ngừng nỗ lực tìm nguồn tin. Vậy nên, bằng cách cấp quyền tiếp cận rộng rãi mà có thể luôn bị thu hồi, các chính phủ có thể sử dụng thủ đoạn cây gậy và củ cà rốt một cách hiệu quả để kiểm soát tin tức truyền thông.

Quan điểm của chúng ta về chiến tranh là bị thiên lệch bởi mục đích. Chắc chắn, chế độ Nga cũng đang thực hiện nỗ lực tương tự để kiểm soát cách người Nga nhìn nhận về cuộc chiến tranh này, nhưng sẽ thật là lố bịch khi nói rằng Điện Kremlin nắm ảnh hưởng lên công chúng Mỹ hơn các chính phủ Mỹ hoặc Ukraine.

Bất kể những gì truyền thông, chính phủ, hoặc giáo viên dạy môn giáo dục công dân của bạn muốn bạn nghĩ gì, thì bạn cũng không cần phải điên cuồng cập nhật diễn tiến tại Đông Âu theo giờ để là một công dân tốt. Nhưng nếu bạn lựa chọn theo dõi cuộc chiến tranh này, thì nên hiểu những bên nào tham gia vào việc đưa tin mà bạn đang xem, đang đọc bởi vì không phải tất cả mọi người đều đang cố gắng nói cho bạn sự thật.

Tác giả: Connor O’Keeffe

Tân Bình biên dịch

(Quý độc giả có thể xem bài viết gốc đang trên trang web của Viện Mises tại đây.)